27/06/2024 08:23 GMT+7

Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc: Cùng thúc đẩy những cam kết đi vào thực chất

Những cam kết triển khai thực chất, hiệu quả, thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc của các lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục được khẳng định trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc toàn diện trên mọi mặt, hiện thực hóa 287 nhiệm vụ trong quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất - Ảnh: NGỌC AN

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc toàn diện trên mọi mặt, hiện thực hóa 287 nhiệm vụ trong quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất - Ảnh: NGỌC AN

Những quan điểm thúc đẩy, triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo phương hướng "6 hơn" đã được các nhà lãnh đạo nêu ra.

Nông sản trái cây chờ tin vui

Hợp tác "thực chất, hiệu quả" là những từ được các nhà lãnh đạo nhấn mạnh nhiều lần để khẳng định ý nghĩa và sự cần thiết phải hiện thực hóa những cam kết, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Điều này càng thấy rõ hơn với lĩnh vực trái cây, hoa quả vốn là mặt hàng Việt Nam có thế mạnh khi xuất sang Trung Quốc. Đặc biệt khi Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đề nghị Trung Quốc sớm ký nghị định thư, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường đối với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, thủy sản khác...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay sầu riêng đang là mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc có kim ngạch lớn. Vì vậy, nếu Trung Quốc ký nghị định thư mở cửa thêm cho trái sầu riêng đông lạnh, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này sẽ "hoàn hảo hơn".

Hiện mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc chiếm kim ngạch chủ yếu, lên tới hơn 90%, khi kim ngạch trong 6 tháng đầu ước đạt 1,2 - 1,5 tỉ USD.

Theo ông Nguyên, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 6,7 tỉ USD sầu riêng tươi và hơn 1 tỉ USD hàng đông lạnh. Tuy nhiên, hiện Thái Lan đang chiếm chủ yếu thị phần sầu riêng đông lạnh, nên nếu Trung Quốc ký nghị định thư sẽ giúp mở cửa cho sầu riêng Việt Nam thâm nhập thêm thị trường này, bên cạnh các thị trường khác đang xuất khẩu là Mỹ và EU.

"Các doanh nghiệp đã có sự chủ động và mở rộng đầu tư đáp ứng yêu cầu của phía bạn, chỉ đợi khi bạn mở cửa thị trường thì sẽ triển khai ngay. Xuất khẩu dự kiến sẽ đạt thêm khoảng 200 - 300 triệu USD, tăng gấp đôi so với kim ngạch hiện nay" - ông Nguyên nói.

Cùng với trái sầu riêng, các sản phẩm trái cây khác cũng kỳ vọng sẽ sớm được mở cửa để tăng thêm kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc. Ông Nguyên dẫn chứng nếu năm 2022 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,6 tỉ USD thì năm 2023 tăng lên 3,6 tỉ USD, và 6 tháng đầu năm ước tính đạt gần 3,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là sản phẩm trái cây của Việt Nam phải đạt được tiêu chuẩn cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng mà nước này đặt ra. Đơn cử như trái cây phải đạt tiêu chuẩn Global Gap, VietGap, cơ sở đóng gói, đáp ứng yêu cầu về mã số vùng trồng.

Lan tỏa các dự án đầu tư hiệu quả

Ở góc độ đầu tư, ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài - bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc Thủ tướng đã trực tiếp làm việc, mời gọi đầu tư với nhiều doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt.

Đặc biệt khi hai nước đang nỗ lực đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là nghiên cứu thúc đẩy xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Theo ông Toàn, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam vẫn chưa xứng tiềm năng khi trước đây hoạt động đầu tư chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.

Tuy nhiên, gần đây trong rất nhiều đoàn doanh nghiệp Trung Quốc sang khảo sát đầu tư tại Việt Nam đã có sự hiện diện của nhiều tập đoàn quy mô lớn với công nghệ hiện đại. Vì vậy, đây là dịp để Việt Nam tận dụng những lợi thế, cơ hội từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc, trước hết là khuyến khích đầu tư lĩnh vực hạ tầng, đường sắt và đường bộ kết nối hai nước.

Mặc dù còn những băn khoăn khi có các dự án của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, song ông Toàn cho rằng Trung Quốc đang nổi lên là nước có hệ thống hạ tầng đồng bộ, bài bản, được đầu tư hiệu quả và chất lượng, chi phí giá thành phù hợp.

Vì vậy, việc kêu gọi các nhà đầu tư nước này rót vốn, tham gia vào các dự án hạ tầng, ưu tiên trước hết là dự án kết nối đường sắt, đường bộ của hai nước, gắn với chất lượng và hiệu quả, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên.

Theo ông Phạm Sao Mai, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, chưa bao giờ hai nước có các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp bộ ngành, địa phương diễn ra sôi động như năm qua. Các hoạt động này nhằm thúc đẩy giao lưu, đưa các dự án, chương trình hợp tác đi vào cụ thể nhằm tăng cường tin cậy giữa hai bên trong những lĩnh vực chưa thực sự thuận lợi.

Trong buổi chia sẻ với cán bộ và nhân viên đại sứ quán vào chiều 26-6, Thủ tướng khẳng định chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam cùng các đoàn đại biểu cấp cao đã tạo nên "không khí hoàn toàn khác" với sự tin cậy, chân thành và tình cảm nhiều hơn.

Do đó, Thủ tướng cho rằng kế hoạch sắp tới sẽ là cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao với 287 nhiệm vụ với tinh thần đã nói là làm, làm là phải hiệu quả, cân đong đo đếm và lượng hóa được công việc.

"Việc này cần phải rà soát liên tục, hàng tháng để trong những cuộc gặp lần sau phải có kết quả để trao đổi", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Thủ tướng hội kiến với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Thủ tướng hội kiến với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Ngày 26-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Bắc Kinh và có buổi hội kiến với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Tại buổi hội kiến với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao và hiệu quả thực chất, bền vững.

Đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là hợp tác kết nối đường sắt, đường bộ, cửa khẩu trong khuôn khổ kết nối "Hai hành lang, một vành đai" với "Vành đai và con đường"; nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại nông sản giữa hai nước.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác địa phương trở thành động lực tăng trưởng mới, nghiên cứu xây dựng thí điểm các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng hợp tác kinh tế cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh; các địa phương khác chủ động tăng cường hợp tác, kết nối các chiến lược phát triển vùng miền; mở rộng hợp tác tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế...

Ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, phát huy tính bổ trợ và ưu thế địa lý gần gũi giữa hai nước; xem xét lựa chọn triển khai thí điểm khu kinh tế qua biên giới; Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới nổi.

Tại buổi hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, "núi liền núi, sông liền sông", có nhiều điểm tương đồng về chế độ chính trị, con đường phát triển, đặc điểm văn hóa - xã hội.

Vì vậy thời gian tới các cấp, các ngành hai bên cần tích cực đổi mới tư duy, sáng tạo biện pháp, không ngừng đi sâu quán triệt, đẩy mạnh triển khai thực chất các thỏa thuận và nhận thức chung.

Ông Vương Hộ Ninh khẳng định sẵn sàng thúc đẩy cơ quan Chính hiệp các cấp Trung Quốc tăng cường giao lưu trao đổi, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cùng nhau quán triệt và triển khai tốt nhận thức chung cấp cao.

Việt Nam - Trung Quốc nghiên cứu thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giớiViệt Nam - Trung Quốc nghiên cứu thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng Trung Quốc và các nước xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định, bền vững.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên