07/04/2021 09:41 GMT+7

Đại biểu và lời hứa với cử tri

NGỌC HIỂN - TIẾN LONG  thực hiện
NGỌC HIỂN - TIẾN LONG thực hiện

TTO - Đại biểu Quốc hội cần có tiếng nói chuyển tải trung thực ý dân trên nghị trường, góp ý sao cho đúng và trúng, hứa được phải làm được. Có vậy Quốc hội mới thay đổi mạnh mẽ.

Đại biểu và lời hứa với cử tri - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí (thứ hai từ trái) trong một buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM (2020) - Ảnh: H.G.

"Đại biểu cần nói lên tiếng nói của mình và tiếng nói đại diện cho cử tri. Ai gần dân, thể hiện sự đau đáu, sâu sát với dân, với cử tri, người dân biết hết.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Văn Hòa - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV - bên hành lang kỳ họp Quốc hội lần này.

Hình ảnh quen thuộc về ông không chỉ là những trao đổi, chất vấn trong hội trường. Ông vẫn thường xuyên có những trao đổi sâu về các vấn đề quốc kế, dân sinh. Ông được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026.

Vì trách nhiệm với cử tri

* Ông là một trong những đại biểu thường xuyên phát biểu, tranh luận ở diễn đàn Quốc hội. Ông nghĩ gì về tiếng nói và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội?

- Tôi thường tham gia phát biểu ở hội trường và cả ở tổ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là trách nhiệm của người đại biểu. Những gì được cho quốc gia, đất nước thì mình nói, không thể nói một chiều hay nói để có lợi cho một người, một nhóm hay một tổ chức nào.

Quyền phát biểu, tranh luận của mỗi đại biểu là như nhau, vấn đề đại biểu có tận dụng và sử dụng quyền đó để thực hiện trách nhiệm với cử tri hay không mà thôi. Tất nhiên, đại biểu không chỉ có một kênh là phát biểu, tranh luận. Còn có nhiều cách khác nữa để thực hiện trách nhiệm của mình. 

Điều cốt lõi là đại biểu luôn phải thể hiện hết những kiến thức, vốn sống và suy nghĩ của mình để đóng góp cho các dự án luật, công tác giám sát, truyền tải ý kiến cử tri một cách chín chắn, khách quan và công tâm. Điều này sẽ giúp khi luật ban hành sẽ đi vào cuộc sống của dân.

Đại biểu cần nói lên tiếng nói của mình và tiếng nói đại diện cho cử tri. Ai gần dân, thể hiện sự đau đáu, sâu sát với dân, với cử tri, người dân biết hết.

Tôi luôn tôn trọng các ý kiến đại biểu đã phát biểu trên nghị trường, mặc dù có thể chưa trúng, thậm chí sai lệch. Nhiệm kỳ XIV đã có những ý kiến nói chưa đúng, nói sai nhưng tôi đánh giá các đại biểu đó rất tích cực khi thể hiện tiếng nói của mình. 

Gần 500 đại biểu, có thể có sự chênh lệch về trình độ, hiểu biết nhưng cái quan trọng là họ nói lên tiếng nói của mình. Còn nếu nói đúng, trúng 100%, theo tôi, quá cầu toàn. Nếu đại biểu phản biện chưa đúng, bộ ngành cũng cần phải lắng nghe và đặt câu hỏi vì sao mình đưa ra một dự luật mà đại biểu lại phản biện những ý đó.

Đại biểu và lời hứa với cử tri - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Hòa

Đặt tâm mình lên trên lợi ích

* Trên nghị trường ông phát biểu và rất sâu về nhiều vấn đề. Ông đã nghiên cứu, trăn trở trước khi trình bày những ý kiến của mình?

- Một đại biểu không thể giỏi toàn bộ các mảng, lĩnh vực, cũng như hiểu hết toàn bộ khía cạnh của vấn đề. Bởi vậy, khi có những dự án luật được trình Quốc hội thảo luận và thông qua, tôi phải tìm tòi, nghiên cứu, thậm chí còn đến tận cơ sở để khảo sát. 

Ví dụ khi Quốc hội thảo luận về Luật phòng chống ma túy (sửa đổi), tôi phải tự đến tìm hiểu tại trại tập trung để nắm được những vấn đề cốt lõi thực tiễn để góp ý. Vì tôi là đại biểu chuyên trách nên tôi phải thể hiện trách nhiệm, phải hiểu trước để có ý kiến góp ý một cách thuyết phục.

* Ông từng nhận định có những đại biểu phát biểu qua loa, không có sự tìm hiểu trước, thiếu dẫn chứng và thậm chí phát biểu theo "đơn đặt hàng". Cần phải làm gì để hạn chế được thực trạng này, thưa ông?

- Phải nói rằng dù ít nhưng vẫn có những đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến trong nghị trường. Trước những dự án luật, đại biểu phát biểu chưa sát, thậm chí nói cho có ở cả nghị trường lẫn ở các tổ. Một điều là khó thể chấp nhận những đại biểu phát biểu theo "đơn đặt hàng" của ai đó. 

Nếu đặt hàng trúng thực tế cũng cần bảo vệ nhưng đại biểu cần đặt cái tâm của mình lên trên mọi lợi ích cá nhân. Lợi ích của cộng đồng, lợi ích quốc gia trên hết. Nếu ai đã có ý nghĩ phát biểu vì lợi ích của đơn vị mình, của một nhóm nào đó thì xin thưa những vị đó suy nghĩ có nên ứng cử đại biểu Quốc hội nữa hay không.

Lời hứa và hành động

* Cũng có những ý kiến đại biểu bênh vực, nói lại cho ngành, đơn vị mình công tác. Ông nghĩ gì về điều này?

- Đúng là có việc này, bởi hiện có rất nhiều đại biểu đứng nhiều vai. Có những việc khi dự thảo luật đưa ra, người ta có nhiều cách nêu ý kiến theo hướng "vận động hành lang" để dự thảo luật trơn tru. Khi mình đã là một nghị sĩ được dân tín nhiệm, mình phải thể hiện cái tầm của người đại biểu, thể hiện ở sự khách quan để góp ý một cách "đúng và trúng". Đừng vì một áp lực hoặc bị đặt hàng để nói theo, khi đó điều mình nói sẽ không thực tiễn.

* Ông gửi gắm, kỳ vọng gì vào các đại biểu dân cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ mới này?

- Nhiệm kỳ Quốc hội XV có khoảng 50% các đại biểu nhiệm kỳ trước sẽ tái cử, nếu trúng cử họ là những người đã quen với hoạt động của Quốc hội. Tôi kỳ vọng những đại biểu tái cử sẽ phát huy vai trò trong nghị trường, để nhiệm kỳ mới tiếp tục có những thành quả tốt được cử tri ghi nhận. 

Với những đại biểu mới ứng cử lần đầu, cần học tập kinh nghiệm của những người đi trước và phát huy trách nhiệm, trí tuệ của mình đóng góp cho đất nước. Các đại biểu Quốc hội, HĐND hãy thực hiện đúng những điều mà mình đã hứa trong chương trình hành động trước cử tri suốt cả một nhiệm kỳ.

Đại biểu trúng cử phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thậm chí bức xúc của bà con cử tri đã gửi gắm, chuyển tải trên nghị trường. Ở công tác lập pháp, cần có sự mạnh dạn góp ý những vấn đề ban soạn thảo đề ra trên cơ sở gắn với thực tế cử tri phản ảnh. 

Thực tế, có một số đại biểu tham gia ứng cử để được trúng cử chứ tham gia công việc ở nghị trường Quốc hội hay HĐND rất hạn chế. Tôi nhấn mạnh: là đại biểu phải có sự tích cực, trách nhiệm và hãy thực hiện đúng lời hứa trước cử tri.

Cử tri Nguyễn Lợi Đức (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang):

Mong Quốc hội lưu tâm đến giao thông ĐBSCL

Tôi hi vọng đại biểu Quốc hội khóa mới này quan tâm sâu sắc hơn đối với hạ tầng ĐBSCL để miền đất này sớm khấm khá hơn. Những dự án giao thông có quy hoạch rồi thì nên tiến hành thi công nhanh.

Nhiều dự án ở ĐBSCL đã được Chính phủ thông qua: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường tránh TP Long Xuyên... nhưng thực hiện hơi chậm so với mong muốn của nhân dân vùng ĐBSCL. Nếu miền Tây có hạ tầng giao thông tốt, tôi tin chắc sẽ hạn chế được tình trạng lao động phổ thông bỏ quê hương đi làm thuê ở các tỉnh, thành phố khác.

Cử tri Nguyễn Thị Hường (quận Hải Châu, Đà Nẵng):

Mong Quốc hội đổi mới mạnh hơn

Các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội có thể rất đầy đủ nhưng theo tôi, cái chuẩn cần đặt lên hàng đầu là tinh thần phục vụ. Đại biểu Quốc hội không phải là một sự thăng chức hay là một danh hiệu trang trí, vai trò phục vụ đòi hỏi một tầm nhìn xa hơn và một tấm lòng rộng lớn hơn, trung thực và hết lòng vì người dân.

Những hạn chế, cái chưa làm được của đại biểu trong những nhiệm kỳ trước cần phải được phân tích, mổ xẻ để không chỉ rút kinh nghiệm mà còn là những tiêu chí đặt ra khi cơ cấu thành phần, lựa chọn những ứng cử viên đại biểu Quốc hội.

Hoạt động giám sát và chất vấn phải làm đến tận cùng. Giám sát, chất vấn phải truy đến cùng và không dừng lại, phải có sự kế thừa trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Đại biểu Quốc hội phải có thực tiễn sinh động, toàn tâm, toàn ý với công việc, minh bạch, thẳng thắn trong việc giải quyết và sửa ngay những cái làm chưa đúng của nhiệm kỳ trước để Quốc hội mới thực sự đổi mới và mạnh hơn.

BỬU ĐẤU - HỮU KHÁ ghi

TP.HCM: Có ứng cử viên đại biểu Quốc hội chỉ đạt 2% tín nhiệm của cử tri nơi cư trú TP.HCM: Có ứng cử viên đại biểu Quốc hội chỉ đạt 2% tín nhiệm của cử tri nơi cư trú

TTO - Theo quy định, tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nếu ứng cử viên không đạt được trên 50% tín nhiệm sẽ không được đưa vào danh sách cho Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM diễn ra ngày 17-4.

NGỌC HIỂN - TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên