01/01/2016 11:21 GMT+7

Cuộc chơi ngầm của các thương khách

QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)

TT - "Từ thế kỷ thứ 16-17, nước Việt đã trở thành thị trường cạnh tranh ráo riết trên hải lộ giao thương thế giới của các cường quốc hàng hải.

Người Bồ Đào Nha xưa đã đi khắp thế giới và đến VN vẽ lại bản đồ - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn sưu tầm
Người Bồ Đào Nha xưa đã đi khắp thế giới và đến VN vẽ lại bản đồ - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn sưu tầm

 

Sau tàu Bồ Đào Nha, Biển Đông liên tiếp xuất hiện thêm thương thuyền Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ... Giới hải thương đến từ các quốc gia khác nhau đã có nhiều cuộc sát phạt. Ngoài việc giành lợi nhuận cho từng chuyến tàu, họ còn muốn tìm thế đứng lâu dài ở miền duyên hải nước Việt” - giáo sư sử học Đỗ Văn Ninh nhận định như vậy.

Cuộc đối đầu Bồ Đào Nha - Hà Lan

Một sáng hè cách đây vài năm, khi sức khỏe đã rất yếu, giáo sư Đỗ Văn Ninh vẫn cùng chúng tôi tham quan di chỉ Hoàng thành Thăng Long.

Ông nói như lời gửi gắm: “Giở lại lịch sử không phải là đập cổ kính ra tìm lấy bóng hay sờ chạm vào đất đá rêu phong, mà chúng ta có hiểu được tổ tiên mới có thể tự tin chọn con đường tương lai đúng đắn”.

Ông tâm sự thêm rằng những hải thuyền phương Tây không chỉ đầy ắp hàng hóa, mà họ còn đem đến cho người Việt khát vọng và trải nghiệm giao thương lớn lao.

Đó là cơ hội rất lớn cho nước Việt có thể thoát lên, nhưng tiếc là biến động thế cuộc và chiến sự triền miên đã làm dân tộc vuột mất những cơ hội này.

Theo tài liệu lưu trữ của các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh từng tung hoành khắp thế giới, hải thuyền Bồ Đào Nha đến Viễn Đông đầu tiên.

Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau người Hà Lan đã có mặt, rồi người Anh cũng không chậm chân... Sân chơi giao thương ở nước Việt có mặt đủ ba siêu cường hàng hải lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, nếu không kể người Hoa và Nhật.

Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, giáo sĩ Dòng Tên người Ý Cristophoro Borri có mặt ở xứ sở Đàng Trong đã kể “trò chơi ngầm” để cạnh tranh nhau của các nhà buôn phương Tây: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để tự do và mở cửa cho tất cả người nước ngoài, người Hà Lan cũng tới như những người khác cùng rất nhiều hàng hóa của họ.

Vì thế, người Bồ Đào Nha ở Macau (đã có mặt ở VN từ lâu - PV) mới có ý định sai một sứ giả tới chúa để nhân danh mọi người khẩn khoản chúa trục xuất người Hà Lan vốn là địch thủ của họ.

Để làm việc này, họ dùng một thuyền trưởng tên là Ferdinand de Costa. Ông này đã thành công dĩ nhiên với rất nhiều khó khăn. Ông đã làm cho chúa ra sắc lệnh cấm người Hà Lan tới gần lãnh thổ ngài, nếu không nghe thì nguy hiểm tới tính mạng”.

Có thể trong thời gian ngắn “chiêu trò” nói xấu đối thủ của thương nhân Bồ Đào Nha đã thành công nhưng mất hiệu quả nhanh chóng sau đó. Bởi thực tế năm 1636, người Hà Lan vẫn mở được thương điếm để buôn bán với Đàng Trong.

Chính Borri cũng thấy điều này và kể tiếp: “Nhưng vì người Bồ ở Macau sợ sắc lệnh đó không được tuân thủ nghiêm chỉnh, nên họ lại sai một phái đoàn mới tới Đàng Trong để nắm chắc lệnh cấm đó.

Họ cũng căn dặn đoàn đại biểu phải làm cho chúa hiểu vì lợi ích của ngài, và nếu ngài không cẩn thận thì e rằng với thời gian, người Hà Lan, vốn rất khéo léo, quỷ quyệt, sẽ dám xâm chiếm một phần xứ Đàng Trong như chúng đã làm ở mấy nơi trong nước Ấn Độ.

Nhưng có mấy người am hiểu tình hình xứ này bàn là không nên nói như thế với chúa. Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới.

Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông ta sợ tất cả, đóng cửa không cho người nước ngoài vào và không cho buôn bán trong nước ông”.

Tìm đến nước Việt trước các đối thủ phương Tây, người Bồ Đào Nha còn khôn khéo sử dụng nhiều cách khác nhau để giữ vững vị trí số 1 của mình ở xứ sở này.

Trong khi đối thủ Hà Lan ngả về triều đình Đàng Ngoài, người Bồ Đào Nha củng cố vị trí ở Đàng Trong không chỉ đem đến súng đạn, họ còn tặng chúa Nguyễn cả người thợ đúc pháo của mình là Joao da Cruiz và những giáo sĩ giỏi nghề thuốc, thiên văn...

Người Bồ Đào Nha không có thương điếm chính thức ở đây, nhưng thương nhân họ lại buôn bán được nhờ có đồng hương thân cận triều đình.

Một bức họa về những đội tàu của Hà Lan thế kỷ 17
Một bức họa về những đội tàu của Hà Lan thế kỷ 17

“Cuộc chiến” tứ bề

Pierre Poivre, thương nhân Pháp tới Đàng Trong vào năm 1749, đã nhận xét cay nghiệt người Bồ Đào Nha giống như kiểu làm ăn người Hoa: “Bằng cách theo thói quen trong nước mà biến mình thành nô lệ cho các quan lớn”.

Mục đích của Poivre là mở thương điếm Pháp ở nước Việt và chiếm vị trí độc quyền về kinh doanh gia vị của người Hà Lan. Ngoài gặp rắc rối với quan địa phương, Poivre còn bị đối thủ cạnh tranh người Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan gom mua hết hàng tốt từ trước.

Sự việc càng mâu thuẫn hơn khi người Pháp hết bị người Hà Lan từ chối chở đến Đàng Ngoài, lại bị phá không cho chuyến tàu Pháp khởi hành dù được thuê đóng tại chính Hà Lan.

Năm 1669, một hải thuyền Pháp vào được sông Hồng nhưng lại gặp khó dễ với chính quyền sở tại. Lý do cũng là vì người Hà Lan đã có mặt từ trước ngầm tố cáo các nhà truyền đạo trên con tàu Pháp.

Tuy nhiên, không chỉ có người Pháp lận đận trong giao thương với nước Việt mà cả người Anh cũng chịu lép vế trước đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là người Hà Lan.

Lần đầu tiên đến Đàng Ngoài trên thương thuyền Zant vào năm 1672, họ mang theo cả bức thư “đầy cảm xúc” của thống đốc Anh ở Bantam, Java (Indonesia): “Kính gửi đức vua vĩ đại và hùng mạnh xứ Đàng Ngoài với những lời chúc trường thọ và chiến thắng kẻ địch...

Đại hoàng đế Anh chúng tôi đã ra lệnh cho Công ty Ấn Độ kính xin hoàng thượng ban ân cho người Anh và tin cậy họ như người trong nhà, cho họ được phép sinh sống và buôn bán tự do... Chúng tôi sẽ cố gắng phục vụ hoàng thượng tùy theo khả năng của mình”.

Được thành lập thương điếm ở Đàng Ngoài từ năm 1672-1697, nhưng thương nhân Anh hoạt động không thành công như mong muốn. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự cạnh tranh chồng chéo của các đối thủ kinh doanh, nhất là người Hà Lan.

Cuộc chiến giữa hạm đội Hà Lan với Anh từ Âu lan sang Á, dẫn đến sự đối đầu giữa thương nhân hai nước cũng rất căng thẳng.

Charles B. Maybon trong cuốn sách Những người châu Âu ở An Nam đã phải thốt lên: “Một trong những nguyên nhân chính yếu của hệ quả đó là sự hằn học không nguôi của người Hà Lan. Hiệp định phòng vệ năm 1619 đáng lẽ phải chấm dứt những vụ tranh chấp liên miên giữa người Anh và Hà Lan thì chỉ làm dịu tình hình đó trong thời gian ngắn”.

Maybon khẳng định Hà Lan đã lần lượt đuổi người Anh khỏi nhiều thị trường, kể cả những vụ đổ máu. Dampier đến Đàng Ngoài năm 1688 cũng nhắc đến Hà Lan hết sức lạnh nhạt. Trong lúc ông lưu lại thương điếm Anh mấy ngày thì “Thương điếm Hà Lan giáp kề với thương điếm Anh ở mặt Nam nhưng tôi chẳng bao giờ bước vào...”.

Trong khi đó, tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan lại ghi nhiều chi tiết “chơi không đẹp” của thương nhân Anh, kẻ đến sau nhưng luôn muốn vượt qua thương nhân họ ở nước Việt.

Kỳ tớiNhững “mỏ vàng” nước Việt

Kỳ nam, trầm hương, quế chi thuộc loại tốt nhất. Gỗ quý dư thừa để sửa chữa, đóng mới thương thuyền hạng nặng... Đó là những “mỏ vàng” cuốn hút nhà buôn phương xa.

QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên