Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ đang diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Thắng đã có nhiều cuộc làm việc quan trọng nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư hai nước.
Tại buổi làm việc với ông Mohit Singla, chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại Ấn Độ (TPCI), Thứ trưởng Thắng đề nghị TPCI tăng cường hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường Ấn Độ, đặc biệt thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm quốc tế.
Trong đó, bà cho rằng còn nhiều dư địa cho các sản phẩm Việt vào thị trường Ấn, nhất là các sản phẩm trái cây tươi được sản xuất theo tiêu chuẩn, có chất lượng tốt, an toàn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Ấn Độ nhưng vẫn gặp các rào cản hoặc chưa thể thâm nhập vào thị trường này.
Thực tế mới chỉ có thanh long là loại trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Ấn Độ, nên bà Thắng mong muốn TPCI hỗ trợ xúc tiến, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ, tăng cường tiêu thụ thanh long, cá ba sa Việt Nam.
Bà cũng đề nghị TPCI cần có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ, sớm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hạn chế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong tương lai; tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam khai thác, mở thêm các đường bay từ các thành phố lớn của Việt Nam tới Ấn Độ, khai thác mạnh mẽ tiềm năng du lịch, thương mại giữa hai nước.
Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại Ấn Độ cho biết hội đồng sẽ có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ về những đề nghị trên, thúc đẩy giải quyết các vấn đề quan tâm của Việt Nam.
Đó là việc mở đường bay, hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và dỡ bỏ các rào cản thương mại…
Còn tại buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Hải - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, bà Thắng bày tỏ mong muốn đại sứ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại của Ấn Độ.
Trong đó, cần tạo thuận lợi để các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường Ấn Độ, như sản phẩm nông thủy sản, đặc biệt là trái cây tươi của Việt Nam.
Ngay sau đó, chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, bà Thắng nhấn mạnh đến việc cần tăng cường hợp tác, kết nối chuỗi cung ứng, mở rộng thương mại trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng. Bao gồm lĩnh vực nông, thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm, hóa chất, phân bón, máy móc, thiết bị, các sản phẩm hàng tiêu dùng…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Hợp tác phát triển logistics, thiết lập các tuyến vận chuyển trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ để tiết kiệm thời gian, chi phí…
Thêm nữa, Việt Nam cũng khuyến khích đầu tư của Ấn Độ vào công nghiệp nền tảng (ô tô, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu, điện tử, hóa chất), phát triển hạ tầng (hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics), ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận