19/12/2020 14:30 GMT+7

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Kỳ 1: Phận người nơi đầu sóng

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Đào đắp, sạt lở, khắc phục, lại sạt lở... Đó là dòng thời sự nóng về vành đai nhân tạo bảo vệ đất và người ven biển các tỉnh cuối đất phương Nam.

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Kỳ 1: Phận người nơi đầu sóng - Ảnh 1.

Ông Út Sanh kể xóm làng mình ở Rạch Chèo từng bị tan nát sau bão Linda năm 1997 - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Khởi lập từ con đê đất đào đắp bằng sức người, hiện nó đang được bêtông hóa, nhưng cuộc chiến khốc liệt giữa người và sóng biển vẫn chưa đến hồi kết...

"Hồi đó, dân ở đây thắc mắc không hiểu mấy ông nhà nước cho đắp con đê để làm gì. Đến khi bão dữ về, xóm Rạch Chèo coi như bị xóa sổ, chúng tôi mới bắt đầu men theo con đê làm chuẩn để xây cất lại xóm làng" - cụ Út Sanh ở xã Rạch Chèo (huyện Phú Tân, Cà Mau) nhớ lại những ngày mà dân ở đây hì hục đào đất đắp đê - những cục đất đầu tiên trước khi hình thành con đê hàng trăm cây số kéo dọc dài bờ biển Tây Nam.

"Thủa đào đắp con đê đất Cà Mau những năm 1980, tụi tui còn ăn cơm độn bo bo, khoai mì, nhưng được cái là tôm cá bận đó nhiều lắm, sức khỏe vẫn tốt. Nên ai cũng mần sung, nhiều đêm còn đốt đuốc mần cho xong.

Ông ĐẶNG BẢY (cựu dân xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau)

Một thời khốn khó

Sông Bảy Háp xẻ một vệt dài dọc bán đảo Cà Mau rồi trổ ra biển Tây. Ở vùng đất như còn dấu chân người mở cõi, ven các cửa sông ra biển thường mọc lên những xóm dân. Bởi một điều dễ hiểu, trên rừng, dưới biển là nguồn sinh kế trước mắt của những người mới đến.

Một thời rừng đước mênh mông, dân tứ xứ đến đây cứ nhắm đất mà cắm cột dựng nhà. Xóm dân vàm Bảy Háp trở nên đông đúc, nhưng cũng có nơi vẫn chịu nhiều bất trắc.

Bà Phù Thị Đào (62 tuổi, xã Rạch Chèo) nói ngày trước ông nội bà xuôi theo sông Bảy Háp đến xứ này. Khi ấy, những dải rừng mắm cứ chồm ra phía bãi. Không lâu sau thì xóm làng ven biển bị bỏ lại trong rừng.

Rừng cứ tiến ra biển, bờ thì cứ dài thêm. Mà đất liền "nở" bồi tới đâu thì nhà dân mọc theo tới đó. Ông nội bà, ông Phù Văn Trọng, cắm khu đất gần Kinh Năm để khai phá, đặt tôm. Lúc ấy, nhà ai cắm đất khẩn hoang thì cũng be cho mình một bờ đất để giữ tôm cá trong vuông.

Nhưng những bờ đất mong manh chỉ che chở được vài tháng mùa biển yên. Đến mùa gió Nam thổi vào, triều lên và sóng dữ lại biến những hi vọng của xóm dân thành công dã tràng. Cho đến khi mà người ta chẳng thể nhớ chính xác khi nào và vì sao đất không nở nữa, rừng cũng không chồm ra khơi.

Sóng dữ hơn, triều dâng cao hơn, và bão tố liên miên, sạt lở ngày càng nghiêm trọng...

"Chán quá, nhiều nhà bỏ phế đất đai, sắm ghe đi biển" - bà Đào nói dân ở đây sau coi đi biển là nghề chính. Chứ làm vuông chỉ cần triều cường dâng là vùng đất bị nhấn chìm, khó bề kiếm sống.

"Tôi sanh ra, lớn lên ở đây. Hồi đó cất chòi ở trong rừng. Nhà tôi và nhà Sáu Xù, Ba Phan... có mấy nhà thôi. Tụi tôi phá rừng làm rẫy. Sau lớn lên thì theo kháng chiến. Hòa bình thì lại về làm rẫy. Hồi đó, nước ngọt là chuyện khó nhất. Muốn có nước uống, nấu nướng thì phải lội vô nhờ nhà Chín Khôi mới có nước ngọt. Cuộc sống khá bấp bênh" - ông Nguyễn Văn Sanh, tức Út Sanh, nhẹ giọng kể.

Không riêng gì xóm Rạch Chèo này, mà dọc dài theo bờ biển Tây, từ Sào Lưới, Gò Công, Cái Đôi, Xóm Đảo, lên Xèo Nhàu, Kinh 8, Kinh 9, Xẻo Quao... cư dân sống ven biển đều không yên ổn khi mùa sóng gió ập tới. Không thì thủy triều lên cũng nhấn chìm vuông tôm, rẫy màu, nhà cửa...

Cả dải đất dài ven biển Tây gồm các huyện Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh (Cà Mau), An Minh, An Biên, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang), dân cư ven biển luôn phải sống cảnh chật vật trước thiên nhiên.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (63 tuổi, ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhớ lại năm 1986, dân khắp nơi tìm về đây phát hoang trồng lúa. Mỗi năm chỉ làm được một vụ, thu hoạch được vài bao lúa. Có năm nước dâng cao, đồng đất nhiễm mặn thì coi như thất trắng.

Ông Tuấn nói nhiều người đã không trụ được, bỏ đất đi nơi khác tìm sinh kế. Còn gia đình ông không đi được là vì không có vốn lận lưng. Đành chịu ở lại sống lây lất, tương lai thì mù mịt.

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Kỳ 1: Phận người nơi đầu sóng - Ảnh 3.

Nhiều đoạn đê biển Tây bị sóng đánh sạt lở, buộc tỉnh Cà Mau phải ban bố tình huống khẩn cấp - Ảnh: CHÍ QUỐC

Con đê "dân quân"

Và cũng từ những năm đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước, chính quyền ở các địa phương này đã có chủ trương đắp đê ven biển để giữ nước ngọt cho dân canh tác. Con đê được làm từ sức dân.

Ông Nguyễn Thanh Hùng (70 tuổi, ở ấp Xèo Nhàu, xã Tân Thạnh, An Minh, Kiên Giang) nhớ mình từng hăng hái tham gia đào đê.

"Lúc còn sung sức, tui nhận đào đắp đoạn đê dài 4 tầm (mỗi tầm 3m), cao 3m. Tui đào chỉ ít hôm là hoàn thành" - ông Hùng nói khi có con đê đất, dân ở đây được nhờ. Con đê kẻ dọc phía trong những dải rừng phòng hộ ven biển, che chắn cho nhà cửa, đất đai, huê lợi của dân.

Ở Cà Mau, chỉ một thời gian, con đê đất bắt đầu từ Kinh Năm (Rạch Chèo) chạy ven biển nối Gò Công, Cái Đôi Vàm, Sông Đốc, Khánh Hội, Hương Mai, Tiểu Dừa thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân... dài trên 100km được hình thành. Tất cả đều từ bàn tay của người dân và lực lượng chính quyền địa phương. Nó được gọi là "đê dân quân".

Trở lại cửa sông Bảy Háp, nhiều gia đình có người khỏe mạnh được vận động lao động công ích, đào đất đắp đê.

"Nhiều người không hiểu mấy ông nhà nước vận động đào đê để làm gì mà dữ vậy. Nhưng dân hưởng ứng nhiều lắm. Khi con đê được hình thành, tuyến dân cư ven sông Bảy Háp cũng mọc lên. Dân cố cựu thì đã có đất, cho nên họ nhường đất cho những người đến sau" - ông Đặng Văn Lý (61 tuổi) kể trước đó dân ở không tập trung.

Con đê là công trình đầu tiên không chỉ che chắn, bảo vệ vùng đất, mà còn định hình luôn tuyến dân cư.

Ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nhớ lại đến năm 1982 thì con đê "thủ công" đã được hình thành chủ yếu là cho thủy triều lên không tràn vào nhà cửa, đất đai của dân. Nhưng con đê làm bằng tay mỏng manh không thể thực hiện được sứ mệnh giữ đất, giữ dân như kỳ vọng. Đến năm 1989, con đê được "cơ giới hóa" toàn tuyến, với độ cao 3m.

Đến năm 1991, xóm Rạch Chèo mới hình thành rõ hình hài. Người từ miền ngoài vào theo diện đi "kinh tế mới" cũng được chia đất canh tác. Dân xứ Cà Mau không phân biệt người miền ngoài hay miền trong, mà chỉ cần nghe nói chất giọng không phải giọng địa phương thì họ gọi chung là "người Huế". Vì vậy, xóm kinh tế mới mọc ven đê cũng được gọi là "xóm Huế".

Con đê "dân quân" gồng gánh cho đến cuối năm 1997 thì cơn bão Linda bất ngờ ập vào cuối đất phương Nam, tàn phá nhiều xóm làng ven biển. Khi bão qua, người dân Rạch Chèo trở về xóm cũ thì xóm làng đã tan tát. Làng xóm đông đúc sau một đêm đã không còn một bóng nhà.

"Lúc ấy, chúng tôi chỉ còn biết men theo con đê để định vị nhà ai ở đoạn nào, để chia đất cất nhà trở lại. Nếu không có con đê, sóng đánh vào chắc thiệt hại còn lớn hơn" - ông Tô Quốc Nam nhớ lại.

Ông Tô Quốc Nam nhớ năm 1997, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm người dân ven biển gặp nạn trong cơn bão số 5. Lãnh đạo tỉnh đưa ông đến vùng bị thiệt hại nặng nề ven đê biển, cố thủ tướng lắc đầu: "Cái này làm sao gọi là đê được. Đây chỉ là bờ bao thôi. Vùng ven biển nhất thiết phải giữ rừng bên ngoài và phải có con đê kiên cố để bảo vệ cuộc sống của dân".

*************

"Bão Linda vừa qua, tôi đi canô từ Khánh Hội đến Rạch Chèo, chảy nước mắt vớt tám thi thể đồng bào. Nghĩ hòa bình rồi mà dân mình còn chết khổ như vậy. Mình phải quyết làm cho được con đê để dân yên ổn mưu sinh".

Kỳ tới: Có đê dân mới sống được

Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp tại 5 đoạn sạt lở đê biển Tây Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp tại 5 đoạn sạt lở đê biển Tây

TTO - Ngày 21-10, ông Lê Quân - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - đã ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở 5 đoạn đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên