08/02/2023 09:20 GMT+7

Phiếu tín nhiệm: Thử thách rất lớn với cán bộ, lãnh đạo

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành quy định 96 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Phiếu tín nhiệm: Thử thách rất lớn với cán bộ, lãnh đạo - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: Lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn - Ảnh: TTXVN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS LÊ VĂN CƯỜNG - phó viện trưởng Viện xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - cho biết quy định 96 mới ban hành của Bộ Chính trị đã có sự kế thừa quy định 262 năm 2014 của Bộ Chính trị khóa XI về nội dung này. Quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa, chặt chẽ hơn trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện trong thời gian qua.

Đồng thời quy định cũng cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông các quy định 41 năm 2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và thông báo kết luận số 20 năm 2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.

Mục đích rõ để đánh giá cán bộ 

Phiếu tín nhiệm: Thử thách rất lớn với cán bộ, lãnh đạo - Ảnh 2.

PGS.TS LÊ VĂN CƯỜNG

* Đâu là những điểm mới của quy định 96, thưa ông?

- Quy định 96 lần này có một số điểm mới, bổ sung, trong đó các điều khoản được cụ thể hóa hơn và xử lý nghiêm hơn. 

Cụ thể ngay ở phần quan điểm, nguyên tắc của quy định đã nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. 

Còn ở quy định 262 năm 2014 nêu phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. 

Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang tính chất tham khảo quan trọng mà đã trở thành nội dung quan trọng.

Cạnh đó, trong tiêu chí lấy phiếu cũng bổ sung kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát... 

Quy trình lấy phiếu cũng có thay đổi, nếu như quy định cũ chia làm ba nhóm cán bộ lấy phiếu tín nhiệm thì quy định mới chỉ chia làm hai nhóm. Gồm nhóm một là các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị. Nhóm hai là các chức danh cán bộ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Một điểm mới đáng chú ý nữa là đã quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Nếu như ở quy định cũ nêu kết quả được sử dụng để tham khảo thì quy định 96 đã khẳng định kết quả này để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ... Cùng với đó, các mức xử lý đối với kết quả tín nhiệm cũng cụ thể, nặng hơn trước.

* Với các điểm mới trong quy định mới này đã bỏ đi các yếu tố "định tính" mà có biện pháp xử lý ngay đối với cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp?

- Đúng như vậy, quy định mới đã chặt chẽ hơn về tổ chức thực hiện. Nếu như ở quy định cũ dùng những cụm từ mang tính chất định tính như tham khảo, xem xét cho thôi hay đợi đến rà soát, bổ sung quy hoạch. Còn theo quy định mới, sau khi lấy phiếu nếu tín nhiệm thấp sẽ xử lý ngay và đưa ra từng khung rất cụ thể: trên 50% nhưng dưới 2/3 thì cho từ chức, đưa ra khỏi quy hoạch, trên 2/3 thì miễn nhiệm luôn.

Việc quy định rõ ràng như vậy sẽ giúp các cấp ủy, đơn vị khi tổ chức lấy phiếu sẽ dễ dàng thực hiện. Cùng với đó, từ việc khẳng định đây là biện pháp nhằm đánh giá cán bộ chứ không phải tham khảo sẽ tránh được tâm lý của người được lấy phiếu và người bỏ phiếu là lấy phiếu chỉ là hình thức, "tín nhiệm thấp vẫn được dùng" hay "huề cả làng"...

* Việc lấy phiếu tín nhiệm này vừa là thử thách nhưng cũng vừa là động lực để những người cán bộ lãnh đạo hoàn thiện mình?

- Việc lấy phiếu tín nhiệm có thể xem liên quan đến sinh mệnh chính trị của từng đảng viên, nhất là các cán bộ đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý được đưa vào diện lấy phiếu. Đây cũng có thể coi như thử thách rất lớn nhưng là thử thách tích cực để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo "tự soi, tự sửa" lại mình. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Lấy phiếu tín nhiệm cũng như một biện pháp nhắc nhở, tạo ra yêu cầu cao đối với người được lấy phiếu phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, phải dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách, năng động, sáng tạo, đổi mới...

* Tuy nhiên cũng có lo ngại việc cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám va chạm... có thể dễ bị "mất phiếu" khi lấy phiếu tín nhiệm?

- Đúng vậy, đây là một "nan đề", bởi nhiều khi những cái mới lại thành cái lạ, ngược với cái chung và không dễ được chấp nhận. Vì vậy, những cán bộ xung phong, dám làm, dám đương đầu với cái khó, "nói sự thật mất lòng" hoặc những lĩnh vực hay va chạm với đời sống người dân, xã hội rất có thể sẽ không được phiếu tín nhiệm cao. 

Dư luận cũng đặt ra việc với các cán bộ quản lý ngành y tế, giáo dục, giao thông... sẽ dễ bị phiếu tín nhiệm thấp vì liên quan nhiều đến đời sống người dân hằng ngày. Còn những cán bộ cứ lối mòn mà đi, mà diễn, "mũ ni che tai" thì số phiếu tín nhiệm có khi lại cao. 

Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần tính toán, xem xét để có thể đánh giá, tổng kết được cụ thể. Từ đó có thể khơi dậy được khát vọng trong cán bộ để phát triển.

Phiếu tín nhiệm: Thử thách rất lớn với cán bộ, lãnh đạo - Ảnh 3.

Tiến tới Đại hội XIV của Đảng: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Báilần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 - Ảnh: TTXVN

Cần sự công tâm của người bỏ phiếu tín nhiệm

* Như vậy người bỏ phiếu cần phải được cung cấp thông tin đầy đủ để có thể bỏ phiếu một cách công tâm, khách quan?

- Như tôi đã nói ngoài người được bỏ phiếu thì người bỏ phiếu rất quan trọng. Người bỏ phiếu phải thực sự công tâm, khách quan, tránh cho việc chỉ lấy quan hệ hay như Bác Hồ từng nêu "cánh hẩu với mình thì ưa, không phải cánh hẩu với mình thì ghét".

Muốn làm tốt điều này, trong quy định mới, Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò của người ghi phiếu và người được lấy phiếu. Trong đó, việc người được lấy phiếu phải cung cấp, thu thập thông tin một cách trung thực, khách quan cần coi trọng. Làm tốt việc này sẽ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người bỏ phiếu. 

Ngoài ra, cấp trên cũng cần có những đánh giá, phân loại cụ thể để người bỏ phiếu có thêm căn cứ, cơ sở cho việc bỏ phiếu. Thêm nữa, cũng nên có nhiều kênh thông tin ở từng cấp độ khác nhau để người bỏ phiếu có thể tiếp cận để đánh giá.

* Một tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ được nhiều người quan tâm đó là quy định xem xét về sự gương mẫu của bản thân, vợ, chồng, con... Tiêu chí này có nên được đánh giá kỹ hơn khi lấy phiếu?

- Đây không phải là tiêu chí mới mà trong quy định 262 năm 2014 đã có. Tuy nhiên thời gian qua có câu chuyện là dù có quy định nhưng vấn đề tổ chức thực hiện không tốt. Việc kiểm soát vợ, chồng, con không tốt nên dẫn đến câu chuyện một lãnh đạo đã bị xử lý hình sự và trong đó vợ, con từng đứng tên công ty có liên quan vụ án.

Vấn đề nêu gương của bản thân và gương mẫu của vợ, chồng, con cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nêu rõ "chân mình còn lấm bê bê lại cầm bó đuốc đi rê chân người" nhằm nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nêu gương của cán bộ, đặc biệt là những cán bộ, lãnh đạo "càng cao thì càng phải gương mẫu". 

Quy định về 19 điều đảng viên không được làm cũng nêu rõ việc cấm đảng viên để vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh chị... và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Việc nêu gương của bản thân và gương mẫu của vợ, chồng, con hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đến quá trình phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên. 

Điều này cho thấy nếu kiểm soát tốt, có sự công khai, báo cáo đầy đủ của người cán bộ thì người bỏ phiếu sẽ có cơ sở để đánh giá đầy đủ.

* Như vậy, theo ông, để quy định mới này được thực thi hiệu quả cần làm gì?

- Việc lấy phiếu về thực chất là một khâu trong quy trình công tác cán bộ và cụ thể hóa hơn nhằm đánh giá cán bộ. Khi đánh giá đúng sẽ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng sẽ đúng. Cho nên đầu tiên phải tuyên truyền, quán triệt quy định mới này đến từng cán bộ, đảng viên để thấy rõ được tầm quan trọng, trách nhiệm của mình để thực hiện.

Cạnh đó phải tổ chức thực hiện cho tốt và tiến hành đồng bộ, công minh, khách quan, trung thực, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", hình thức hay trở thành phong trào theo kiểu "lúc lên, lúc xuống".

Đồng thời, việc lấy phiếu sẽ được tiến hành từ trung ương đến địa phương chứ không riêng cấp, ngành nào nên phải có sự phối hợp đồng bộ trong việc lấy phiếu từ trung ương, Quốc hội, các bộ, ban, ngành, địa phương. Các cơ quan, nhất là Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để các cấp ủy, địa phương, hội đồng nhân dân các cấp thực hiện.

Kèm theo đó, khi đưa một quy định vào thực tiễn phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện như thế nào từ đó có đánh giá, tổng kết, kịp thời bổ sung. Nếu phát hiện việc làm không đúng thì có thể xem xét kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nếu có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì sẽ thực hiện theo đúng phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Và điều quan trọng hơn cả là phải tạo ra cho được sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân để quy định này phát huy hiệu quả cao nhất.

* Ông NGUYỄN TÚC (ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam): Góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm

Với quy định 96 của Bộ Chính trị mới ban hành đã hoàn chỉnh các quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm thật chặt chẽ, chi tiết, cụ thể. Đồng thời quy định mới này tránh hình thức, cả nể theo kiểu "anh ủng hộ tôi, tôi lại ủng hộ anh".

Trong đó quy định 96 đã xác định rõ việc người cán bộ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị xử lý ngay chứ không chờ hết nhiệm kỳ hay hết thời gian bổ nhiệm.

Trong thời gian tới, khi thực hiện có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm cũng chính là một trong những biện pháp góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực "từ sớm, từ xa", góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, trong sạch.

* Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: Lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm 2023

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (dự kiến cuối năm 2023).

Tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp.

Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với tổng thư ký Quốc hội để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

* Bà NGUYỄN THỊ THANH (trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội): Đang chuẩn bị hồ sơ các nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm

Năm 2022, được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã tiến hành đánh giá, tổng kết quy định 262 của Bộ Chính trị và nghị quyết 85 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm với các nhân sự do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đảng đoàn đã có báo cáo tổng kết, đánh giá về các văn bản này.

Sau đó, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định 96 đã có cập nhật, bổ sung thêm quy định 41 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và kết luận 20 về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.

Trong đó đã nêu rõ với mức phiếu tín nhiệm thấp thế nào sẽ xem xét cho từ chức hay miễn nhiệm chức vụ. Việc này nhằm đảm bảo tính tổng thể, liên thông các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ nói chung và lấy phiếu tín nhiệm.

Hiện nay, Ban Công tác đại biểu đang xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó đang chuẩn bị hồ sơ của toàn bộ các nhân sự thuộc đối tượng lấy phiếu do Quốc hội bầu, phê chuẩn bao gồm các sự thay đổi của nhân sự, cũng như đánh giá hoạt động của nhân sự.

Ban cũng đã báo cáo và được Đảng đoàn Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình hoạt động lãnh đạo Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9-2023 nhằm cho ý kiến vào toàn bộ công tác chuẩn bị, triển khai việc lấy phiếu. Trên cơ sở việc tổng kết, đánh giá và chuẩn bị, ban cũng sẽ có hướng dẫn đối với HĐND các địa phương thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm.

TH.CHUNG ghi

Các chức danh do Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

Các chức danh do Quốc hội bầu theo Luật tổ chức Quốc hội gồm: chủ tịch nước, phó chủ tịch nước. Chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ, phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, tổng Kiểm toán nhà nước.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với ba mức độ: "Tín nhiệm cao"; "Tín nhiệm" và "Tín nhiệm thấp". Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết.

Những điểm mới của quy định 96 của Bộ Chính về lấy phiếu tín nhiệm

• Kết quả phiếu tín nhiệm để đánh giá, làm quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

• Cán bộ có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức.

• Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn).

• Tiêu chí lấy phiếu bổ sung các kết quả lãnh đạo về tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, những điều đảng viên không được làm.

• Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công khai trong Ban Chấp hành Trung ương.

• Chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

• Chức danh, chức vụ còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Quy định cũ

• Kết quả phiếu tín nhiệm để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

• Những cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn, xem xét bố trí công tác phù hợp.

• Những cán bộ có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác.

Lấy phiếu tín nhiệm với người do Quốc hội bầu, phê chuẩn vào năm 2023Lấy phiếu tín nhiệm với người do Quốc hội bầu, phê chuẩn vào năm 2023

TTO - Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay trong năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc này sẽ được thực hiện tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên