16/06/2016 15:36 GMT+7

Cuộc gặp quyết định

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Đó là cuộc gặp gỡ giữa vua Duy Tân và các sĩ phu của tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) mà đại diện ở Trung kỳ là Thái Phiên và Trần Cao Vân.

Hào nước cạnh cửa Hòa Bình (cửa sau của hoàng cung Huế) là nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa vua Duy Tân với hai vị thủ lĩnh Trần Cao Vân - Thái Phiên (theo các tài liệu của Pháp) - Ảnh: M.Tự
Hào nước cạnh cửa Hòa Bình (cửa sau của hoàng cung Huế) là nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa vua Duy Tân với hai vị thủ lĩnh Trần Cao Vân - Thái Phiên (theo các tài liệu của Pháp) - Ảnh: M.Tự

Cả ba nhân vật này đều giữ vai trò quan trọng như nhau trong cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916 ở Huế và các tỉnh Trung kỳ. 

​Vua Duy Tân là người lãnh đạo, trong khi Trần Cao Vân và Thái Phiên là thủ lĩnh.

Rộn ràng tụ nghĩa

VNQPH là tổ chức yêu nước do cụ Phan Bội Châu thành lập vào cuối năm 1912 (tại Quảng Đông, Trung Quốc) từ tiền thân là Duy Tân Hội, với tôn chỉ: đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nền độc lập cho dân tộc và thành lập nhà nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam theo chính thể dân chủ tư sản.

GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ - chuyên gia lịch sử cận đại Việt Nam - cho biết vào tháng 3-1914 tại Đà Nẵng, VNQPH đã tổ chức cuộc họp mặt những người yêu nước ở Trung kỳ, được chủ trì bởi hai nhà yêu nước Thái Phiên (đại biểu Đà Nẵng) và Lê Ngung (đại biểu Quảng Ngãi).

Lúc này, cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa bùng nổ và Pháp đang lâm vào khó khăn do phải đánh nhau với nước Phổ (Đức). Hội nghị nhất trí rằng thời cơ đã đến và phải hành động gấp. Công việc trước tiên là vận động binh lính người Việt, chủ yếu là lính khố xanh (lính người Việt do thực dân Pháp tổ chức ở các tỉnh) và binh lính bị động viên để chuẩn bị đưa sang đánh trận ở Pháp.

Tại Huế lúc đó đang có khoảng 2.500 tân binh sắp bị đưa vào chiến địa ác liệt của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho biết tại hội nghị này, đại biểu Lê Ngung đã tỏ ra sốt ruột: “Thời cơ! Thời cơ!... Thời cơ này mà không nổi dậy, còn ngồi yên chờ đến bao giờ?”.

Hội nghị đã giao cho Thái Phiên và Trần Cao Vân tìm cách vận động vua Duy Tân tham gia cuộc khởi nghĩa với tư cách người lãnh đạo, để thu hút sự tham gia của các tầng lớp trong xã hội.

Trước khi VNQPH bàn việc mời vua Duy Tân tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thì trong lòng vị vua này cũng đã sục sôi ý chí đứng lên đánh Pháp. Trong cuốn sách Vua Duy Tân của tác giả Huỳnh Tôn xuất bản năm 1949 tại Hà Nội có kể lại câu chuyện vua Duy Tân nổi nóng với các quan đại thần khi họ mỉa mai vua lấy vũ khí gì mà chống lại người Pháp.

Vua trả lời rằng chống Pháp bằng vũ khí cất giấu trong lòng dân. “Nước Pháp đang lâm chiến ở châu Âu. Đã đến lúc phải xúi giục dân chúng nổi dậy chống Pháp bằng tất cả sức mạnh của mình” - vua nói. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn thì công bố một thông tin rất mới.

Trong tài liệu đánh số 50 của bộ hồ sơ 65530 tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp) có ghi rằng Phan Bội Châu và Cường Để (một người hoàng tộc Nguyễn, đồng lãnh tụ phong trào Đông Du) đã gửi thư bí mật cho vua Duy Tân để yêu cầu nhà vua quyết định nền chính trị đất nước là vương quốc hay cộng hòa.

Vua trả lời lại bằng thư tín bí mật rằng ngài đã quyết định thành lập chế độ quân chủ lập hiến, sẵn sàng hi sinh quyền lợi của triều đình để giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Trần Cao Vân và Thái Phiên
Trần Cao Vân và Thái Phiên

Trẫm cùng ý như các khanh!

Tháng 3-1916 (nhằm tháng 2 Bính Thìn), Trần Cao Vân từ Đà Nẵng ra Huế tìm gặp Nguyễn Quang Siêu, một viên chức cung đình với chức vụ chánh đội của Vệ thân binh (nên gọi là đội Siêu), vốn là người quen cũ ở Quảng Nam.

Đội Siêu hiểu được ý đồ của ông Vân nên đồng ý làm người liên lạc để bắc cầu nối với vua Duy Tân. Đội Siêu đã gặp quan thị vệ (bảo vệ vua) Tôn Thất Đề để trình bày ý kiến của Trần Cao Vân. Thị vệ Đề hiểu ngay điều đó, liền trình tấu với vua Duy Tân.

Một ngày đầu tháng 4-1916, Đề và Siêu đến bến Lương Tạ (tức bến Văn Lâu, ngay trước kinh thành Huế) để gặp hai thủ lĩnh của VNQPH là Trần Cao Vân (hiệu là Hồng Việt) và Thái Phiên (hiệu Huỳnh Anh) vừa từ Đà Nẵng ra đang đợi họ dưới một chiếc thuyền.

Sau một hồi trò chuyện về ý đồ thực hiện một cuộc khởi nghĩa và muốn mời vua làm lãnh đạo, Trần Cao Vân đưa một bức thư cho thị vệ Đề nhờ chuyển đến nhà vua.

“Thần là Hồng Việt đạo nhơn xin cúi lạy dưới chân thánh thượng vạn tuế, xin được chấp nhận và bảo toàn để những công việc đi đến thắng lợi...”. Đọc thư xong, vua liền thảo ngay bức thư với bốn chữ Hán, đại ý: “Trẫm cùng một ý như các khanh!”. Hai ông Siêu và Đề mang thư trở lại cho Trần Cao Vân.

Ba ngày sau, thông qua thị vệ Đề, Trần Cao Vân nhắn tin muốn gặp vua để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Vua nói “không được vào dinh, rất nguy hiểm”, nên đội Siêu đề nghị phải cải trang làm người đi câu để gặp vua ở chỗ bờ hào cạnh cửa Hòa Bình (cửa sau hoàng cung) vào chiều hôm sau.

Vào khoảng 5g chiều một ngày giữa tháng 4-1916 (có tài liệu nói là ngày 14), vua cưỡi ngựa đi đến bờ hào cạnh cửa Hòa Bình. Hộ tống vua ngoài thị vệ Đề, đội Siêu còn có thị vệ Dương Đức Tuyên và hai người lính (thị vệ Mỹ và đội Mua). Ở đó, đã có hai người đàn ông đội nón ngồi câu cá. Vua hỏi: “Các khanh câu được cá không?”.

“Thưa bệ hạ, chưa ạ”. Sau vài câu trò chuyện, vua rời đi như thể để tránh sự chú ý, một lát sau thì quay lại. “Cá đi từng đàn, các khanh phải hợp lại mới câu được nhiều cá” - vua nói. Sau đó, vua đến gần hai người và trò chuyện: “Từ lúc trẫm lên ngôi, trẫm cảm thấy bất bình. Trẫm biết các khanh là những thần dân dám xả thân vì nước. Vậy bao giờ các khanh sẽ khởi sự để khỏi bỏ lỡ mất cơ hội thuận lợi như hiện nay?”.

Thái Phiên liền trả lời: “Nếu bệ hạ muốn vậy, chúng thần sẽ cố gắng hết sức để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Nhưng phải đợi đến tháng 4 hoặc tháng 5 (âm lịch) để mọi việc sẵn sàng”. Vua không đồng ý: “Phải gấp lên. Trẫm còn phải đi Cửa Tùng chưa biết ngày nào về”. Trần Cao Vân liền nói: “Xin bệ hạ đừng rời hoàng cung”. Nhà vua liền lệnh cho hai người về chuẩn bị và chờ vua ban chiếu khởi nghĩa.

Toàn bộ diễn biến trên đây của cuộc hội kiến mà giới nghiên cứu gọi là “cuộc gặp gỡ lịch sử” này được nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn thuật lại từ lời khai của chính các nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa là Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề.

Đó là lời khai sau khi các vị này bị bắt đã được người Pháp ghi trong các tài liệu số 15, 28, 29 và 60, thuộc bộ hồ sơ 65530, tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại. Đây là tài liệu mới nhất, với nội dung khác hoàn toàn với những gì đã được viết trong hơn 30 cuốn sách và tài liệu nghiên cứu về vua Duy Tân trong 100 năm qua.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn hạ một câu đầy nỗi niềm: “Dưới bầu trời Huế, trong một chiều mùa xuân nhưng đầy vẻ u ám, những con người cháy bỏng khát vọng độc lập tự do đã hội ngộ để bàn định kế sách cứu lấy giang sơn, giống nòi”.

“Cộng hòa dân quốc Việt Nam”

Tháng 9-1915, sau khi nhận thư đề nghị gấp rút nổi dậy của ông Lê Ngung và nghĩa quân Quảng Ngãi, thủ lĩnh Thái Phiên triệu tập tiếp một cuộc hội nghị tại Huế. Tại hội nghị này vẫn còn tranh luận nên truất phế luôn chế độ quân chủ hay là duy trì bằng chế độ quân chủ lập hiến, và tạm thời dung hòa bằng cách mời vua Duy Tân tham gia lãnh đạo.

Tháng 2-1916, Thái Phiên - Trần Cao Vân tiếp tục triệu tập hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa với sự có mặt của đầy đủ anh hào các tỉnh Trung kỳ từ Quảng Bình và đến Quảng Ngãi. Hội nghị đã chọn ngày khởi nghĩa, thống nhất kế hoạch khởi nghĩa và định ra quốc hiệu, quốc kỳ, quân kỳ và thủ đô. Quốc hiệu là Cộng hòa dân quốc Việt Nam.

Quốc kỳ hình vuông nền đỏ có năm sao màu trắng quây quanh vòng tròn, dựa theo ý của kinh dịch “ngũ tinh tụ tĩnh” (năm ngôi sao tụ lại thì thiên hạ thái bình). Thủ đô dự kiến đặt tại Quy Nhơn. Thể chế là quân chủ lập hiến. (Theo tài liệu của GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ (Hà Nội), Nguyễn Quang Trung Tiến và Hồ Vĩnh (Huế)).

__________

Kỳ tới: Đêm khởi nghĩa

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên