28/11/2019 11:40 GMT+7

Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong có gì và tác động ra sao?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Mỹ sẽ đánh giá mức độ tự trị của Hong Kong mỗi năm để xem đặc khu này sẽ tiếp tục được hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ dành cho hay không.

Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong có gì và tác động ra sao? - Ảnh 1.

Người biểu tình vẫy cờ Mỹ trong một cuộc biểu tình tại Hoa viên Chater, quận Trung Hoàn của Hong Kong - Ảnh chụp màn hình SCMP

Ngày 27-11 giờ Mỹ (rạng sáng 28-11 giờ VN), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký dự luật "Dân chủ và nhân quyền Hong Kong" (HKHRDA) mà có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm vào Hong Kong. 

Ông chủ Nhà Trắng cũng ký dự luật Bảo vệ Hong Kong, theo đó cấm bán đạn dược do Mỹ chế tạo, chẳng hạn đạn hơi cay và đạn cao su, cho chính quyền đặc khu hành chính này.

Trang Politico nhận định việc ký thành luật là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Mỹ dành cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong và cũng có thể làm tăng căng thẳng giữa Washington với chính phủ Trung Quốc.

Trong số hai dự luật được ký, dự luật "Dân chủ và nhân quyền Hong Kong" có nội dung đáng chú ý nhất. Dự luật này được đưa ra nhằm đảm bảo các quyền của người dân và sự tự do của Hong Kong bằng việc liên hệ giữa vị trí thương mại đặc biệt của Hong Kong với mức độ tự trị của đặc khu này.

Dự luật này được đề xuất bởi dân biểu đảng Dân chủ Jim McGovern, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và dân biểu đảng Cộng hòa Chris Smith hồi tháng 6, khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong nổ ra. Sau đó, dự luật này được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua, rồi đến bàn làm việc của ông Trump để được ký thành luật.

Sau khi được thông qua, thứ nhất, dự luật này sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc và Hong Kong nào có các hành vi vi phạm quyền con người ở Hong Kong.

Thứ hai, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải xác nhận, ít nhất mỗi năm một lần, liệu Hong Kong đủ tự trị về mặt chính trị (trong quan hệ với Trung Quốc đại lục) để tiếp tục được hưởng các ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho đặc khu này hay không, nhằm giúp nơi đây giữ vững vị trí là trung tâm tài chính thế giới.

Khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào ngày 1-7-1997, theo một hiệp ước giữa Anh và Trung Quốc, Bắc Kinh phải đảm bảo Hong Kong có "mức độ tự trị cao, ngoại trừ các vấn đề đối ngoại và phòng vệ".

"Ngày hôm nay, không còn nghi ngờ gì nữa khi Trung Quốc đã hoàn toàn phá vỡ lời hứa đó. Nước Mỹ đã theo dõi trong nhiều năm khi người dân Hong Kong ngày càng bị bác bỏ quyền tự trị tối đa của họ và đối mặt với hành động mạnh tay nhằm vào sự tự do của họ cũng như tình trạng leo thang bạo lực" - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu trong một cuộc tranh luận của quốc hội Mỹ.

Hong Kong được cấp quy chế thương mại đặc biệt theo Đạo luật chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992. Theo đó, Hong Kong sẽ tiếp tục được đối đãi như một "vùng lãnh thổ tách biệt" với Trung Quốc đại lục "về các vấn đề kinh tế và thương mại".

Vị trí này cũng đồng nghĩa khi căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, các mặt hàng xuất khẩu của Hong Kong vẫn được miễn trừ thuế quan của Mỹ cũng như các biện pháp bảo hộ khác nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo việc chấm dứt quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong sẽ ảnh hưởng tới không chỉ Hong Kong và Bắc Kinh, mà còn cả các lợi ích của doanh nghiệp Mỹ. 

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn 1.300 công ty Mỹ hiện hoạt động ở Hong Kong, hưởng lợi nhờ vị trí nằm sát Trung Quốc đại lục cũng như hệ thống tư pháp độc lập của đặc khu này.

Bắc Kinh đã lên án dự luật này là một sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố dự luật này đã "bỏ qua thực tế và sự thật", đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ "phải có biện pháp đáp trả mạnh mẽ".

"Đạo luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong" được chia làm 10 phần:

Mục 1. Tiêu đề ngắn, mục lục.

Mục 2. Các định nghĩa.

Mục 3. Tuyên bố chính sách.

Mục 4. Các sửa đổi với Đạo luật chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992

Mục 5. Báo cáo thường niên về thực thi luật kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt của Mỹ với Hong Kong.

Mục 6. Bảo vệ công dân Mỹ và những người khác khỏi sự đầu hàng trước Trung Quốc đại lục.

Mục 7. Xác định những người chịu trách nhiệm về các vụ bắt cóc và các hành động khác để cản trở các quyền tự do cơ bản ở Hong Kong.

Mục 8. Việc không tiếp nhận những người ngoại quốc và thành viên gia đình nào đó.

Mục 9. Biện pháp tài chính.

Mục 10. Báo cáo trước Quốc hội.

Tổng thống Trump đã ký dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong Tổng thống Trump đã ký dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong

TTO - Quyết định này của ông được cho là sẽ gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc trong bối cảnh hai nước tưởng như gần đi tới một thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên