Đến nay ông Dũng (57 tuổi) vẫn đau đáu mong một lần trở lại Trường Sa để thắp hương cho đồng đội, thăm lại những công trình đã chung tay xây dựng năm nào.
Những người làm nên lịch sử
Xuất thân trong gia đình ngư dân ở Gio Linh (Quảng Trị), đầu năm 1987, thanh niên Trần Quang Dũng nhập ngũ và xung phong vào hải quân. Ngày 17-3-1987, anh chia tay gia đình đầy quyến luyến vào Đà Nẵng huấn luyện.
Sau ba tháng huấn luyện tân binh, chiến sĩ công binh Trần Quang Dũng (Trung đoàn E83, Bộ tư lệnh Hải quân) vào đóng quân ở Cam Ranh (Khánh Hòa), đến đầu tháng 3-1988 thì nhận lệnh ra Trường Sa xây dựng đảo trong chiến dịch CQ-88.
"Khoảng 15h chiều 13-3-1988, chúng tôi đến bãi nổi Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Tàu được lệnh thả neo, chuẩn bị để sáng mai bốc hàng lên xây dựng đảo Gạc Ma. Trong chiều nay thì hải quân Trung Quốc đã cho tàu áp sát.
Sáng sớm hôm sau, anh em dùng xuồng chở vật tư vào xây dựng đảo thì bị tàu Trung Quốc áp sát, gây hấn, nổ súng bắn vào Gạc Ma và tàu HQ-604. Lúc này mặt trời vừa ló dạng, chúng tôi vừa cắm cờ Tổ quốc", ông Dũng rưng rưng nhớ về những đồng đội đã mất giữa trùng khơi.
Sau trận chiến, những người còn sống tìm đồng đội đưa lên xuồng rồi thả trôi giữa biển. Đến trưa, tàu cấp nước phát hiện kéo họ vào đảo Sinh Tồn. Ít ngày sau, cả nhóm di chuyển qua đảo Trường Sa rồi vào Cam Ranh đóng quân sáu tháng.
Sau đó, ông Dũng tiếp tục lên tàu ra Trường Sa xây dựng đảo Đá Lát, Cô Lin, Đá Lớn. "Phương tiện, máy móc không có, sóng to gió lớn vây trùm cả khu vực xây dựng. Chúng tôi bám trụ giữa biển, xây dựng ba đảo trong một năm liền", ông Dũng xúc động kể.
Bám biển làm giàu
Xuất ngũ, trở về quê xã Gio Việt, ông Dũng lấy vợ rồi lại nhanh chóng tiếp tục bám biển, nối nghiệp cha ông. "Tôi vay ngân hàng 15 triệu đồng sắm cái thuyền gỗ nhỏ công suất máy 15CV. Sắm được chiếc thuyền là cả gia tài", ông Dũng nói. Ông cùng với mấy bạn thuyền làm nghề lưới và câu cá mực ở rạn san hô quanh đảo Cồn Cỏ, cách nhà cỡ 20 hải lý.
Thuyền ra khơi trúng mực chất lượng cao xuất khẩu nên được giá. "Một lèo trăng (20 ngày tối trăng - PV) thu nhập của thuyền viên từ 1 - 1,5 triệu đồng khi ấy, tương đương 1,5 - 2 chỉ vàng. Từng đoàn thuyền 10 - 15 chiếc ra khơi, pháo treo đầu mũi thuyền đốt rần rần dậy sóng sông Thạch Hãn. Vợ con chạy bên bờ xem chồng và cha ông ra quân, không khí rộn ràng khắp bến sông Cửa Việt suốt buổi chiều", ông Dũng hào hứng kể lại.
Vui mừng vì được mùa nhưng dông gió hiểm nguy bất ngờ ngoài biển khơi cũng không hiếm gặp. Nhớ tháng 4-1997, sáu thuyền viên trên tàu ông Dũng chong đèn câu mực ở vùng biển đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ gặp dông lốc. "Sóng gió cấp 7 - 8, giật cấp 9 cuốn con thuyền nhỏ như muốn lật úp. Từ nửa đêm đến 4h sáng, anh em chống chèo hết sức, bỏ lưới dù xuống biển để thuyền đằm hơn, không bị gió cuốn đi.
Tôi nổ máy, cố dìu chiếc thuyền theo chiều sóng để sóng luôn vỗ mũi thuyền. Gió rít liên hồi, đổi hướng không lường được, nếu không trở tay kịp, thuyền xoay ngang là sóng đánh chìm liền. Gương mặt ai cũng lo âu nhưng phải cố động viên nhau vượt qua nỗi sợ", ông Dũng nhớ lại.
Đến sáng, mọi người rã rời tay chân thì hay tin có một thuyền bị lật, hai ngư dân mất tích. "Anh em tập trung tìm kiếm, đến 10h thì tìm ra người mất, thương lắm", ông Dũng kể.
Sau chuyến biển đó, ông Dũng bàn bạc anh em đóng thuyền lớn đi xa hơn. "Ghe nhỏ quá không đủ sức chịu sóng gió mà mực cá ngoài đảo nhiều vô kể. Làm giàu từ biển cũng là để gìn giữ biển quê hương mình", vị cựu binh hào hứng kể về bước chuyển đổi từ thuyền nhỏ sang tàu lớn. Ba anh em ruột chung vốn đóng mới chiếc thuyền 45CV trị giá 60 triệu đồng.
Và cũng từ tai nạn đó, ngư dân này kêu gọi lập tổ cứu hộ, đi đánh bắt thành từng tốp 4-5 tàu cá, mỗi tàu cách nhau chừng 2-3 hải lý để tương trợ nhau. "Ngày ấy bộ đàm chiếc có chiếc không, liên lạc kém, định vị không có. Khi hoạn nạn trên biển thì tàu gặp nạn "chiêu cờ", thuyền viên đứng trên cabin vẫy cờ cho các tàu khác biết có nạn. Cả đoàn thuyền dài móc dây vào nhau, trợ lực kéo tàu cá gặp nạn vào bờ", ông Dũng tâm sự.
Tàu ông Dũng là tàu lớn nhất bấy giờ, khi tàu bạn gặp gió chướng thường được ông đi đầu ứng cứu. Nhờ sáng kiến lập tổ cứu hộ mà nhiều ngư dân, tàu cá kịp thời nhận được sự giúp đỡ giữa biển cả mênh mông, có cơ hội trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Gắn bó với khai thác một thời gian nữa, năm 2013 ông Dũng là một trong hai người đầu tiên ở Gio Việt mạnh dạn chuyển đổi nghề sang dịch vụ hậu cần nghề cá. "Tôi mua một tàu khác công suất 65CV rồi cải tạo giàn hầm để bảo quản cá. Ngư dân nhờ tôi mua mắm muối, lương thực ra ngư trường. Đổi lại tôi thu mua hải sản để họ bám biển dài ngày hơn. Hai bên cùng có lợi", ông Dũng kể.
Một đời đi biển, ông Dũng đúc kết ngư dân bây giờ công nghệ hiện đại hơn, dự báo thời tiết chính xác hơn nên đi biển an toàn hơn. "Nhưng nghề biển vẫn vất vả, lắm gian truân, nhiều thanh niên giờ không ham muốn đi biển", vị cựu binh Trường Sa trăn trở. Ngày ngày, ông vẫn thường về các cầu tàu dọc sông Thạch Hãn thăm các tàu cá cập bờ, hỏi han ngư trường và tôm cá có đầy khoang hay không.
Đau đáu mong một lần trở lại Trường Sa
Ông Dũng còn là trưởng ban liên lạc cựu binh hải quân tỉnh Quảng Trị và kiêm trưởng ban liên lạc huyện Gio Linh với 70 thành viên. Đây là những người lính nhập ngũ hải quân cùng ngày với nhau năm xưa. Những người cựu binh già vẫn thường liên hệ với nhau qua mạng xã hội, họ thăm hỏi nhau mỗi khi đau ốm, người thân mất hay chung vui khi gia đình có con cháu cưới xin.
Riêng cựu binh Gạc Ma thì tỉnh Quảng Trị còn tất cả bốn người. Mỗi dịp 14-3 hằng năm, họ thường về cửa biển Cửa Việt làm một vòng hoa, thắp nén nhang gửi đến đồng đội ngoài khơi xa. Sau đó, họ về nhà ông Dũng làm mâm cơm cúng rồi hàn huyên.
"Có khi anh em chở nhau lên thành phố Đông Hà thăm gia đình hai liệt sĩ Gạc Ma, mua ít quà bánh thắp hương rồi gia đình mời lại ăn cơm. Mong muốn lớn nhất của tôi là ra thăm Trường Sa, thăm lại chiến trường xưa nơi 64 đồng đội hy sinh, ra lại Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn ngày nào chúng tôi xây dựng. Năm 2021, tôi tưởng chừng đã thực hiện được ước nguyện, nhưng chuyến ra Trường Sa bị hoãn vì dịch COVID-19", ông Dũng bồi hồi.
Vị cựu binh Gạc Ma Trần Quang Dũng xúc động tâm sự những ngày hiểm nguy, gian nan ấy hào hùng nhất cuộc đời. Vị mặn của biển cả, nắng gió Trường Sa ngấm vào da thịt, xương máu các anh. Chính vì những ngày tuổi trẻ cống hiến không biết mệt mỏi mà ông nguyện gắn bó cả cuộc đời với biển cả. Tháng 3-1990, ông xuất ngũ thì lại nhanh chóng bám biển đánh cá.
Ông Lê Ánh Hùng, chủ tịch UBND xã Gio Việt, cho hay ông Dũng là người nhiệt tình trong công việc của thôn và xã, tín nhiệm với bà con. "Vừa lên trưởng thôn nhưng ông đã kêu gọi xã hội hóa được hệ thống truyền thanh thôn, giúp bà con nghe thông báo, hội họp tiện hơn. Hệ thống này hư hỏng mấy năm nay nhưng chưa được sửa chữa", ông Hùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận