08/04/2021 09:43 GMT+7

Dân mình đâu chỉ ăn ngon mặc đẹp?

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm qua đã giúp số đông người dân có đủ cơm ăn áo mặc, thậm chí mặc đẹp nhưng chỗ ở tươm tất vẫn là mơ ước của mọi người.

Hôm nay Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ mới. Trước đó, vào cuối tháng 3-2021, khi còn là thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã đề nghị Văn phòng Trung ương đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở.

Nếu đề xuất này được thực hiện trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến vị tư lệnh ngành xây dựng vì liên quan đến đô thị và nhà ở. 

Bởi người dân đòi hỏi Chính phủ có chính sách để mọi người có chỗ ở hợp túi tiền, không để giá bất động sản tăng mãi khiến cả đời họ vẫn nuôi giấc mơ an cư lạc nghiệp.

Đòi hỏi đó là chính đáng bởi tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm qua đã giúp số đông người dân có đủ cơm ăn áo mặc, thậm chí mặc đẹp nhưng chỗ ở tươm tất vẫn là mơ ước của mọi người. 

Một trong những nguyên nhân là do thị trường bất động sản phát triển nặng tính đầu cơ. Tỉ lệ tăng giá nhà và căn hộ luôn cao hơn rất nhiều so với mức tăng lương, tăng trưởng GDP... Cuộc rượt đuổi giữa tích lũy và giá nhà đất khiến nhiều người nản lòng.

Mới đây nhất, trong những ngày cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên - môi trường đã phải thúc các địa phương chấn chỉnh cơn sốt đất ảo diễn ra khắp nơi. 

Còn nhà ở khu vực đô thị, giá cứ tăng đều nhiều năm qua với đủ lý do, do tăng khung giá đất, do thủ tục phức tạp và kéo dài làm hạn chế nguồn cung... 

Nhưng có lý do quan trọng, nằm trong tầm tay lại bị bỏ qua đó là các biện pháp can thiệp của Nhà nước thông qua thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản lại chưa được quan tâm. 

Có lẽ Bộ Tài chính ngại đụng chạm quyền lợi của doanh nghiệp bất động sản nên vẫn duy trì thuế bất động sản quá lạc hậu, không thể điều tiết thị trường và hạn chế đầu cơ...

Hàng chục năm qua, đã có rất nhiều đề xuất nên đánh thuế tài sản, đánh thuế căn nhà thứ 2, đánh thuế với thuế suất tăng dần với trường hợp "mua ngay bán gấp". Có vậy mới hạn chế đầu cơ quá mức, tránh bong bóng bất động sản... 

Thế nhưng đến nay, thuế bất động sản vẫn là thuế thu nhập cá nhân có từ hàng chục năm trước với duy nhất mức 2%. Bán căn nhà thứ 2 đã mua vài chục năm, thuế 2%. Mua căn hộ tuần trước, tuần sau bán, thuế cũng 2%... làm sao hạn chế đầu cơ? 

Chưa kể pháp luật thuế nhà đất lỏng lẻo đến mức chưa hẳn mọi người đầu cơ đất đều phải nộp thuế. Dân kinh doanh có đủ cách để trốn thuế với "quy trình" mà phần lớn giới kinh doanh bất động sản đều rành rẽ. 

Chẳng thế mà vừa qua khi Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giam một giám đốc công ty bán đất 700 triệu đồng nhưng khai 50 triệu đồng để trốn thuế đã làm rúng động giới kinh doanh bất động sản. Bởi khai thấp để trốn thuế là chuyện thường ngày ở huyện!

Chính sách thuế lạc hậu khiến Nhà nước thất thu rất lớn thuế từ kinh doanh bất động sản, hàng chục triệu người "khóc thầm" vì giá nhà đất cứ tăng vùn vụt, chỉ một số ít người "cười nụ" do trúng bất động sản. 

Tình trạng này phải chấm dứt. Bởi dân mình không chỉ mưu cầu ăn ngon mặc đẹp mà còn đòi hỏi phải có nhà ở tươm tất, vừa với túi tiền. Đó cũng là trách nhiệm của Chính phủ mới, nhất là tư lệnh các ngành xây dựng, ngành tài nguyên - môi trường và ngành tài chính.

Giá đất tăng nhưng TP.HCM đề xuất không tăng hệ số điều chỉnh Giá đất tăng nhưng TP.HCM đề xuất không tăng hệ số điều chỉnh

TTO - Nhiều đơn vị đề xuất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 so với hệ số năm 2020 do dịch COVID-19, dù giá đất ở TP.HCM tăng so với năm trước

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên