10/06/2021 16:16 GMT+7

'Dập' biến thể virus Ấn Độ, Quảng Châu xét nghiệm 18 triệu dân trong 3 ngày

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Phong tỏa nhiều khu vực với hàng trăm ngàn dân, xét nghiệm cho hàng triệu người trong vài ngày, cách ly người nước ngoài nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng... là cách Trung Quốc đối phó các ổ dịch COVID-19 mới.

Dập biến thể virus Ấn Độ, Quảng Châu xét nghiệm 18 triệu dân trong 3 ngày - Ảnh 1.

Người dân Quảng Châu xếp hàng để được xét nghiệm hồi tháng 5 - Ảnh: AP

Theo báo New York Times, tính đến ngày 8-6, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc có tất cả 157 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong bệnh viện, trung bình mỗi ngày có 10 ca nhiễm mới được công bố.

Từ cuối tuần trước, toàn tỉnh Quảng Đông, bao gồm thủ phủ Quảng Châu, đã cấm tất cả người dân rời đi nơi khác, chỉ trừ trường hợp có lý do chính đáng và xét nghiệm âm tính với virus trong 48 giờ trước.

Nhà chức trách xác định chùm ca nhiễm mới nhất ở Quảng Châu là virus corona chủng Delta (B.1.617) - thủ phạm gây ra tang thương ở nước láng giềng Ấn Độ.

"Các ca nhiễm đầu tiên dường như xuất hiện trong một ổ dịch khu ăn uống. Mỗi người nhiễm (F0) lây cho nhiều người (F1) hơn bất cứ lần bùng phát nào Trung Quốc từng chứng kiến đến nay.

Trận dịch lần này Quảng Châu đối mặt là đối thủ chưa từng có, nên đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ và dứt khoát" - ông Zhang Zhoubin, phó giám đốc CDC Quảng Châu, thông tin tại một cuộc họp báo.

Cũng theo báo New York Times, Quảng Châu đã tiến hành xét nghiệm gần như toàn bộ dân số 18,7 triệu người chỉ trong ba ngày từ chủ nhật (6-6) đến thứ ba (8-6). Các cơ sở xét nghiệm hoạt động liên tục ngày đêm, còn người dân đến xếp hàng từ 2-3h sáng.

Nhiều khu vực trong thành phố với khoảng 180.000 dân bị phong tỏa hoàn toàn theo chế độ "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người dân chỉ được ra ngoài với mục đích xét nghiệm.

Chính quyền dùng 31 xe tự hành (không người lái) để gửi thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các khu vực này để tránh phơi nhiễm cho nhân viên giao hàng.

Khác với nhiều nơi trên thế giới, Quảng Châu không phải lo lắng chuyện thiếu thốn vật tư y tế vì đây là trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn. Thành phố mỗi ngày làm ra 91 triệu khẩu trang và 7 triệu bộ hóa chất xét nghiệm COVID-19, theo Cục Công nghiệp và CNTT Quảng Châu.

Dập biến thể virus Ấn Độ, Quảng Châu xét nghiệm 18 triệu dân trong 3 ngày - Ảnh 2.

Một sân vận động được trưng dụng làm khu xét nghiệm ở Quảng Châu - Ảnh: REUTERS

Cách ly người nước ngoài nghiêm ngặt

Bắc Kinh yêu cầu người đến từ nhiều quốc gia phải cách ly 2 tuần tại nước sở tại trước khi bay đến Trung Quốc. Khi đến nơi, họ tiếp tục phải cách ly trong cơ sở do nhà nước Trung Quốc quản lý thêm tối thiểu 2 tuần hoặc hơn. Người đã tiêm vắc xin cũng không ngoại lệ.

Trả lời phỏng vấn New York Times, một công dân Đức (đề nghị ẩn danh) bay đến Thượng Hải hồi tháng 5 kể lại ông bị đưa vào phòng cách ly của bệnh viện vì xét nghiệm kháng thể dương tính, có thể là do mũi vắc xin thứ hai cách đó 16 ngày.

Mỗi ngày, các y tá lấy mẫu máu của ông 2 lần, lấy mẫu dịch họng 6 lần, lấy dịch mũi 4 lần và 2 lần lấy mẫu ở hậu môn. Sau nhiều kết quả xét nghiệm âm tính liên tiếp, ông mới được cho phép cách ly tiếp 11 ngày còn lại trong cơ sở cách ly tập trung.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đến tháng 2-2022, khi Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Olympics mùa đông, và có thể kéo dài đến tận mùa thu năm 2022, khi Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng.

Nhiều người nước ngoài ở Trung Quốc lâm vào thế khó: Nếu rời nước này để về thăm gia đình, vợ con, họ có thể không được quay lại Trung Quốc sau đó vì lệnh giới hạn.

"Người nước ngoài ở Trung Quốc ngày càng cảm thấy mệt mỏi" - ông Jacob Gunter, quản lý chính sách và truyền thông thuộc Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết. 

Dập biến thể virus Ấn Độ, Quảng Châu xét nghiệm 18 triệu dân trong 3 ngày - Ảnh 3.

Một trạm phân phối hàng hóa ở khu vực bị phong tỏa tại Quảng Châu tuần trước - Ảnh: REUTERS

Đẩy mạnh tiêm chủng trong nước

Trung Quốc đang hối thúc người dân tiêm vắc xin COVID-19. Hiện nước này đã tiêm được 800 triệu liều, nhưng với dân số 1,4 tỉ người và mỗi người cần 2 liều, thì tỉ lệ chưa tiêm còn rất cao.

Tuần trước, hãng dược Sinovac Biotech thông báo nhà chức trách đã chấp nhận dùng vắc xin khẩn cấp cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, WHO đánh giá vắc xin Trung Quốc có hiệu quả thấp hơn các loại khác (khoảng 51%), nhất là với các biến chủng mới sau này như Alpha (phát hiện ở Anh) và Delta (phát hiện ở Ấn Độ). 

Quần đảo Seychelles, Mông Cổ... nằm trong số quốc gia bị bùng dịch mạnh mặc dù tỉ lệ tiêm ngừa cao, cả hai đều xài Sinovac của Trung Quốc, và một số ít AstraZeneca.

Các nhà nghiên cứu phát hiện chủng Delta đang hoành hành ở Quảng Châu có tỉ lệ gây bệnh ở người đã tiêm vắc xin cao hơn các chủng khác - hiện tượng gọi là lẩn tránh vắc xin. Người chỉ mới tiêm 1 liều vắc xin đặc biệt dễ bị tổn thương.

Phát biểu trên truyền hình thứ bảy tuần trước (5-6), một đại diện của hãng dược Sinovac Biotech cho biết nếu tiêm mũi vắc xin thứ ba do công ty này sản xuất, lượng kháng thể sẽ tăng gấp 10 lần, nhưng cách làm này chưa được khuyến cáo.

"Đối với Trung Quốc, việc hoàn thành 2 mũi tiêm là điều quan trọng nhất với tất cả người dân" - người đại diện Sinovac nhấn mạnh.

Quảng Châu phát hiện biến thể virus từ Ấn Độ, không rõ nguồn lây Quảng Châu phát hiện biến thể virus từ Ấn Độ, không rõ nguồn lây

TTO - Đợt bùng phát mới tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể virus tìm thấy ở Ấn Độ. Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc tin các biện pháp chống dịch của họ vẫn hiệu quả.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên