28/10/2022 10:03 GMT+7

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Mức sống tối thiểu không chỉ là 'ngày 3 bữa cơm, năm 2 bộ quần áo'

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Đại biểu TP.HCM đề nghị có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức viên chức theo nguyên tắc "lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Mức sống tối thiểu không chỉ là ngày 3 bữa cơm, năm 2 bộ quần áo - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: PHẠM THẮNG

Điểm nghẽn cho các mục tiêu phát triển

Phát biểu thảo luận kinh tế - xã hội sáng 28-10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Chính phủ quan tâm "trả dứt điểm" một số "món nợ" tồn đọng của nhiệm kỳ trước, là vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ, các ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu đang để lại những gánh nặng về tài chính cực lớn cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước.

Món nợ thứ ba, theo ông Nghĩa, là xây dựng và hoàn thiện thể chế, cụ thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

"Sự trễ hẹn về đổi mới và hoàn thiện thể chế tạo ra lực cản, điểm nghẽn cho các mục tiêu phát triển", ông Nghĩa nói.

Đại biểu TP.HCM đề nghị có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức viên chức theo nguyên tắc "lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình".

"Xin lưu ý, mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là 'ngày ba bữa cơm, năm hai bộ quần áo' như thời bao cấp. Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất, không đủ cho mức sống tối thiểu, cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1-1-2023", ông nói và đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp.

Cùng với đó là đẩy mạnh kiềm chế lạm phát cũng như nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường... Ông nói thêm cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước cho dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này.

"Vừa qua nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn, trong đó tỉ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành. Nợ trái phiếu tăng nhanh, lãi suất cao, không có bảo lãnh và không công khai nên khó kiểm soát, có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán", ông Nghĩa đề xuất.

Đại biểu TP.HCM cũng kiến nghị tăng cường kỷ luật hành chính từ cấp bộ xuống cấp xã: "Các bộ, ngành trung ương phải là cầu nối thông suốt giữa Thủ tướng với chính quyền các tỉnh, thành phố, là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp. Tuyệt đối không thể là các trạm gác quan liêu, vô cảm, thậm chí nhũng nhiễu".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Mức sống tối thiểu không chỉ là ngày 3 bữa cơm, năm 2 bộ quần áo - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Ảnh: PHẠM THẮNG

'Ai không làm thì đứng sang một bên'

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) bày tỏ không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.

Bà nói từ chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì “e ngại”, “sợ sai”, “đùn đẩy”, “sợ trách nhiệm”… như vậy sẽ khó thúc đẩy xã hội phát triển.

"Trong khi Quốc hội khẩn trương làm ngày, làm đêm để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công. 

Thủ tướng nhiều lần phê bình hiện tượng này và từng nói thẳng ai không làm thì đứng sang một bên. Tôi cho rằng nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại. Vì đứng đằng sau chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", bà Yên nói.

Theo đại biểu Điện Biên, nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không hiệu quả cần xem xét lại việc bố trí, thuyên chuyển sang công việc khác phù hợp hơn.

Bà Yên cũng chỉ ra một số vụ việc như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tuy đã được phát hiện, ngăn chặn nhưng để lại các hậu quả đối với nền kinh tế, sự lo lắng, bất an của người dân, doanh nghiệp, và cho rằng nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường thì hệ lụy từ những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế.

Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân khó tăng lương cơ sở từ 1-1-2023 Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân khó tăng lương cơ sở từ 1-1-2023

TTO - Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện tăng lương cơ sở vào thời điểm 1-1-2023 sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên