25/06/2024 15:08 GMT+7

Tại WEF, Thủ tướng nêu 3 yếu tố mở ra chân trời tăng trưởng mới

Ba lĩnh vực được định hình, dẫn dắt trong nền kinh tế toàn cầu là phát triển kinh tế số; kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra ba lĩnh vực định hình, dẫn dắt và tiên phong trong nền kinh tế mới - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra ba lĩnh vực định hình, dẫn dắt và tiên phong trong nền kinh tế mới - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Đại Liên) với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới" diễn ra sáng 25-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chủ đề hội nghị năm nay với 6 trọng tâm cho thấy tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm của WEF và vai trò quan trọng của Trung Quốc về tương lai phát triển của thế giới.

Ba yếu tố tác động đến trật tự kinh tế thế giới

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, thế giới đang bị tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ba yếu tố. Bao gồm sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa và AI; tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; cũng như sự phân tách, phân cực ngày càng rõ nét. 

Cùng đó, ba lĩnh vực được định hình, dẫn dắt, tiên phong là phát triển kinh tế số; kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo... Theo ông, đây là những yếu tố quan trọng để mở ra "chân trời tăng trưởng mới", đòi hỏi cần có cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cùng thắng. 

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển ngày càng được coi trọng hơn. Châu Á, Trung Quốc và ASEAN ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng, là trung tâm phát triển năng động và là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới. 

Trong đó, Việt Nam tin tưởng Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Một nền kinh tế Trung Quốc tự cường, mạnh mẽ, cạnh tranh bình đẳng, hội nhập sâu rộng sẽ mang lại những tác động tích cực cho thế giới.

Thủ tướng Lý Cường nhận định về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng, mở ra những không gian phát triển mới. Vì vậy ông đề xuất tăng cường hợp tác công nghệ, phát triển bền vững cùng thiên nhiên, thúc đẩy mở cửa và phát triển bao trùm.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục ưu tiên phát triển công nghệ cao để tạo động lực mới cho tăng trưởng, kêu gọi thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, liên kết các nghiên cứu và tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ. 

Tổng thống Ba Lan chia sẻ công thức thành công là nhờ vào các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tận dụng vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm của châu Âu để kết nối với châu Á, thúc đẩy quá trình kết nối kinh tế giữa EU và châu Á, trong đó có Trung Quốc. 

Thủ tướng nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác trong tái cấu trúc kinh tế thế giới - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Thủ tướng nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác trong tái cấu trúc kinh tế thế giới - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Thúc đẩy hợp tác phát huy vai trò những nhà tiên phong dẫn dắt

Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện thành công của Việt Nam trong 40 năm qua gắn với đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Việt Nam từ nước bị tàn phá sau chiến tranh đã vươn lên là nước có thu nhập trung bình, trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Những kết quả có được là nhờ định hướng chiến lược và quan điểm mang tính nguyên tắc, đó là giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Để hướng tới những chân trời mới, Thủ tướng đề nghị WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế của các quốc gia, khu vực, toàn cầu. 

Bao gồm việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trong đó, với Việt Nam là việc tăng cường hợp tác quốc tế, ưu tiên cho tăng trưởng, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỉ giá; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, kích thích tổng cầu...

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng đề nghị thực hiện "3 cùng": cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì một thế giới tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, phát triển hài hòa, bền vững, cùng nhau hướng đến "Những chân trời tăng trưởng mới". 

Châu Á và Việt Nam mang gì đến WEF Đại Liên?Châu Á và Việt Nam mang gì đến WEF Đại Liên?

Thành phố cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đã sẵn sàng cho Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), một trong những sự kiện quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên