22/12/2020 11:43 GMT+7

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Kỳ 4: Phải di dân trước vùng biển không còn an toàn

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Từ khi có đê ven biển Tây, nhiều người dựa vào đó mà kiếm kế sinh sống. Hàng ngàn dân bám vào đê mà sống lại trở thành nỗi lo lớn khi thiên nhiên ngày càng nhiều bất trắc. Biển Tây không còn bồi đắp nữa mà quay ngược lại tàn phá đất liền.

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Kỳ 4: Phải di dân trước vùng biển không còn an toàn - Ảnh 1.

Sóng biển ngày càng hung tợn, uy hiếp công trình bảo vệ đê biển Tây - Ảnh: THANH MINH

Đến chu kỳ biển lở thay vì bồi như trước đây, thì việc quan trọng đầu tiên là phải dời dân đến nơi an toàn. Sóng gió đại dương vô cùng mạnh mẽ, khắc nghiệt, những công trình tạm bợ khó có thể đảm bảo an toàn cho dân.

Cố tiến sĩ hải dương học TRƯƠNG ĐÌNH HIỂN

Biển tàn phá bờ bãi, con đê

"Hỏi tui nhiêu tuổi hả? Để coi. Nhiêu quên rồi ta?...". Phải nhờ vợ mang giấy CMND ra, ông Nguyễn Văn Thình (51 tuổi) mới nhớ mình bao nhiêu tuổi. Ông giải thích rằng cuộc sống của ông hằng ngày chỉ biết có biển, dải rừng và bờ đê. Ít khi làm việc với chính quyền, không cầm tới giấy tờ, nên riết rồi ông... quên tuổi chính mình.

Bên con kênh dọc theo bờ đê biển Tây, chạy qua huyện rừng U Minh (Cà Mau), ông Thình tranh thủ nuốt vội chén cơm. Một ngày hài lòng nhất của ông là sau khi "bàn giao" mớ cá tôm vừa kiếm được cho vợ. Sau đó, ông được bà bồi dưỡng cho xị đế và mớ cá rẻ tiền để giải khuây. Vòng mưu sinh cứ vậy lặp đi lặp lại mỗi ngày. Có lẽ mối bận tâm ít ỏi của ông là hôm nào biển yên để giong xuồng ra xa thả câu, giăng lưới...

Ông Thình kể 21 năm trước, cuộc sống thắt ngặt quá, ông lội bộ xuống vùng Khánh Tiến, U Minh này để tìm cái ăn. Ông cứ đi men theo con đê "trung ương". Mỏi chân thì ghé nhà ven đê xin nước uống, xin việc làm. Mà dân tình gì lạ, đến đâu thì ông cũng gặp người sẵn lòng cho ăn uống, rồi chạy đi tìm việc cho. Họ đối đãi với những người tứ cố vô thân như anh em ruột thịt. "Thấy cuộc sống ở đây dễ sống quá, tui đưa vợ con xuống đây, kiếm cây cất chòi ở phía ngoài đê để hằng ngày vào rừng, ra biển kiếm cua, kiếm cá. Vợ chồng tui ngày ra biển đặt lưới. Biển động thì vào rừng bắt cua, ba khía, ốc len...".

Bình yên chẳng đặng quá 20 năm. Đúng ngày 3-8 năm trước, một cơn cuồng phong cuốn theo cơn sóng khỏi đầu người ập vào bờ. Nhớ lại vụ đó, bà Huỳnh Thị Liềm (83 tuổi, mẹ ông Thình) nói bà đang ngồi trong nhà thì "tự nhiên" bị sóng cuốn... "thảy" xuống sông. Thời khắc sinh tử đó, việc duy nhất ông Thình nhớ tới là nhảy theo vớt mẹ già lên triền đê.

Gia đình ông Thình chẳng ai bị sao cả. Nhưng khi đợt sóng rút đi thì nó "nhân tiện" mang theo cả căn nhà và toàn bộ tài sản vốn chẳng có gì đắt tiền của gia đình ông ra biển.

Mất nhà, gia đình ông dọn lên che tấm bạt bên bờ đê. Không đất đai, không còn nhà cửa, nhưng ông vẫn không bỏ đi vì "ở đây dễ sống". Hôm gặp tôi, ông khoe vừa dành dụm mua được 45 cây cừ tràm, đã lột vỏ sẵn chờ nhà nước cấp cho cái nền tái định cư là ông có nhà cửa tươm tất.

"Tôi 55 tuổi, bám đê đã 30 năm nay. Lần đầu tôi thấy sóng úp khỏi mặt đê. May lúc đó đàn ông, trai tráng ở nhà. Nếu không là chết nhiều lắm. Sau đó lính biên phòng tới giúp người dân ổn định lại cuộc sống..." - ông Nguyễn Văn Phương, nhà ở mép đê biển Tây thuộc xã Khánh Tiến, nói rằng nếu không có con đê thì chắc "đại hồng thủy" còn vào sâu hơn, mạnh hơn. Lúc đó thì thiệt hại khó mà tính được.

Cái mà ông Phương gọi là "đại hồng thủy" ấy nó kéo dài suốt một đoạn dài ven đê biển Tây, từ Hương Mai đến Đá Bạc, Cà Mau. "Hiện tượng này giờ không hiếm nữa. Trước đó ở Sào Lưới, huyện Phú Tân, Cà Mau sóng to cũng cuốn chìm cả một xóm đảo" - ông Lê Chí Thuận, một ngư dân ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, nói người dân sống ven đê cũng chuẩn bị tinh thần cho những con sóng lớn "viếng thăm" bất cứ lúc nào. Biển cả đem lại nguồn sống nhưng cũng đầy bất trắc.

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Kỳ 4: Phải di dân trước vùng biển không còn an toàn - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Phương chỉ tay về dấu tích ngày xưa là nhà của ông vừa bị sóng cuốn trôi - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Dời dân khỏi vùng nguy hiểm

Dọc theo suốt chiều dài trên 300km của đê phòng hộ biển Tây, có hàng ngàn gia đình sống ven những bờ bãi ngoài chân đê. Chính quyền địa phương nói sống như vậy là rất nguy hiểm. Vì nếu có sóng gió, những người ở ngoài đê không có gì che chở. Và hậu quả thì chẳng ai gánh thay cho họ. Nhưng một lý do chung cho những người bám vào đê mà sống là sinh kế. "Tui có thể đi nơi khác. Nhưng sống thế nào đây" - ông Đoàn Văn Nhớ (51 tuổi, xã Khánh Tiến, U Minh) chùng giọng lo âu.

Ven đê biển Tây, ở những nơi còn vành đai rừng, thỉnh thoảng lại thấy những căn nhà thưa thớt mọc lên phía biển. Bà Nguyễn Thị Hương (55 tuổi, ấp 11, xã Khánh Tiến) nói lúc trước rừng phía sau nhà còn rộng. Vợ chồng bà dẫn ba con trai Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng ra nhận giữ rừng. Đến nay thì ba người con của bà đã có vợ con, sinh sôi thêm những căn nhà ven bờ rừng. Cuộc sống giản đơn qua ngày, tay làm hàm nhai bên những ngôi nhà ven biển. Nhưng, theo quy định thì những gia đình này phải di dời vào phía trong đê để đảm bảo an toàn.

"Hôm qua, vòi rồng mọc ngoài biển làm tụi tui chạy trối chết" - ông Lê Văn Danh (nhà ở ấp 9, xã Khánh Tiến) nói đi biển bây giờ bất trắc quá. Ông và hàng chục hộ dân trong kinh Bìm Bịp chọn một dải đất gần đầu kinh làm nơi neo đậu xuồng ghe. Hôm chúng tôi đến, hàng chục chiếc vỏ lãi từ biển vào mà người dân thì chẳng mấy vui. Tin tức về thời tiết xấu cứ dồn dập diễn ra. Mà những hộ dân nghèo dựa lưng vào đê mà sống thì đâu thể có điều kiện đi đâu khác xa đê, xa biển.

Gần đó, ông Lý Văn Huynh, người nhận ướp và thờ hai xác cá ông (cá voi) do ngư dân đi biển mang về, kể ngày trước người dân sống trong những xóm làng, kinh rạch đổ ra biển. Còn nay thì họ làm gì cũng "dính" tới con đê. Nếu đê bình yên thì phận người cũng được yên bình và ngược lại.

Sau đợt sóng to gió lớn mà nhiều người dân địa phương gọi là "đại hồng thủy" vừa rồi, tỉnh Cà Mau thống kê đã làm hư hại gần 3.000 căn nhà dân ven biển Tây. Mặc dù người dân tại chỗ chẳng ai muốn rời nơi chốn thân quen bao năm, nhưng họ cũng tự hiểu khi biển quay đầu tàn phá bờ bãi đất liền, rừng phòng hộ tan hoang, thì sóng gió càng dữ dội hơn, hiểm nguy hơn. Tốt nhất, những người sống bám vào đê cũng nên chọn cách khác cho mình. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều người không có điều kiện để tự đổi thay nơi chốn dung thân, kiếm sống an toàn.

Một con số thống kê sơ bộ, để khắc phục hậu quả và di dời hàng ngàn hộ dân sống ven biển Tây, tỉnh Cà Mau cần xây dựng 30 khu tái định cư để đưa các hộ này ra khỏi vùng bờ bãi nguy hiểm. Mà để làm được chuyện đó thì ngân sách phải bỏ ra số tiền lớn không dưới 1.400 tỉ đồng. "Trước mắt, địa phương kiến nghị trung ương hỗ trợ 140 tỉ để di dời khẩn cấp hơn 800 hộ dân sống trong rừng phòng hộ ngoài biển" - ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, chia sẻ.

_____________________________________________

Nhiều cung đê biển Tây đang được kiên cố hóa, nhưng "cuộc chiến" của con người trước biển vẫn còn rất nhiều khó khăn...

Kỳ tới: "Cuộc chiến" một mất một còn trước biển

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Kỳ 3: Khi biển Tây cuồng nộ Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Kỳ 3: Khi biển Tây cuồng nộ

TTO - Từ chỗ là vùng đất bồi, "mấy trăm đời lấn luôn ra biển" (Mũi Cà Mau - thơ Xuân Diệu), những năm gần đây biển "quay đầu" tấn công đất liền. Mất rừng, mất đất, nơi nào có đê thì nơi đó dân còn yên ổn, ngược lại thì nhiều xóm làng đã tan tác...


TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên