26/06/2024 11:35 GMT+7

Gặp Thủ tướng tại WEF, giám đốc điều hành Foxconn tiết lộ về nhà máy vừa đầu tư tại Việt Nam

Việt Nam sẽ ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, nhất là phục vụ các động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận với chủ tịch WEF và 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận với chủ tịch WEF và 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì phiên thảo luận theo hình thức ăn sáng làm việc với giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF, diễn ra sáng 26-6, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc.

Chủ tịch WEF: Việt Nam là ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của thế giới

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đánh giá cao tốc độ tăng trưởng, phát triển, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện của Việt Nam, đặc biệt là kinh tế số năm 2023 đã chiếm khoảng 16% GDP.

Giáo sư Klaus Schwab cho biết WEF rất vui mừng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam - ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới.

Ông Brand Cheng, chủ tịch, giám đốc điều hành Foxconn, nhắc lại tại cuộc gặp vào tháng 1-2023, ông đã báo cáo Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam. Nhà máy này bắt đầu sản xuất vào tháng 4 vừa qua. Đây là ví dụ cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế.

Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã hiện diện tại 5 tỉnh, với 80.000 nhân viên và tổng đầu tư khoảng 4 tỉ USD. “Việt Nam đang phát triển nhanh, và chúng tôi phát triển cùng Việt Nam”, ông nói.

Nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn bày tỏ quan tâm tới việc hoàn thiện các quy định, chính sách liên quan kinh tế số, chuyển đổi xanh như chữ ký điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; các chứng chỉ xanh; bảo đảm cung ứng điện, chuyển đổi năng lượng; tài chính cho răng lượng tái tạo; chính sách ưu đãi với các lĩnh vực công nghệ cao…

Việt Nam có nhiều chính sách ưu tiên tăng trưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thách thức, Việt Nam lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng, có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Thủ tướng khẳng định sẽ phát triển đồng bộ thể chế, hạ tầng, nhân lực và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Thủ tướng khẳng định sẽ phát triển đồng bộ thể chế, hạ tầng, nhân lực và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Trong đó, xác định thể chế cũng là nguồn lực, động lực cho sự phát triển nên Chính phủ sẽ lập Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách do chính Thủ tướng đứng đầu.

Về hạ tầng, Việt Nam phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng (giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, trong đó có các trung tâm, cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng phát triển xanh, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu) và hạ tầng mềm.

Về nhân lực, với quan điểm coi con người là trung tâm sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư.

Đối với các vấn đề cụ thể mà nhà đầu tư quan tâm, như với việc cung ứng điện, Thủ tướng cho hay dù năm 2023 Việt Nam có thiếu hụt điện cục bộ tại một số thời điểm, nhưng sang năm 2024, dù sản lượng điện tiêu thụ tăng tới 15%, có những ngày vượt 1 tỉ kWh/ngày, cao nhất trong lịch sử, cung ứng điện vẫn được bảo đảm.

Khẳng định Việt Nam sẽ không thiếu điện, Thủ tướng cho biết đã có các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện. Đơn cử như tải điện, các đường dây 500kV trước đây phải làm trong 2 năm, thậm chí 4 năm, nhưng hiện nay chỉ mất khoảng 6 tháng.

Cùng với đó, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung chính sách với việc chuẩn bị ban hành các nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.

Với nhà đầu tư, người đứng đầu Chính phủ cho hay Chính phủ sắp ban hành nghị định liên quan thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế sang ưu đãi tài chính, chi phí, đất đai… đối với dự án ưu tiên.

Với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, Việt Nam sẽ ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, nhất là phục vụ các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Đề nghị cơ chế phối hợp chặt chẽ

Nhấn mạnh Việt Nam rất quan tâm đến các kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, khuyến nghị chính sách, nhu cầu thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WEF và các đối tác tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trong việc tham vấn, góp ý xây dựng, hoạch định các chính sách phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào các sáng kiến, hệ sinh thái của WEF; WEF và các đối tác tiếp tục phát huy vai trò quan trọng là cầu nối đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và hợp tác, đầu tư, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng, dừa tươi, bơ, na...Thủ tướng đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng, dừa tươi, bơ, na...

Đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là nghiên cứu thúc đẩy xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, sớm mở cửa cho các sản phẩm trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên