Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi lâu dài từ cơ hội này nếu như Việt Nam đa dạng hóa, mở rộng thị trường.
Gạo Việt tăng giá
Theo ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), giá gạo xuất khẩu của công ty đang cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị mất. Trong khi đó, cũng do El Nino, ảnh hưởng mùa màng, giá gạo toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm vừa qua.
"Ấn Độ đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu gạo, nguồn cung gạo trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng giá trở lại khiến chúng ta có lợi thế rất lớn về xuất khẩu", ông Bình nói.
Được biết năm 2022, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt; hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường. Trong khi đó, từ vụ lúa đông xuân năm nay Việt Nam có sản lượng tăng vượt trội, giá gạo đang ở mức rất tốt, nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang được hưởng lợi lớn.
Gạo là lương thực chính của gần một nửa dân số thế giới, 90% nguồn cung toàn cầu đến từ châu Á. Khi Ấn Độ (chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo trên toàn cầu) cân nhắc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn.
Ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, nhìn nhận: "Ấn Độ cấm xuất khẩu là một cơ hội cho gạo Việt Nam và Thái Lan có thể bán được cao giá hơn. Đồng thời tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa tăng thêm do năng suất tăng từ vụ đông xuân 2023. Cơ hội này cũng tạo điều kiện để khách hàng quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một nguồn cung cấp lương thực ổn định, đáng tin cậy cho nhu cầu lương thực thế giới".
Cần chứng minh được nhiều điều kiện
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, để có thể tận dụng cơ hội này, gạo Việt Nam cần chứng minh được các điều kiện khác nhau như: chất lượng an toàn, phù hợp với từng thị trường tiêu thụ; truy xuất được nguồn gốc để tạo lòng tin với người tiêu dùng và cơ quan quản lý; bảo vệ môi trường để sản xuất bền vững; liên kết chặt các khâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí giá thành...
Ngoài ra, ký hợp đồng bán dài hạn để các đối tác yên tâm mua hàng ổn định, nông dân yên tâm sản xuất; hệ thống tín dụng cung cấp đủ vốn để sản xuất, lưu kho và tái đầu tư thiết bị chế biến.
"Nếu làm được các điều này thì Việt Nam có thể chuyển cơ hội riêng lẻ này thành nền tảng sản xuất và cung ứng bền vững cho thị trường lương thực quốc tế", ông Thuận nhấn mạnh.
Cũng là doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bà Lê Hoàng Đài Trang, chủ tịch HĐQT Công ty CP Gavi, cho biết năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo. Như vậy để bằng với năm 2022, bảy tháng cuối năm 2023 còn có thể xuất khẩu 3,2 triệu tấn. Với tình hình biến động từ nguồn cung của Ấn Độ, dự kiến con số xuất khẩu gạo 2023 của Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới, đẩy mạnh sản lượng gạo xuất khẩu và nâng cao giá trị hạt gạo.
"Công ty CP Gavi đang từ xuất khẩu gạo trắng cho các thị trường truyền thống, đẩy mạnh sang xuất khẩu gạo thơm giá trị cao hơn cho nhiều thị trường khó tính khác như châu Âu, Mỹ, Úc... Công ty còn liên kết với các doanh nghiệp khác để gia tăng giá gạo xuất khẩu trong khi nguồn cầu gạo đang lớn hơn nguồn cung", bà Trang cho biết.
Theo ông Đỗ Hà Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc hạn chế xuất khẩu gạo trắng từ quốc gia này sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới, vì người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.
"Tuy nhiên, gạo Việt cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong dài hạn; phối hợp với nông dân để nâng cao chuỗi giá trị toàn ngành, đảm bảo gia tăng cả về giá lẫn sản lượng gạo xuất khẩu", ông Nam cho biết.
Việt Nam sẽ đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỉ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm nay ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay tiếp tục vượt 7 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu từ một số quốc gia châu Á gia tăng. Với dự báo này, Việt Nam sẽ đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm nay, sau Ấn Độ (khoảng 22,5 triệu tấn) và Thái Lan (khoảng 8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.
Xuất khẩu gạo thuận lợi, đặc biệt cuối năm do các thị trường lớn vẫn mua mạnh như Trung Quốc, Philippines, Malaysia... Điển hình vài ngày tới, Indonesia tiếp tục mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu. Điều này sẽ làm giá gạo các nước tiếp tục tăng.
Xây dựng thương hiệu lúa chất lượng cao
Nói về phát triển ngành hàng lúa gạo, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho hay sắp tới An Giang sẽ phát triển theo ba trụ cột của ngành hàng lúa gạo.
Một là sản xuất lúa giảm phát thải để tăng thu nhập cho người nông dân 500 đồng/kg lúa. Hai là thay thế phân bón ngoại nhập bằng phân bón trong nước. Thứ ba là sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường mà không riêng gì châu Âu, tức là: sạch, dinh dưỡng, giảm phát thải nhà kính và lợi ích cho người nông dân.
"Hiện nay, An Giang đang đưa các tiêu chuẩn đó vào "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao" của Bộ NN&PTNT, có doanh nghiệp tham gia", lãnh đạo UBND tỉnh An Giang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận