24/06/2024 07:51 GMT+7

Châu Á và Việt Nam mang gì đến WEF Đại Liên?

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Thành phố cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đã sẵn sàng cho Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), một trong những sự kiện quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024.

Mô hình địa cầu với thông điệp chào mừng đến WEF Đại Liên 2024 tại địa điểm chính của hội nghị - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Mô hình địa cầu với thông điệp chào mừng đến WEF Đại Liên 2024 tại địa điểm chính của hội nghị - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Kể từ năm 2007, khi WEF tổ chức hội nghị đầu tiên ở Trung Quốc, Thiên Tân và Đại Liên là hai thành phố luân phiên diễn ra sự kiện được biết đến với tên gọi "Davos mùa hè". Đây cũng là hội nghị quan trọng thứ hai trong một năm của WEF, sau WEF Davos vào tháng 1-2024.

Châu Á lãnh vai trò đầu tàu

Trong báo cáo của các nhà kinh tế trưởng được WEF công bố vào tháng 5 vừa qua về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, bầu không khí chung cho năm 2024 là "sự lạc quan thận trọng" đối với nền kinh tế toàn cầu. 17% các nhà kinh tế trưởng được WEF khảo sát dự đoán các điều kiện kinh tế sẽ xấu đi trong năm nay, một sự cải thiện đáng kể so với 56% được ghi nhận vào tháng 1.

Trong bối cảnh đó, thế giới chứng kiến những điểm sáng đang nổi lên bao gồm "hoạt động liên tục sôi động của các nền kinh tế châu Á". Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam) nhận được 100% tán thành từ các nhà kinh tế trưởng rằng sẽ có sự tăng trưởng "vừa phải hoặc mạnh mẽ hơn".

Trước đó, tại hội nghị với Ngân hàng Thế giới vào tháng 4 năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức hơn 3% trong năm 2024 và 2025. Cũng theo IMF, châu Á một lần nữa sẽ lãnh vai trò đầu tàu, thúc đẩy 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Người đứng đầu IMF, bà Kristalina Georgieva, tin rằng chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Nói như ông Sheikh Tanjeb Islam, người đứng đầu nhóm biên tập tin tức về các hội nghị của WEF, châu Á sẽ đóng vai trò là người đi đầu trong việc mở ra những biên giới mới cho sự tăng trưởng, thịnh vượng và hòa nhập cho mọi người. "Đó là lý do tại sao chủ đề trọng tâm của WEF Đại Liên năm nay là Những chân trời tăng trưởng mới", ông Sheikh Tanjeb Islam viết.

Với nước chủ nhà Trung Quốc, đây không chỉ là dịp thể hiện hình ảnh, uy tín quốc gia mà còn lan tỏa thông điệp xanh và bền vững. Theo chính quyền Đại Liên, địa điểm tổ chức chính sự kiện sẽ sử dụng 100% điện đến từ các nguồn "xanh", hệ thống điều hòa không khí sử dụng nước biển làm mát để tiết kiệm điện hiệu quả, đồng thời 80% số phương tiện phục vụ sự kiện sẽ sử dụng năng lượng mới.

Thông điệp của Việt Nam

Từ 24 đến 27-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự WEF Đại Liên và có các cuộc hội kiến song phương với các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.

Dự kiến trong ngày đầu tiên (24-6), Thủ tướng sẽ có buổi tiếp các tập đoàn hàng đầu tại tỉnh Liêu Ninh và hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường. Sau đó, Thủ tướng sẽ tham gia WEF Đại Liên.

Theo Bộ Ngoại giao, một trong những điểm nhấn tại hội nghị WEF Đại Liên đó là việc Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có một bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc toàn thể cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và các nhà lãnh đạo các nước.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng sẽ phát biểu tại các phiên thảo luận, chủ trì các cuộc đối thoại và tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp dành riêng cho Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí trước thềm hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho hay Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự hội nghị trong hai năm liên tiếp.

Theo Thứ trưởng Phạm Thanh Bình, việc Thủ tướng tham dự hội nghị lần này là cơ hội để Việt Nam quảng bá thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động và đổi mới, là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu. Thứ trưởng Bình cho biết thêm trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định và quan điểm của Việt Nam về kinh tế thế giới; những triển vọng, thời cơ, thách thức, những "bước chuyển mình lớn". Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có vai trò của các nền kinh tế lớn của khu vực như Trung Quốc.

Cùng với việc thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam, Thủ tướng sẽ nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công - tư trong thúc đẩy tăng trưởng. Từ đó kêu gọi sự hợp tác, hợp lực của WEF và các đối tác, nhất là trong các ngành nghề ưu tiên cao, mới nổi, các ngành công nghiệp của tương lai, có tác động lan tỏa...

Thảo luận 6 chủ đề

Dự kiến 6 chủ đề sẽ được thảo luận tại WEF Đại Liên 2024 bao gồm: xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới; tinh thần kinh doanh trong thời đại AI; kết nối giữa khí hậu, thiên nhiên và năng lượng; các lĩnh vực tiên phong cho các ngành công nghiệp; Trung Quốc và thế giới; đầu tư vào con người.

Hơn 1.500 nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cũng như học giả sẽ tề tựu tại Đại Liên để thảo luận về những cách thức mới nhằm đạt được tăng trưởng toàn diện, bền vững trong bối cảnh hiện tại. Công nghệ và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch là một phần cốt lõi của điều đó.

"3/4 các nhà kinh tế trưởng mà chúng tôi khảo sát cho biết chuyển đổi công nghệ sẽ là động lực tăng trưởng tích cực trong 5 năm tới, với 2/3 dành cho AI và hơn một nửa cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và sạch", ông Sheikh Tanjeb Islam cho biết.

Việt Nam năng động, đổi mới và hấp dẫn ở WEF Đại LiênViệt Nam năng động, đổi mới và hấp dẫn ở WEF Đại Liên

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 sẽ là cơ hội để Việt Nam truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới và là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên