08/05/2023 08:26 GMT+7

Cán bộ có tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm

Tuổi Trẻ đã có trao đổi với bà NGUYỄN THỊ THANH - phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - xung quanh việc sửa đổi nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn - Ảnh: TTXVN

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn - Ảnh: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thanh cho hay việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với những người được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn quy định tại nghị quyết 85 Quốc hội khóa XIII trên cơ sở cụ thể hóa quy định 262 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh trong hệ thống chính trị.

Năm 2022, Bộ Chính trị đã tổng kết quy định 262 và sau đó ban hành quy định 96. Nhằm cụ thể hóa quy định 96, Ban Công tác đại biểu đang tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội sửa đổi, thay thế nghị quyết 85.

Bà Thanh khẳng định việc lấy phiếu có giá trị thực tiễn rất lớn, giúp những người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn có điều kiện đánh giá, nhìn lại quá trình công tác. Trên cơ sở kết quả phiếu giúp cán bộ "tự soi, tự sửa". Kết quả lấy phiếu là kênh để các cấp có thẩm quyền nhìn nhận, đánh giá cán bộ trong đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch ở các bước sau. 

Những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh danh dự, liêm sỉ là điều thiêng liêng, quý trọng nhất của mỗi con người. Vì vậy, kết quả lấy phiếu không chỉ có giá trị để cấp có thẩm quyền nhìn nhận, đánh giá cán bộ mà còn mang ý nghĩa rất lớn về vấn đề danh dự.

Cán bộ tín nhiệm thấp có thể xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm

* Những điểm mới trong nghị quyết sửa đổi này là gì, thưa bà?

- Dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 85 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm được sửa đổi 13/18 điều. Tuy nhiên nội dung chủ yếu sửa phần hệ quả xử lý đối với kết quả lấy phiếu. Trong đó, rõ nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức. Nếu không xin từ chức thì Quốc hội, HĐND sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất. Việc này vừa nhân văn nhưng rất nghiêm khắc, thể hiện thái độ rõ ràng, nghiêm túc trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Hiện nay đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội về ba mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Do đó, Ban Công tác đại biểu đang tham mưu cho Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội để việc lấy phiếu đúng quy định, không bỏ sót đối tượng và phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.

* Vì sao chúng ta không để hai mức khi lấy phiếu tín nhiệm là tín nhiệm - không tín nhiệm mà vẫn để ba mức và chia thành hai giai đoạn, thưa bà?

- Ở đây có hai giai đoạn là lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá mức độ tín nhiệm và gồm ba mức độ là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Còn với bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Việc chỉ có hai mức để thể hiện rõ thái độ hay sự bất tín nhiệm với cán bộ.

Không làm một mà thực hiện hai giai đoạn nhằm thể hiện rõ tính công minh, khách quan, nhân văn, thận trọng trong đánh giá cán bộ thông qua lấy phiếu tín nhiệm. Bởi Quốc hội và HĐND có rất đông đại biểu, trong đó gần 500 đại biểu Quốc hội, còn HĐND cấp tỉnh thường là 50 đại biểu, TP lớn 75-95 đại biểu. 

Số lượng lớn nhưng không phải tất cả đại biểu đều có điều kiện theo dõi sát được hết các hoạt động của người được lấy phiếu nên tính sát thực có thể chưa cao. Vì vậy, từ kết quả của lấy phiếu, nếu rơi vào trường hợp có quá nửa hoặc đến 2/3 tổng số đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Thêm vào đó, thực tế có những cán bộ du di giữa tín nhiệm cao và tín nhiệm nhưng chưa đến mức tín nhiệm thấp. Nếu chỉ có tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp, vô hình trung làm mất đi sự đánh giá đối với người cán bộ chưa ở mức cao lắm nhưng chưa phải thấp. Khi đó, người bỏ phiếu sẽ không biết phải lựa chọn loại hình nào. Do vậy có thêm mức tín nhiệm.

* Như vậy người bỏ phiếu cần phải được cung cấp thông tin đầy đủ để có thể bỏ phiếu một cách công tâm, khách quan?

- Đúng như vậy, với yêu cầu của quy định 96 cao hơn quy định 262 nên ban đang tham mưu sửa đổi nghị quyết mới để làm sao có hướng dẫn rất chi tiết. Trong đó, các biểu mẫu về báo cáo giải trình, hoạt động, kê khai tài sản, mẫu câu hỏi của đại biểu với người lấy phiếu khi cần... đang được nghiên cứu, xây dựng rất cụ thể. Tất cả phải đảm bảo người được lấy phiếu sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, giúp đại biểu có cái nhìn sâu sát, tổng quan, toàn diện, bỏ phiếu trách nhiệm.

Cần nói thêm không phải chỉ với một vài động tác về hồ sơ, báo cáo giải trình, mà muốn cung cấp đầy đủ thông tin hơn cần cả quá trình hoạt động của Quốc hội để tạo điều kiện cho đại biểu nhìn nhận, đánh giá về người được lấy phiếu.

Bà NGUYỄN THỊ THANH - phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: DANH KHANG

Bà NGUYỄN THỊ THANH - phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: DANH KHANG

Danh dự của cán bộ qua các lá phiếu

* Một số ý kiến lo ngại với những cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám va chạm" sẽ dễ bị "mất phiếu" khi lấy phiếu tín nhiệm?

- Qua ba nhiệm kỳ Quốc hội, tôi thấy nếu đánh giá cán bộ trong thời gian ngắn, chẳng hạn chỉ một năm có thể xảy ra sơ suất trong việc người làm quyết liệt, dám nghĩ, dám làm nhận phiếu tín nhiệm không cao. 

Lý do là người bỏ phiếu không có đủ thời gian để đánh giá một cách công tâm, khách quan, sâu sát với người được lấy phiếu. Còn khi là một quá trình dài, từ đầu nhiệm kỳ đến nay khoảng 2,5 năm và có những cán bộ tái cử từ nhiệm kỳ trước sang thì phần lớn đại biểu sẽ biết hết được người được lấy phiếu thuộc típ, gu cán bộ nào. Đồng thời, cũng nhìn thấy rõ hiệu quả công việc, kết quả mà cán bộ, ngành đó mang lại.

Với thời gian như vậy thì cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám va chạm không nên lo lắng sẽ bị mọi người hiểu nhầm. Thực tế, trong ba khóa Quốc hội tôi tham gia thấy rất rõ, kết quả chỉ chênh nhau vài chục phiếu từ tín nhiệm cao với tín nhiệm chứ không thể có một người làm việc rất tích cực, năng động, sáng tạo lại có phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn người khác. Thêm đó, đại biểu Quốc hội chắc chắn đủ minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt để bỏ phiếu đánh giá đúng cán bộ do mình bầu, phê chuẩn.

* Một số ý kiến cũng lo ngại có cán bộ ở giai đoạn lấy phiếu tín nhiệm cũng là nhiệm kỳ cuối cùng trong cuộc đời công tác của họ nên ý nghĩa của việc lấy phiếu không cao, thậm chí không có giá trị?

- Đúng là có những cán bộ ở giai đoạn lấy phiếu tín nhiệm cũng là nhiệm kỳ cuối của cuộc đời công tác. Từ đó, dẫn đến có người lo ngại tình trạng "chợ chiều cuối khóa" hay việc lấy phiếu tín nhiệm không mang ý nghĩa, giá trị với những người này.

Tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta không nên lo ngại điều đó mà trái lại kết quả của lấy phiếu có ý nghĩa rất lớn với họ. Bởi thực tế, dân gian đã có câu "con chim có lông, con người có tiếng" và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh danh dự, liêm sỉ là điều thiêng liêng, quý trọng nhất của mỗi con người. 

Vì vậy, kết quả lấy phiếu không chỉ có giá trị để cấp có thẩm quyền nhìn nhận, đánh giá cán bộ mà còn mang ý nghĩa rất lớn về vấn đề danh dự. Đây sẽ là sự tự hào của cơ quan, gia đình, các cá nhân với họ, nhất là khi họ sắp kết thúc cuộc đời công tác.

Giải pháp giúp loại cán bộ không dám nghĩ, không dám làm

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết hiện nay có một bộ phận cán bộ không dám nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng hay sau khi nhận vị trí thì "ngủ đông", chờ cơ hội. Tuy nhiên, những người này dường như vẫn an toàn đến hết nhiệm kỳ và cán bộ dưới quyền, thậm chí cả người dân, nhiều khi phải "cay đắng" đợi họ kết thúc nhiệm kỳ.

"Để xử lý vấn đề này sẽ cần kết hợp nhiều giải pháp. Nhưng với việc sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm lần này, nhất là hệ quả việc lấy phiếu quy định rất rõ ràng, quyết liệt, đồng bộ sẽ là một trong những giải pháp giúp từng bước loại bỏ những cán bộ này" - bà Thanh nói.

Không cần hết nhiệm kỳ, tín nhiệm thấp phải xin từ chức hoặc bị miễn nhiệmKhông cần hết nhiệm kỳ, tín nhiệm thấp phải xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm

Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên