01/06/2023 18:55 GMT+7

Để làm trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM có nhiều điểm mạnh lẫn điểm yếu

Kế hoạch đưa TP.HCM phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế là không đơn giản, cần có cơ chế đặc thù.

Để làm trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM có nhiều điểm mạnh lẫn điểm yếu - Ảnh 1.

Các chuyên gia nhận định TP.HCM cần cơ chế đặc thù để phát triển trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh: BÔNG MAI

Vấn đề "TP.HCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?" được bàn luận sôi nổi, tại tọa đàm do tạp chí Kinh Tế Sài Gòn tổ chức chiều nay 1-6.

Không dễ để đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

"Không đơn giản" là cụm từ được TS Phùng Hương Giang - giảng viên, nghiên cứu viên Trường Kinh doanh ISC, Paris - đưa ra. Bởi việc cạnh tranh với các tổ chức tài chính đang hoạt động lành mạnh, có lịch sử lâu dài, có chất lượng dịch vụ và mối quan hệ bền vững... là rất khó khả thi.

Do đó, Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu thế giới về một thị trường ngách hoặc khả năng thay thế cho một trung tâm tài chính đang trên đà suy thoái.

Có sáu yếu tố cơ bản tạo nên thứ hạng của trung tâm tài chính quốc tế gồm: sức mạnh kinh tế của nước sở tại; quản trị quốc gia và môi trường kinh doanh; sự phát triển tài chính toàn diện; lao động có tay nghề cao; khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng; uy tín quốc gia. 

Trong số này, TP.HCM vẫn còn rất yếu một số yếu tố, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM cần khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, hút nguồn vốn ngoại.

Trong khi đó, ông Trần Nhật Khanh - giám đốc điều hành quỹ đầu tư Touchstone Partners - cho biết trên thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang đối mặt rủi ro về pháp lý, đặc biệt liên quan đến các mảng giao thoa như: công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ nông nghiệp…

"Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để hỏi luật sư, chuyên gia rằng liệu công ty này hoạt động đúng luật hay không", ông Khanh chia sẻ.

Vì vậy, TP.HCM cần có cơ chế thử nghiệm - sandbox, nếu không, khó có thể khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đổi mới sáng tạo, cần miễn - giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia. 

Chẳng hạn, một nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo (AI) có thu nhập 500.000 - 700.000 USD/năm tại Mỹ, nhưng về Việt Nam chỉ nhận khoảng một nửa và bị trừ thêm 35% thuế thu nhập cá nhân.

Tại Singapore, chính phủ đầu tư mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân. TP có thể thử nghiệm đầu tư tiền mặt, ưu đãi thuế phí... để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp.

Phát triển thị trường chứng khoán là một trong những điểm quan trọng để giúp TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Do đó, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc khối nghiên cứu và phát triển, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - chia sẻ cần nâng chuẩn hàng hóa niêm yết.

Hiện nay sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) có điều kiện niêm yết khắt khe hơn hai sàn còn lại, nhưng vẫn để lọt nhiều "cổ phiếu rác". Vì vậy cần sàng lọc, tăng tính minh bạch, áp dụng tiêu chuẩn kế toán quốc tế đối với doanh nghiệp niêm yết lần đầu trên sàn này.

Để hút vốn, cần có cơ chế để nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản chứng khoán nhanh chóng. Khi đã giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế tỉ lệ sở hữu, để giảm rào cản này, cần phát triển chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (nhà đầu tư ngoại được mua cổ phần, sở hữu quyền cơ bản của cổ đông, nhưng không có quyền biểu quyết).

Song song đó, TP cần có cơ chế riêng để doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn một cách thuận lợi.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn, xếp loại tín dụng hạng A, được niêm yết trên sàn chứng khoán Viêt.

Phát huy các lợi thế có sẵn

TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định hiện TP.HCM có một số điểm nổi trội để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế.

Chẳng hạn, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Singapore nằm mức 17% (chưa bao gồm chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp), tại Việt Nam là 20% - chênh lệch không quá nhiều nếu giảm thuế. Chi phí thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam nằm mức 5 triệu đồng, trong khi ở Singapore hơn 120 triệu đồng.

Ở Singapore, khi mở doanh nghiệp, phải có người bản xứ làm giám đốc, tốn tiền thuê. Chi phí duy trì một doanh nghiệp ở Singapore khoảng 10.000 - 20.000 USD, còn ở Việt Nam khoảng 2.000 - 3.000 USD.

Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh về chi phí, chẳng hạn phí chuyển tiền ở các ngân hàng đang tiệm cận về 0. Còn doanh nghiệp ở Singapore, mọi chi phí đều tính bằng tiền. Dù Singapore có thuế thấp, nhưng phí dịch vụ cao.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính của nước ta cũng khá năng động so với nhiều nước phát triển. Hiện nay người dân có thể chuyển tiền 24/7 nhanh chóng, không nhiều nước làm được.

Điều quan trọng, để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, ngoài hút vốn ngoại, cũng cần tạo ra hệ sinh thái để doanh nghiệp ngoại thành lập tại Việt Nam và cùng phát triển. Trong đó doanh nghiệp được luân chuyển dòng vốn tự do.

Đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chínhĐề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính

Ngoài trung tâm tài chính, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đề nghị Qatar hỗ trợ trung tâm cấp chứng chỉ Halal và mở cửa cho nông sản Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên