13/10/2022 12:12 GMT+7

Đại sứ Mỹ tại LHQ: 'Hôm nay Nga tấn công Ukraine, nhưng ngày mai có thể là một quốc gia khác'

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12-10 đã bỏ phiếu lên án việc Nga sáp nhập lãnh thổ của Ukraine, một động thái mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đã gửi một "thông điệp rõ ràng" tới Nga.

Đại sứ Mỹ tại LHQ: Hôm nay Nga tấn công Ukraine, nhưng ngày mai có thể là một quốc gia khác - Ảnh 1.

Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án động thái của Nga sáp nhập bốn khu vực của Ukraine, ngày 12-10 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, 143/193 quốc gia thành viên Đại hội đồng đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết tái khẳng định chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo biên giới được quốc tế công nhận.

"Thật tuyệt vời", Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya nói với các phóng viên sau cuộc bỏ phiếu.

Nhà Trắng ra tuyên bố trích lời Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng cuộc bỏ phiếu cho thấy Nga "không thể xóa một quốc gia có chủ quyền khỏi bản đồ".

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng kết quả bỏ phiếu cho thấy "Nga không thể đe dọa thế giới".

"Hôm nay Nga tấn công Ukraine. Nhưng ngày mai có thể là một quốc gia khác bị xâm phạm lãnh thổ. Đó có thể là bạn. Bạn có thể là người tiếp theo. Bạn mong đợi điều gì từ căn phòng này?", bà Thomas-Greenfield phát biểu trước Đại hội đồng trước cuộc bỏ phiếu.

Có bốn quốc gia bỏ phiếu phản đối nghị quyết của Liên Hiệp Quốc là Syria, Nicaragua, Triều Tiên và Belarus. 35 quốc gia khác bỏ phiếu trắng, trong đó có cả đối tác chiến lược của Nga là Trung Quốc, và những quốc gia còn lại không bỏ phiếu.

Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) cho biết nước này bỏ phiếu trắng vì họ không tin rằng nghị quyết sẽ hữu ích.

"Bất kỳ hành động nào do Đại hội đồng thực hiện phải có lợi cho việc giảm leo thang tình hình, có lợi cho việc sớm nối lại đối thoại và có lợi cho việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này", ông Cảnh Sảng nói.

Theo Hãng tin AFP, vào tháng 3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng bỏ phiếu lên án cuộc tấn công của Nga. Những nước bỏ phiếu trắng khi đó là Bangladesh, Iraq và Senegal nay đã bỏ phiếu lên án Nga.

Eritrea, một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới, đã chuyển từ phủ quyết sang bỏ phiếu trắng, trong khi Nicaragua đã chuyển từ bỏ phiếu trắng sang bỏ phiếu phủ quyết cùng với Nga, Belarus, Triều Tiên và Syria.

"Nam Phi coi sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và của Ukraine là bất khả xâm phạm, và chúng tôi bác bỏ mọi hành động làm suy yếu các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế", đại diện Nam Phi Mathu Joyini cho biết.

Mỹ và các nước phương Tây khác đã vận động hành lang trước cuộc bỏ phiếu ngày 12-10. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã triệu tập một cuộc họp trực tuyến vào ngày 11-10 với các nhà ngoại giao từ hơn 100 quốc gia.

Vào tháng 9, Nga tuyên bố sáp nhập bốn khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân. Ukraine và các nước phương Tây đã lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và mang tính ép buộc.

Cuộc chiến Ukraine và nguy cơ hạt nhân Cuộc chiến Ukraine và nguy cơ hạt nhân

TTO - Ông Joe Biden đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ những năm 1980 phải thực sự suy tính về nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân, sau khi chiến sự tại Ukraine leo thang lên những nấc chưa từng thấy.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên