03/04/2020 18:07 GMT+7

Dạy trực tuyến có nên buộc giảng viên đến trường?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Việc này được mỗi trường áp dụng theo phương pháp khác nhau và có trường bị giảng viên phản ứng.

Dạy trực tuyến có nên buộc giảng viên đến trường? - Ảnh 1.

Ban đầu Trường ĐH Văn Lang cũng yêu cầu giảng viên đến trường để dạy online theo thời khóa biểu, nhưng hiện nay trường đã cho phép giảng viên ở nhà dạy - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Bắt đầu từ đầu tuần tới, nhiều trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM chính thức triển khai dạy trực tuyến với tất cả sinh viên chính quy các khóa.

Đến trường livestream: giảng viên lo mắc COVID-19

Ngay sau khi có chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện cách ly toàn xã hội, ngày 1-4 nhiều giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) phản ứng việc trường yêu cầu họ đến trường thực hiện "bài giảng livestream" theo lịch 1 giờ/tuần.

Một giảng viên khoa quản lý công nghiệp bức xúc nói: "Việc thực hiện bài giảng livestream rất nhiều người phản đối, nhưng ban giám hiệu kiên quyết làm. Trong khi hiện nay các trường đều sử dụng ứng dụng Zoom rất ổn, không hiểu sao trường vẫn bắt chúng tôi đến trường ghi hình bài giảng livestream. Hơn nữa, giảng livestream một chiều không tương tác, không tạo khác biệt gì bài giảng video".

Trong khi nhiều giảng viên khác tỏ ra lo ngại việc phải vào đến trường trong thời điểm này sẽ có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh. "Hiện nay dịch COVID-19 có khả năng lây nhiễm ngoài cộng đồng. Đó là chưa kể tần suất người vô các phòng thu liên tục trong ngày. Đi dạy trong tâm lý hoang mang như vậy là không hiệu quả", một giảng viên lo lắng nói.

ĐH Bách Khoa khẳng định "đảm bảo an toàn cho giảng viên"

PGS.TS Trần Thiên Phúc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cho biết hiện trường đã chuẩn bị 16 phòng studio giảng livestream. Mỗi phòng có diện tích hơn 40m2 nhưng chỉ có 1 giảng viên và 1 kỹ thuật viên làm việc.

Trường yêu cầu giảng viên mang khẩu trang từ nhà đến trường. Khi giảng viên vào trường được đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Giảng viên được phát găng tay, micrô cũng được bọc vải kháng khuẩn và thay đổi liên tục. Cuối ngày, trường còn khử trùng toàn bộ các phòng thu này.

"Thực tế đa số giảng viên làm việc ở nhà rất có trách nhiệm, nhưng cũng có không ít người không chịu làm hoặc điều kiện làm việc ở nhà không tốt, việc giảng livestream ở trường thực hiện trên BkeL, trường có thể dễ dàng kiểm soát được mọi việc.

Tâm lý của phần lớn giảng viên đều muốn ở nhà vì lo bị nhiễm bệnh nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường phải thực hiện đủ các quy trình như vậy", ông Phúc nói.

Sáng 3-4, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho hay hiện nay trường cũng đang thực hiện việc giãn cách xã hội nhưng vẫn cần phải đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên nên trường đã chính thức áp dụng hình thức dạy trực tuyến.

Theo đó, trường chọn phương pháp đào tạo trực tuyến phối hợp với bốn cấu phần:

1. Bài giảng trực tuyến thông qua Cổng thông tin trực tuyến BK-Elearning (BkeL): bài giảng (slide) + video bài giảng + bài kiểm tra trắc nghiệm online (quiz) để sinh viên tự học từ ngày 23-3;

2. Bài giảng livestream để sinh viên theo dõi;

3. Giảng viên tương tác trực tuyến thời gian thực với sinh viên thông qua BKeL: chat, forum, Google Hangout Meet;

4. Giảng dạy truyền thống: khi bắt đầu học tập trung và đối với các phần học cần phòng thí nghiệm/thực hành.

"Ngay từ sau tết, trường đã có sự chuẩn bị rất kỹ, đầu tư, tập huấn giảng viên. Từ tuần sau, giảng viên bắt đầu thực hiện cấu phần 2, sinh viên có thể xem thời khóa biểu cụ thể của mình để tiện theo dõi", ông Thắng cho biết.

Theo TS Đặng Đăng Tùng, trưởng văn phòng đào tạo quốc tế nhà trường, để xây dựng mô hình dạy trực tuyến phối hợp trên nhà trường đã tham vấn nhiều chuyên gia. Các giảng viên giảng dạy tại các phòng học được trang bị hệ thống livestream trên Internet như một studio chuyên nghiệp.

Mỗi nhóm môn học chỉ có một buổi livestream trong khoảng 60 phút/tuần theo thời khóa biểu giảng dạy livestream được phòng đào tạo lập. Thời gian giảng dạy livestream 1 tiết và tương tác với sinh viên trên công cụ BkeL tương đương với một buổi giảng dạy trực tiếp khoảng 3-4 tiết.


Nhiều đại học giảng viên được dạy ở nhà 

Theo ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ ngày 6-4, sinh viên chính quy sẽ bắt đầu học theo hình thức trực tuyến. Nhà trường đã chuẩn bị các công cụ dạy trực tuyến cũng như hệ thống quản lý để giảng dạy trực tuyến. Đồng thời, trường khuyến khích giảng viên dạy tại nhà theo thời khóa biểu chính thức.

"Lịch dạy do giảng viên đăng ký trước, nhà trường dựa vào đó lên thời khóa biểu. Thời khóa biểu đó giống thời khóa biểu thực tế dạy truyền thống, chỉ khác là giảng viên dùng công cụ trực tuyến để chuyển tải. Từ nay đến 15-4, nhà trường hạn chế giảng viên đến trường, nên nếu chưa đủ điều kiện giảng dạy online ở nhà (ồn ào, đường truyền không ổn định…) thì lớp sẽ được dời đến ngày 20-4", ông Quán cho hay.

ThS Văn Chí Nam, phó trưởng khoa công nghệ thông tin nhà trường, cho rằng đối với dạy online về tổng thể nhà trường triển khai, tại điều kiện thuận lợi nhất để giảng viên dạy đảm bảo chất lượng. Giảng viên sử dụng các ứng dụng để dạy online và cung cấp tài liệu cho sinh viên.

"Đối với các lớp thuộc các chương trình đào tạo theo đề án, khoa vẫn hỗ trợ, giảng viên vẫn được dạy tại trường nếu có nhu cầu. Thực tế, điều kiện dạy online ở trường tốt hơn, mỗi phòng một người nên mấy hôm nay vẫn có một số giảng viên đến trường", ông Nam cho biết thêm.

TS Nguyễn Thị Minh Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: "Khi chưa có lệnh cách ly xã hội thì nếu thầy cô cần có thể đến trường để quay hình, sử dụng cơ sở vật chất (phim trường, đường truyền, đội ngũ kỹ thuật phục vụ) để dạy online. Nhưng giờ đã có yêu cầu cách ly toàn xã hội nên giảng viên phải ở nhà. Nếu có nhu cầu đến trường thì phải đăng ký lịch để tránh vượt số lượng".

Trong khi đó, Trường ĐH Y dược TP.HCM hiện cũng đã chuyển sang dạy online với các môn lý thuyết để thực hiện cách ly toàn xã hội. Do vậy, giảng viên không cần đến trường mà có thể ở nhà để lên mạng dạy trực tuyến.

"Nhà trường đã mua bản quyền của Microsoft cho tất cả sinh viên, giảng viên email và xài TEAMS rất thuận lợi, không bị giới hạn thời gian và số lượng sinh viên. Tuần trước còn dạy lớp dưới 20 sinh viên. Nay cách ly toàn xã hội và sinh viên quen rồi nên chuyển cũng nhẹ nhàng", PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo nhà trường - chia sẻ.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên