"Ngày hội việc làm cho quân nhân xuất ngũ và người lao động tại quận Thanh Khê năm 2024" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ, hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân (gọi chung là người xuất ngũ) và người lao động trên địa bàn TP Đà Nẵng có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho người xuất ngũ, người lao động.
Đa dạng việc làm
Anh Lê Văn Hoàng (34 tuổi, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), làm lao động tự do hàng chục năm nay từ khi xuất ngũ, cho biết đến với ngày hội để tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định hơn.
Anh đã đi tham quan hàng chục gian hàng có nhu cầu tuyển dụng với yêu cầu phù hợp bản thân, gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn với đại diện các doanh nghiệp, nên hy vọng sẽ được nhận vào làm lao động ổn định, có hưởng bảo hiểm.
Một số người xuất ngũ khác rất hồ hởi khi đăng ghi tên đăng ký, cung cấp thông tin tìm việc của mình đến doanh nghiệp.
Một số thanh niên khác thì chú tâm tìm hiểu thông tin ở các đơn vị chuyên về xuất khẩu lao động để được tư vấn về chính sách lao động, việc làm, học nghề, lương thuởng,...
Còn các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo nghề, đơn vị có chức năng tuyển dụng và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,… đã chuẩn bị tài liệu, thông báo nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, số lượng lao động xuất khẩu rất phong phú, đa dạng công việc.
Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Đà Nẵng, Ngày hội việc làm này có 125 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, trong đó có 38 doanh nghiệp tham gia trực tiếp và 87 doanh nghiệp gửi thông tin tuyển dụng các vị trí việc làm với nhiều hình thức (đăng ký nộp hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp, đăng ký qua Trung tâm Dịch vụ việc làm,…).
Tổng số lao động cần tuyển của các doanh nghiệp tại phiên giao dịch ngày hội là 7.874 lao động, trong đó đại học là 498 lao động, cao đẳng là 588 lao động, còn lại là trung cấp, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông,…với 6.788 lao động.
Tăng cường kết nối cung cầu lao động
Ông Nguyễn Thành Nam, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Đà Nẵng, cho biết hằng năm, Sở phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự TP, Công an TP khảo sát nhu cầu học nghề của thanh niên xuất ngũ để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề.
UBND các quận, huyện phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người xuất ngũ, qua đó 100% thanh niên xuất ngũ được tư vấn ngành nghề phù hợp để đăng ký học nghề, tìm việc làm và vay vốn.
Đây là chủ trương lớn của TP, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội việc làm, là chính sách hậu phương quan trọng đối với người xuất ngũ.
Ngày hội việc làm định kỳ là hoạt động thiết thực để giới thiệu việc làm, nâng cao nhận thức về lao động, việc làm cho người xuất ngũ và người lao động để họ ổn định cuộc sống.
Mặt khác, đây là kênh kết nối cung - cầu lao động giữa người lao động, người xuất ngũ với các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội cho họ tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và trình độ được đào tạo của họ.
Còn Phó chủ tịch thường trực UBND quận Thanh Khê - bà Trần Tường Vân cho biết bốn năm qua chương trình "An sinh xã hội" được xác định nhiệm vụ trọng tâm, công tác đào tạo nâng cao tay nghề để người lao động bước vào thị trường lao động, tìm việc làm là giải pháp căn cơ trong chương trình giảm nghèo bền vững.
Quận đã triển khai những giải pháp đối thoại, tư vấn kết nối việc làm, học nghề, vay vốn cho người lao động ở các phường; tổ chức "Tuần lễ kết nối, giới thiệu và tư vấn việc làm, học nghề" tại 10 phường; hằng năm tư vấn về học nghề, việc làm cho thanh niên xuất ngũ; tuyên truyền, vận động các đối tượng đăng ký học nghề, đưa người lao động đi nước ngoài và học nghề miễn phí;…
Qua những giải pháp trên đã kết nối, giới thiệu việc làm cho 1.296 lao động, đăng ký học nghề 404 người, 79% người lao động sau khi học nghề được nâng cao tay nghề và tìm kiếm công việc làm ổn định.
Người xuất ngũ ngoài việc hưởng các chính sách thành phố hỗ trợ như người lao động bình thường còn được cấp thẻ học nghề miễn phí thời hạn 12 tháng; thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, giải tỏa đền bù,... được vay vốn ưu đãi để làm ăn, đi xuất khẩu lao động; được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B2 (14,5 triệu đồng/người/khóa học), hạng C (16,5 triệu đồng/người/khóa học).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận