Trong ngày làm việc cuối cùng của chuyến công tác từ 24 đến 27-6 tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành phần lớn thời gian cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp xúc các doanh nghiệp hàng đầu của nước này.
Hội nghị hợp tác Việt - Trung về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của doanh nghiệp hai nước đã không còn một ghế trống khi có hàng trăm đại biểu là doanh nghiệp hai nước tham dự.
"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"
Ngồi lắng nghe mọi ý kiến và đề xuất của doanh nghiệp nước bạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ông cảm nhận rất rõ các doanh nghiệp đều muốn cụ thể hóa thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước bằng sản phẩm cụ thể, nhất là trong việc triển khai và thực thi các dự án hạ tầng giao thông.
Tuy vậy, ông nhấn mạnh quan điểm cần "làm tốt hơn giai đoạn trước", kêu gọi các doanh nghiệp hai nước liên danh, liên kết, hợp tác công tư (PPP) với tinh thần chân thành, hiệu quả, tin cậy, bỏ qua những vướng mắc trước đây.
Quá trình hợp tác phải lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ, chống tiêu cực, tham nhũng, không để đội vốn, doanh nghiệp sẵn sàng làm, sẵn sàng dấn thân, "biến không thành có, biến không thể thành có thể", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Bày tỏ ấn tượng với câu nói "chỉ bàn làm, không bàn lùi" và việc Thủ tướng trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông trọng điểm, ông Vương Đồng Trụ - chủ tịch HĐQT Công ty hữu hạn Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc, cho biết ông đã tham gia các dự án hạ tầng của Việt Nam.
Tới đây, ông mong muốn tiếp tục đầu tư thúc đẩy hạ tầng tại các dự án như đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng; đường cao tốc Bắc - Nam và các tuyến đường kết nối hành lang. Bên cạnh đó là sự kết nối mềm với những hợp tác phát triển xanh, giao thông xanh, công nghệ xanh và tài chính xanh...
Quan tâm đến cơ chế liên doanh, hợp tác công tư mà Thủ tướng nêu, ông Nghiêm Giới Hòa - người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, chủ tịch Viện nghiên cứu Trang Nghiêm - cho rằng để thực hiện được mô hình hợp tác công tư cần phải có những cơ chế mới, bỏ đi những nguyên tắc cũ không còn phù hợp.
Ông Nghiêm kể lại câu chuyện thực tế xây dựng tuyến đường trước tòa thị chính tại tỉnh Giang Tô khi lãnh đạo tỉnh này chia sẻ không có tiền để làm đường và mời gọi doanh nghiệp tham gia. Dự án sau đó rất thành công và là hình mẫu dự án PPP đầu tiên ở Trung Quốc. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác công tư với Việt Nam để làm hạ tầng" - ông Nghiêm nói.
Thúc đẩy 3 dự án đường sắt
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, nhu cầu vốn cho giao thông của Việt Nam rất lớn và đa dạng trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, điển hình là đường sắt và đường bộ. Đây là thách thức đối với Chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam nhưng là cơ hội của doanh nghiệp hai nước.
"Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với đối tác là doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác đầu tư, xây dựng, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ" - ông Thắng nói.
Để việc thu hút đầu tư đạt hiệu quả hơn so với giai đoạn trước, Thủ tướng khẳng định sẽ cùng nước bạn phối hợp để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao vai trò của Nhà nước và bộ ngành hai nước. Cùng với đó là việc hoàn thiện các quy hoạch, có đề án cụ thể, gắn với giải pháp về tài chính, công nghệ, quản trị.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu ra việc cần làm ngay là sớm bàn thảo với các doanh nghiệp để triển khai ba dự án đường sắt, nhất là dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tiến tới dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM tham gia với hình thức PPP.
Giải pháp thực hiện là bên cạnh việc tiến tới đề xuất có hiệp định liên chính phủ để triển khai sẽ đưa ra cơ chế riêng vay vốn ưu đãi Trung Quốc, chuyển giao công nghệ, kèm theo đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo tính lan tỏa cao cho các dự án.
Trung Quốc viện trợ lập quy hoạch một tuyến đường sắt
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh vào ngày 27-6.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị trước mắt hai bên tập trung hợp tác triển khai ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).
Để thực hiện, ông đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nhân lực. Đồng tình, ông Trương Quốc Thanh nhất trí sớm thúc đẩy ba dự án đường sắt trên và đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để triển khai các dự án theo định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo hai nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, về dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bộ này đã tiếp nhận kết quả lập quy hoạch chi tiết tuyến mà Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện cho Việt Nam thông qua dự án viện trợ không hoàn lại.
Đối với hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã chính thức đề nghị Chính phủ Trung Quốc xem xét cung cấp viện trợ không hoàn lại cho dự án hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch chi tiết tuyến với tổng giá trị viện trợ 11 triệu nhân dân tệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận