Tàu buôn cổ bị chìm ở biển Quảng Ngãi với rất nhiều cổ vật - Ảnh: Trà Giang |
TS Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Quảng Ngãi, trầm ngâm: “Tôi đặc biệt quan tâm các cổ vật khám phá ở vùng biển này. Nhiều xác tàu đắm từ hàng thế kỷ trước được tìm thấy ở Cù Lao Chàm, rồi gần đây tiếp ở triền biển Quảng Ngãi. Nếu giải mã tường minh được bí ẩn dưới đáy biển sâu đó, lịch sử sẽ hiểu rõ hơn những hải lộ đến và đi từ nước Việt xưa thế nào”.
Bí ẩn dưới đáy biển sâu
Chỉ tôi xem hàng loạt hình ảnh cổ vật, đặc biệt là những thứ tìm thấy trong các xác tàu cổ bị đắm, TS Nguyễn Đăng Vũ kể nhiều bậc cao niên vẫn truyền lưu chuyện kể của tổ tiên về các hải cảng trải dài từ Vân Đồn phía Bắc đến tận duyên hải miền Nam.
Năm 1688, William Dampier, nhà du hành nổi tiếng người Anh từng ba lần đi vòng quanh thế giới, đã lên chiếc tàu viễn dương của thuyền trưởng Weldon đến Đàng Ngoài với mục đích tìm kiếm cơ hội giao thương ở nước Việt.
Ông khởi hành từ đảo Sumatra theo eo biển Malacca đến Côn Đảo, rồi đi dọc biển Việt từ Nam lên Bắc. Đây cũng chính là hải lộ quốc tế của các thương thuyền phương Tây thời kỳ ấy.
Trong hồi ký Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài, Dampier kể phải thuê hoa tiêu người Hà Lan ở Malacca.
Cùng hành trình với các tàu bạn, ông kể: “Tàu Cesar và hai chiếc khác đi Trung Quốc quay sang hướng đông từ mạn nam Côn Đảo, lối đi tốt nhất cho họ để tránh các dải cát ở quần đảo Paracels...
Chúng tôi dọc theo duyên hải Champa về phía đông, tiến về mũi đất đánh dấu cạnh tây nam của vịnh Đàng Ngoài và chuyển hướng về phía bắc, vẫn để Champa ở bên trái trong khi các bãi nguy hiểm quần đảo Paracels chỉ cách sườn phải chúng tôi 12 - 14 hải lý”.
Đây chính là đoạn nguy hiểm mà các nhà hàng hải nước ngoài đã biết trong “con đường tơ lụa trên biển” đến VN. Họ thường đi chệch ra khơi sang phía đông hoặc về phía tây gần bờ để tránh các bãi đá Hoàng Sa như tàu của Dampier đã đi.
Gần đến Đàng Ngoài, nhà hàng hải này còn ghi lại: “Gần mé đầu vịnh Đàng Ngoài có một số cù lao nhỏ. Lối vào vịnh như bị đóng lại bởi những bãi lớn của Paracels trải dài phía trước, nhưng còn trừ ra lối vào ở hai bên cho tàu bè có thể ra vào bằng một trong hai lối ấy.
Vì thế các tàu đi từ eo biển Malacca hay từ Xiêm sang Trung Quốc có thể đi qua những hải lộ này mà không sợ các dải cát”.
Sau khi vào cửa sông Thái Bình, Dampier gặp thuyền trưởng Pool trên chiếc tàu Rainbow đang thả neo nằm chờ hoa tiêu địa phương dẫn luồng ngược sông. Những hoa tiêu này là ngư dân xóm chài nhỏ bên cửa sông thuộc vùng Tiên Lãng, Hải Phòng ngày nay.
Họ không chỉ thông thạo luồng lạch vào thương cảng Phố Hiến hay Kẻ Chợ (Hà Nội) bên bờ sông Hồng, mà còn ngụ cư ở ngay nơi có thể dễ dàng trông thấy tàu nước ngoài từ biển vào tìm hoa tiêu.
Vào sâu trong sông, Dampier kể đã đến ngôi làng mà ông gọi là Domea. Nhà hàng hải kiêm thương nhân người Anh này kể ngôi làng nằm bên phải khi ngược dòng sông có khoảng 100 nóc nhà. Hằng năm các thương thuyền Hà Lan đến đều neo đậu ở đây.
Họ thân thiết như bằng hữu với dân bản xứ và cảm thấy tự do như sống ở quê hương. Các thủy thủ Hà Lan còn dạy người nghèo địa phương kỹ thuật làm vườn và họ đã có rất nhiều rau để làm món salad trộn. Đó là món mà dân đi biển rất thích sau các hải trình dài ngày lênh đênh...
Tọa độ nguy hiểm
So với các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã thám hiểm vùng biển Đông nước Việt từ đầu thế kỷ 16 và sớm thiết lập giao thương, người Hà Lan chậm chân hơn nhưng về sau Công ty Đông Ấn của họ đã nhanh chóng vượt qua.
Họ trở thành bạn hàng phương Tây lớn nhất của nhà Lê - Trịnh ở xứ Đàng Ngoài, rồi Đàng Trong và có rất nhiều hiểu biết về đường biển đến xứ sở giàu tài nguyên này. Tuy nhiên, họ cũng có chuyến phải trả giá khi vượt qua vùng biển Hoàng Sa lắm bão tố và nhiều rạn ngầm nguy hiểm.
Tài liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan vẫn còn lưu giữ về vụ đắm tàu ở Hoàng Sa: “Ngày 20-7-1634, ba chiếc tàu buôn đăng ký tại Hà Lan là Vechuizen, Schagen và Gtootenbroeck từ Bativa (Jakarta, Indonesia) đến Touron (Đà Nẵng) cùng nhổ neo đi Taiwan.
Ngày 21 trên đường biển tại tọa độ khoảng 14 độ vĩ bắc và 115 độ kinh đông thì gặp bão ngoài khơi nên lạc hướng. Riêng chiếc Gtootenbroeck bị đắm gần quần đảo Hoàng Sa. Tất cả hàng hóa và chín thủy thủ bị mất tích. Số hàng hóa còn lại sau đó được cất giấu tại Hoàng Sa.
Thuyền trưởng Huijch Jasen cùng các thủy thủ đi trên chiếc thuyền nhỏ vào bờ biển Đàng Trong, hi vọng gặp đất liền để mong sự giúp đỡ cho hơn 50 thủy thủ đang ở trên đảo”.
Nhiều tài liệu khác cũng kể rằng các thủy thủ Hà Lan ở lại đảo sống bằng thịt chim và các loại trứng có rất nhiều ở Hoàng Sa.
Vào đến Hội An, nhóm thủy thủ Hà Lan này lên tàu Kiko, Nhật Bản để trở lại Hoàng Sa đón bạn đồng hành đang lánh nạn trên đảo. Sau đó, tất cả chuyển sang ba chiếc tàu Bommel, Goa, Zeeburg để tiếp tục hải trình đến Batavia là Jakarta ngày nay...
Xuyên qua vùng biển nguy hiểm Hoàng Sa trên trục hải lộ giao thương Á - Âu, nhiều nguồn sử liệu còn ghi nhận các vụ đắm tàu khác nhau.
Ngày 31-5-1715, giám mục Charles Marin Lablé đã gửi lá thư cho giáo hội: “Vào tháng 10-1714, ba chiếc tàu buôn người Hà Lan khác nhau khởi hành từ Nhật chất nhiều hàng hóa quý giá.
Lúc tiến ngang Hoàng Sa, những chiếc tàu buồm bị bão lớn đánh lâm nạn. Trận bão này xuất hiện đột ngột đến nỗi thủy thủ không kịp cuốn buồm... Họ không điều khiển nổi, sóng và gió đã cuốn chiếc tàu này xô dạt vào bãi cát, húc vào tảng đá và vỡ tan tại đó”.
Lablé kể thêm chi tiết 17 tù nhân dưới một chiếc tàu bị chết chìm, các thủy thủ trôi dạt vào các hòn đảo Hoàng Sa. Họ đã sinh tồn được trên đây cả tháng trời nhờ thịt một loài chim rất dạn người, có thể bắt bằng tay không.
Về sau nhờ các tấm ván của tàu vỡ, họ đã ghép lại thành một chiếc bè nhỏ. Và nhờ sự dẫn dắt của các ngư dân người Việt đánh cá ở vùng biển này, họ đã vào đến bờ biển Đàng Trong an toàn.
Lá thư của ông Pierre Heutter là thông dịch cho nhóm thủy thủ Hà Lan bị nạn gửi giám mục Hilopolis còn kể sự giúp đỡ của triều đình: “Nhà vua đã ban cho những người Hà Lan 50 quan tiền, 10 bao gạo, 20 chĩnh nước mắm. Người ta phải đưa người Hà Lan trở vào Hội An để kiếm tàu”.
Đặc biệt, không chỉ người Hà Lan hay gặp vận rủi ở Hoàng Sa, mà nhiều chứng nhân khác đều kể lại nỗi lo khi qua đây. Năm 1701, giáo sĩ trên chiếc Amphritite đã viết nhật ký: “Người ta cho tàu nhổ neo, gió rất tốt. Một thời gian sau đến mỏm Paracels.
Quần đảo thuộc đế quốc Annam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần xảy ra các nạn đắm tàu...”. Tuy nhiên, hầu hết ghi chép này đều kể rõ sự thông thạo của ngư dân nước Việt với vùng biển nguy hiểm này và có vụ họ trực tiếp giúp nạn nhân tàu đắm...
Kỳ tới: Những thương điếm nước ngoài
Đến nước Việt, các thương nhân đã mở cả phố buôn để tiện mua bán hàng hóa. Từ cách đây hàng thế kỷ đã có các thương điếm Hà Lan, Anh, Nhật Bản ở nước Việt.
Kỳ 1: Những quốc thư đặc biệt
Kỳ 2: Châu ấn thuyền ghé bến Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận