28/05/2023 09:40 GMT+7

Đầu tư tốt, thể thao TP.HCM sẽ tăng tốc

Thể thao TP.HCM đã giành 31 HCV, vượt xa chỉ tiêu giành 20 HCV tại SEA Games 32. Là một trong hai địa phương đi đầu cả nước về phát triển thể thao bên cạnh Hà Nội, thể thao TP.HCM có thể bứt phá hơn nữa nếu được đầu tư tổng lực.

Nguyễn Văn Khánh Phong - niềm tự hào của thể thao TP.HCM tại SEA Games 32 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nguyễn Văn Khánh Phong - niềm tự hào của thể thao TP.HCM tại SEA Games 32 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Ngày 30-5, UBND TP.HCM sẽ làm lễ vinh danh thể thao TP.HCM giành thành tích xuất sắc tại SEA Games 32.

Vượt chỉ tiêu tại SEA Games 32

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 với 1.003 thành viên. Kết thúc đại hội, đoàn giành 136 HCV và đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội. Đây cũng là lần đầu tiên thể thao Việt Nam vươn lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng trong kỳ đại hội tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Để có được thành tích này, thể thao Việt Nam có sự góp sức từ lực lượng của rất nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó có hai địa phương mạnh nhất là Hà Nội và TP.HCM. Thể thao TP.HCM đóng góp 179 thành viên cho đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32. Trước khi lên đường, ngành thể thao đăng ký với lãnh đạo TP.HCM phấn đấu giành từ 18 - 20 HCV. Kết thúc đại hội, thể thao TP.HCM đã giành được 31 HCV, 24 HCB, 20 HCĐ, vượt xa chỉ tiêu đề ra.

Để động viên, khích lệ đoàn thể thao TP.HCM tại SEA Games 32, UBND TP và Sở VH-TT sẽ tổ chức lễ mừng công và vinh danh vào chiều 30-5. Theo thông tin của Tuổi Trẻ, có ít nhất 8 tỉ đồng (gồm 4 tỉ đồng tiền mặt, 4 tỉ đồng hiện vật) huy động từ các nhà tài trợ sẽ được UBND TP.HCM trao cho các VĐV, HLV giành thành tích và cả những người chưa có thành tích tại SEA Games 32. 

Ngoài ra, các VĐV, HLV giành huy chương SEA Games 32 còn nhận được tiền thưởng theo nghị quyết 05 của HĐND TP.HCM, và chế độ đãi ngộ cao trong 2 năm tới.

Huỳnh Như dù đã sang Bồ Đào Nha thi đấu nhưng là cầu thủ có xuất thân từ TP.HCM, đóng góp rất lớn vào tấm HCV SEA Games 32 của đội tuyển nữ Việt Nam - ẢNh: NGUYÊN KHÔI

Huỳnh Như dù đã sang Bồ Đào Nha thi đấu nhưng là cầu thủ có xuất thân từ TP.HCM, đóng góp rất lớn vào tấm HCV SEA Games 32 của đội tuyển nữ Việt Nam - ẢNh: NGUYÊN KHÔI

Thể thao TP.HCM đứng ở đâu trên bản đồ Việt Nam?

TP.HCM và Hà Nội là hai mũi nhọn của thể thao Việt Nam suốt mấy thập kỷ qua. Thành tích của thể thao Việt Nam được như hôm nay có sự góp công vô cùng lớn của thể thao Hà Nội và TP.HCM. Năm 2023, ngân sách trung ương chi cho sự nghiệp thể thao thông qua Tổng cục TDTT là hơn 900 tỉ đồng.

Với TP.HCM, năm 2023 thành phố chi 710 tỉ đồng cho sự nghiệp thể thao thông qua Sở VH-TT. Đây là khoản đầu tư rất quan trọng để phát triển thể thao thành phố, góp phần vào sự phát triển của thể thao Việt Nam. Không chỉ góp sức giành thành tích, những năm qua thể thao TP.HCM còn đi đầu cả nước trong việc du nhập và phát triển nhiều môn thể thao giành thành tích rất cao như: bóng đá nữ, aerobic, bóng rổ, taekwondo, thể dục dụng cụ... 

Ông Nguyễn Nam Nhân, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, chia sẻ: "40 năm trước, ý tưởng lập đội bóng đá nữ được nhen nhóm tại thành phố. Đến năm 1990 đội bóng đá nữ Quận 1 được thành lập. SEA Games năm 1997, bóng đá nữ Việt Nam với nòng cốt là các tuyển thủ thành phố đã giành HCĐ đầu tiên trong lịch sử. Trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 32, năm cầu thủ TP.HCM (chưa kể đội trưởng Huỳnh Như hiện đang thi đấu tại Bồ Đào Nha vốn là người của TP.HCM) đều vào sân thi đấu, góp công lớn giành chiếc HCV thứ 8 của bóng đá nữ tại các kỳ SEA Games".

Dù vậy, so với Hà Nội, thể thao TP.HCM vẫn là đơn vị xếp sau bởi nhiều yếu tố. Tại SEA Games 32, Hà Nội giành 40 HCV, còn TP.HCM có 31. Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022, Hà Nội giành 175 HCV đứng đầu bảng tổng sắp, còn TP.HCM đứng thứ hai với 128 HCV. Trong lịch sử, Hà Nội cũng đã năm lần tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc, hai lần tổ chức SEA Games, trong khi đó TP.HCM mới có một lần tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc vào năm 2006.

Golfer Lê Khánh Hưng giành HCV SEA Games 32 đầy bất ngờ. Anh là một trong những VĐV tiêu biểu của thể thao TP.HCM tại đại hội - Ảnh: NAM TRẦN

Golfer Lê Khánh Hưng giành HCV SEA Games 32 đầy bất ngờ. Anh là một trong những VĐV tiêu biểu của thể thao TP.HCM tại đại hội - Ảnh: NAM TRẦN

TP.HCM cần có cơ sở vật chất thể thao xứng tầm

Ông Mai Bá Hùng, nguyên phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết trong khi Hà Nội, một số tỉnh có cơ sở vật chất tốt cho thể thao, đặc biệt là trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT thì TP.HCM cơ sở vật chất lại chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Ở Hà Nội, Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao là nơi gần như toàn bộ các đội tuyển thể thao đều có thể ở, tập luyện, học văn hóa, thậm chí có thể tổ chức giải đấu ngay tại đó. Thế nhưng đến thời điểm này, TP.HCM chưa có tổ hợp đầy đủ cơ sở vật chất để tập hợp các đội tuyển tập luyện, thi đấu, cho các VĐV có chỗ để học văn hóa. Nhiều năm qua, vì cơ sở vật chất không đảm bảo nên TP.HCM phải đưa nhiều đội tuyển về gửi ở các trung tâm thể thao, các quận, huyện để có chỗ tập luyện.

Là thành phố phát triển nhất cả nước với dân số hơn 10 triệu người, nhưng hệ thống cơ sở vật chất của thể thao TP.HCM chưa tương xứng. Cụ thể, TP.HCM không có một SVĐ hiện đại với sức chứa lớn; không có một tổ hợp thi đấu các môn thể thao dưới nước; trường bắn điện tử hiện đại... đủ tiêu chuẩn đăng cai đại hội tầm cỡ như SEA Games. Vì thiếu cơ sở vật chất, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và nhiều liên đoàn quốc gia cũng không thể đưa những giải đấu lớn có đội tuyển Việt Nam tham dự về TP.HCM tổ chức.

Trước đó vào năm 2018, UBND TP.HCM trình Thủ tướng đề án đăng cai SEA Games 31 năm 2021 tại TP.HCM. Thế nhưng vì rất nhiều lý do, đề án này sau đó đã không thể thực hiện và Hà Nội đã lần thứ hai là chủ nhà của SEA Games. Nguyên nhân quan trọng nhất chính là yếu tố cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Nếu SEA Games 31 được tổ chức tại TP.HCM, địa phương này có thể đã xây dựng nhiều công trình xứng tầm như: Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc trên diện tích 180ha với SVĐ trung tâm 50.000 chỗ ngồi; Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM...

Để thể thao TP.HCM phát triển bứt phá và cũng là xung lực cho thể thao khu vực phía Nam, việc đầu tiên là phải đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho thể thao thành phố.

Đặng Ngọc Xuân Thiện là một trong những VĐV của TP.HCM giành HCV SEA Games 32 ở môn thể dục dụng cụ - Ảnh: NAM TRẦN

Đặng Ngọc Xuân Thiện là một trong những VĐV của TP.HCM giành HCV SEA Games 32 ở môn thể dục dụng cụ - Ảnh: NAM TRẦN

TP.HCM xây dựng đề án đăng cai Đại hội thể thao toàn quốc 2026

Sở VH-TT TP.HCM đang xin ý kiến các sở, ban, ngành của TP.HCM về đề án đăng cai và tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc 2026. Nếu Đại hội thể thao toàn quốc 2026 được tổ chức tại TP.HCM, đây sẽ là bước đệm để thể thao thành phố và khu vực phía Nam tăng tốc.

Hai huy chương vàng sáng giá của taekwondo TP.HCMHai huy chương vàng sáng giá của taekwondo TP.HCM

Không chỉ giành lại huy chương vàng đối kháng ở nam sau 8 năm bị mất, taekwondo TP.HCM còn đoạt 2 huy chương vàng ở SEA Games 32. Một thành tích ấn tượng cho nơi từng là cái nôi đối kháng của taekwondo Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên