Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nói rằng không có lý do gì để xứ sở chùa vàng phải tạm dừng các chuyến hàng xuất khẩu của mình vì nước này có đủ gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, theo Hãng tin Reuters.
Hồi cuối tháng 7, Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (trừ gạo trắng basmati) của nước này. Gạo đóng vai trò quan trọng đối với chế độ ăn của hàng tỉ người ở châu Á và châu Phi, do đó lệnh cấm của Ấn Độ - nhằm mục đích kiểm soát giá trong nước - làm gia tăng căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu.
Bộ trưởng Jurin Laksanawisit nhận định lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất gạo Thái Lan, đặc biệt là tại thị trường châu Phi - nơi tiêu thụ lượng lớn gạo từ Ấn Độ.
"Với lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, giá toàn cầu tăng khi lượng cung cấp giảm, và nông dân có thể bán lúa gạo với giá cao hơn", ông nói.
Tuy nhiên, ông Laksanawisit lưu ý giá cả toàn cầu không ổn định và Chính phủ Thái Lan sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas thì cho biết nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới này dự kiến xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo trong năm nay.
Ông cho biết trong 7 tháng đầu năm 2023, Thái Lan đã xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, với lượng xuất khẩu hằng tháng đạt 700.000 - 800.000 tấn. Xuất khẩu gạo năm ngoái của nước này đạt 7,71 triệu tấn.
"Thị trường thế giới đang hỗn loạn vì tình trạng tích trữ ở mọi thị trường, ảnh hưởng đến những quốc gia không có hàng dự trữ", ông Charoen nói.
Ông Charoen cho biết giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể tăng 20% sau lệnh cấm của Ấn Độ.
Hồi tháng 7, Hãng tin Bloomberg tường thuật lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường của Ấn Độ đã gây ra cơn hoảng loạn mua sắm ở một số quốc gia. Các video trên mạng xã hội cho thấy các túi gạo bày bán trên các kệ hàng tại một số nơi bị vét sạch, trong khi người dân xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng tạp hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận