18/09/2013 11:00 GMT+7

Để không ai còn phải cô độc...

HOÀNG ĐIỆP - MAI HOA
HOÀNG ĐIỆP - MAI HOA

TT - Có hàng trăm nơi, và cũng có rất nhiều dịch vụ miễn phí đang hiện diện ở Sài Gòn. Không chỉ là chuyện ăn ở, đi lại, học hành, giới thiệu việc làm, cắt tóc miễn phí có địa chỉ cụ thể mà còn hàng trăm đoàn từ thiện khác nhau vẫn đang âm thầm hỗ trợ những gia đình khó khăn, người neo đơn, cơ nhỡ khắp TP.

b36cS4sW.jpgPhóng to
Bác sĩ của đoàn thầy thuốc tình nguyện thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM khám chữa bệnh tại huyện Cái Nước, Cà Mau - Ảnh: Mai Hoa

Như một thói quen

Đầu con hẻm trên đường Lê Trọng Tấn, Q.Bình Tân nơi chúng tôi ở có mấy cửa hàng bán đồ ăn sáng. Một người bán bánh mì và xôi mặn, một người bán bún bò giò heo... Cứ vào sáng chủ nhật hằng tuần họ lại đến bệnh viện, các cơ sở chăm nuôi người già neo đơn để làm từ thiện. Đôi khi là mang cho họ bữa cơm, hoặc góp vài ký rau củ cho các bếp ăn từ thiện, hoặc nói chuyện với những người già đang sống nhờ sự bao bọc của rất nhiều tấm lòng hảo tâm của người dân sống trong TP. Người bán bánh mì nói mỗi ngày bán cả ngày cô lời được chừng 200.000 đồng. Số tiền ấy được chia thành nhiều khoản để chi tiêu cho gia đình, nhưng mỗi tuần cô không quên bớt ra một chút để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Và nhiều người bán hàng ở con hẻm này cũng làm công việc ấy, như một thói quen hết sức bình thường chẳng có gì phải kể.

Có một phụ nữ làm nghề bỏ mối cà phê tại các tiệm cà phê ở Củ Chi, mỗi ngày phải chạy xe hàng trăm cây số để bỏ hàng. Buổi tối cô thức khuya để rang, xay và đóng gói cà phê, buổi sáng cô phải rời nhà từ rất sớm. Thế nhưng toàn bộ số tiền lời cô thu được mỗi ngày sẽ được chia thành bốn ống đựng tiền: một ống chi tiêu cho gia đình hằng ngày, một ống để cho con trong tương lai, một ống gửi về cho mẹ nuôi em ăn học, còn một ống để làm từ thiện. Ống tiền để làm từ thiện ấy cứ ba tháng cô lại mở ra một lần, đếm tất cả xem được bao nhiêu thì mang một phần vào một trung tâm nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa. Phần còn lại cô mang đi đóng góp cho quỹ từ thiện của các bệnh viện như một thói quen vậy.

Ai cũng có lúc sa cơ

Buổi phát đồ ăn miễn phí diễn ra tại cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM với hàng ngàn suất ăn đã được phát hết trong thời gian chừng 90 phút. Đương nhiên, không chỉ có bệnh nhân của bệnh viện hay người nhà bệnh nhân xếp hàng để nhận phần ăn miễn phí mà còn khá nhiều người đi đường đói bụng ghé vào xếp hàng. Sau khi nhận phần đồ ăn được người phát trao cho đầy trọng thị rồi lại chỗ đậu xe, họ ngồi luôn trên yên xe xì xụp ăn hết. Đó có thể là những người thợ mải đi làm quá bữa, hoặc có cả ngàn lý do quá bữa mà trong túi hoặc không có tiền hoặc có tiền mà muộn quá không kiếm được tiệm bán đồ ăn phù hợp với túi tiền của mình nên đành nhịn đói.

Để thực hiện buổi phát hàng ngàn suất ăn miễn phí ngon lành, sạch sẽ ở cổng bệnh viện, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Mai (nhà ở Q.4) đã huy động hàng chục người trong gia đình tham gia nấu nướng và chợ búa. “Gia đình tôi không thường xuyên nấu đồ từ thiện, nhưng mỗi năm cũng nấu chừng bốn lần như thế với số tiền 30-40 triệu đồng. Năm nào làm ăn được nhiều mình phát nhiều, làm được ít mình phát ít. Mình làm từ tâm nên không câu nệ phải làm lớn hay nhỏ”.

Vừa múc cháo vào tô cho khách, bà Mai vừa kể về công việc hàng chục năm nay cả gia đình cùng làm: “Thức từ tối khuya đến sáng đêm để nấu đồ ăn mà trong nhà ai cũng vui hết”. Bà Mai cho biết gia đình mình buôn bán nhỏ, “thu nhập qua ngày. Mình khỏe mạnh làm ra tiền, người ta ốm đau là khổ rồi, giúp đỡ chia sẻ với họ nỗi vất vả để họ vui hơn, dù có thể vật chất chẳng đáng là gì. Chẳng ai biết ngày mai mình sẽ ra sao, biết đâu cũng có những lúc phải đói lòng và cần có những bàn tay san sẻ”.

Cũng suy nghĩ giống bà Mai, bác sĩ đa khoa Nguyễn Thị Thụ (76 tuổi, ngụ Q.6) đã gần 10 năm nay dành trọn các buổi sáng trong tuần để khám và trò chuyện với bệnh nhân ở phòng khám miễn phí tại 132 Cách Mạng Tháng Tám. “Lứa tuổi dễ mắc các bệnh về xương khớp và bệnh mãn tính đến đây đều lớn tuổi. Ngoài việc khám và điều trị thì họ cần nhất sự chia sẻ của những người có chuyên môn để được điều trị đúng hướng và tinh thần thoải mái” - bà Thụ nói.

Các con đều đã trưởng thành, nhiều năm nay bà coi việc được chăm sóc miễn phí những bệnh nhân ở đây là niềm vui của mình. “Con cháu đều đã trưởng thành, tôi đến đây để được giúp đỡ nhiều người khác và thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa. Chỉ mong những tấm lòng đã được nhận chia sẻ cũng sẽ mở rộng tấm lòng mình cho những người khác, nhân rộng ra, như vậy xã hội sẽ có thêm nhiều điều tốt đẹp”.

AdTHehZ9.jpgPhóng to
Những tình nguyện viên chuẩn bị cho bữa cơm chiều miễn phí tại 220 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Mang niềm vui đi xa

Không chỉ gói gọn trong TP, rất nhiều tấm lòng người Sài Gòn còn rộng mở ra với những con người, vùng đất khác. Các giáo sư, tiến sĩ, y bác sĩ, dược sĩ về hưu, có kinh nghiệm và uy tín trong nghề tự nguyện xin gia nhập đoàn thầy thuốc tình nguyện thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM với hơn 300 thành viên ở độ tuổi trung bình 60 chỉ với mong muốn đem lại niềm vui cho bệnh nhân nghèo khắp nơi. Từ TP.HCM, đoàn thầy thuốc ngược xuôi lặn lội đến những vùng xa xôi nhất, khó khăn nhất của vùng Tây Nam bộ, Nam Trung bộ... để khám bệnh, phát thuốc, mổ mắt miễn phí và tặng quà cho người dân nghèo.

Mỗi tháng đoàn tổ chức 3-4 chuyến đi. Mỗi chuyến đi ngoài việc khám chữa bệnh, đoàn còn chuẩn bị sẵn những phần quà bao gồm gạo và một số thực phẩm khác để tặng cho người tới khám. Trưởng đoàn, cũng là người lớn tuổi nhất là bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Bình (82 tuổi, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115). Căn cứ vào đặc điểm của từng chuyến đi, bác sĩ Bình thông báo tới các thành viên để đăng ký và điều động thêm những người có chuyên môn phù hợp. Trung bình cứ 40-50 y bác sĩ sẽ tổ chức thăm khám được 300-600 lượt người.

Những chuyến đi thường xuất phát từ Sài Gòn vào lúc 5g. Trước đó các thành viên đã phải thức dậy từ 2g, chuẩn bị thuốc men, quà tặng. Nhiều người tuổi cao, sức khỏe đã giảm sút nhưng vẫn tích cực tham gia với đoàn. “Có những lần chúng tôi đến, người dân từ trong các rừng cây, rạch nước chống xuồng ra khám bệnh. Có người cả đời chưa từng một lần gặp bác sĩ, chưa từng biết cách uống một viên thuốc, bị bệnh thì tự chữa bằng lá cây rừng... Nhiều người nói chúng tôi đi làm phước cho người nghèo nhưng không phải. Càng đi tôi càng thấy chính những người dân ấy đã giúp chúng tôi có thêm động lực, thêm sức mạnh, thấy cuộc sống vẫn còn nhiều ý nghĩa vì vẫn có người cần tới mình. Chừng nào chân còn đi được, còn minh mẫn thì tôi vẫn ráng đi... Cuộc sống chỉ hạnh phúc khi biết nhân rộng tình thương và biết mở lòng với mọi người” - bác sĩ Bình nói.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 7: Ân tình với người nghèo Kỳ 6: Đến lớp không chỉ để học... Kỳ 5: Khi bác sĩ như người thân Kỳ 4: Sẻ chia... chỗ ở Kỳ 3: Cuốc xe... tình người Kỳ 2: Những bữa cơm nghĩa tình Kỳ 1: Qua sông coi Mèo đi hia

HOÀNG ĐIỆP - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên