28/12/2015 11:30 GMT+7

Những quốc thư đặc biệt

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Chúng tôi đã chạm tay vào cổ vật gốm sứ VN trong các bãi khảo cổ Nhật, rồi đến Hoàng thành Thăng Long lại tìm thấy nhiều đồ Nhật xưa.

Nishimura cùng Noriko và các con trên đèo Hải Vân 
- Ảnh: nhân vật cung cấp
Nishimura cùng Noriko và các con trên đèo Hải Vân - Ảnh: nhân vật cung cấp

​ Những thứ chìm sâu dưới lòng đất đã kể lại con đường hải thương nối liền hai quốc gia xa xôi, cũng như chứng minh Biển Đông của nước Việt nằm trên hải trình mở rộng từ Âu sang Á từ nhiều thế kỷ trước”. (TS Noriko)

Buổi sáng đầu đông bên bờ sông Hồng lịch sử, TS Noriko, nhà khảo cổ người Nhật nhiều năm gắn bó với VN, say sưa tâm sự với tôi về lý do vợ chồng mình mê đắm nước Việt.

Trước khi cô đến Hà Nội, giáo sư Nishimura về sau là chồng cô đã lang thang tại các di chỉ khảo cổ VN từ nhiều năm trước. Rồi khi chồng qua đời vì tai nạn trên đường thực địa, Noriko vẫn ở lại đất nước đã trở thành quê hương thứ hai...

Sứ đoàn Nhật đến VN

Noriko tâm sự: “Chính những bằng chứng khảo cổ học ở các viễn xứ như Nhật Bản và những gì tìm thấy trong lòng các con tàu đắm đã minh chứng rõ ràng về con đường hải thương ở Biển Đông và tầm nhìn đại dương của người Việt”.

Chúng góp phần bác bỏ luồng ý kiến cho rằng các triều đại quân chủ nước Việt quay lưng lại với biển và luôn đề phòng kẻ lạ đến từ biển.

Vừa tâm sự, Noriko vừa mở công trình nghiên cứu chỉ tôi xem ảnh các cổ vật nước Việt được tìm thấy tại nhiều di chỉ khảo cổ ở Nhật. Đó là những chiếc bình nước, những cái vò, tô, bát, đĩa... Cái còn nguyên vẹn, cái đã vỡ theo thời gian.

Chúng được bàn tay thủ công của tổ tiên người Việt xưa sản xuất từ gốm hoa lam, gốm men trắng, men ngọc hoặc vẽ thêm màu sắc rất tinh xảo. Trong nhiều địa chỉ có cổ vật gốm sứ VN ở Nhật, những nhà nghiên cứu đã tập trung sự chú ý vào tỉnh Okinawa, tức vương quốc Ryukyu ngày xưa. Đây chính là một trong nhiều khu vực đã tìm thấy sự có mặt rất nhiều hàng hóa nước Việt từ thế kỷ 14 - 15...

Đặc biệt, trong thư tịch cổ Ryukyu cũng phát hiện một lá quốc thư do chính nhà vua Chuzan gửi triều đình nhà Lê nước Việt. Quốc thư đề ngày 9-10 năm Chính Đức thứ tư, tức ngày 20-11-1509, thời gian vua Lê Uy Mục ngồi ngai vàng. Quốc thư này được lưu giữ trong bộ thông sử Reikidai Hoan vương triều Ryukyu. N

ội dung tỏ lời cảm ơn trịnh trọng và đặc cử sứ đoàn 130 nhân vật quan trọng sang nước Việt. Năm 1969, Viện Nghiên cứu phát triển thuộc Trung tâm Đông - Tây, Honolulu, Mỹ đã dịch quốc thư này sang tiếng Anh và được chuyển ngữ tiếng Việt:

“Vua Trung Sơn, vương quốc Ryukyu, bằng phép lịch sự và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Nay đặc phái chánh sứ đại nghị đại phu Trịnh Cửu (Tei Kyù), phó sứ Mã Sa Giai (Masakai), thông dịch viên Trịnh Hạo (Tei Kò) và những người khác, cầm văn thư chính thức này cùng đi trên thuyền mang ký hiệu chữ Tín (Hsin).

Trên thuyền chở theo 1 vạn cân lưu huỳnh, 1 bộ áo giáp sắt có bản mạ đồng đan xen kẽ bằng dây với những tấm da thuộc bản nhỏ màu xanh, 2 thanh kiếm ngắn có vỏ sơn mài đen khắc nổi rồng vàng, 6 thanh kiếm ngắn có chuôi mạ vàng, 2 thanh kiếm dài có vỏ sơn mài đỏ khảm vàng và xà cừ, 2 cây thương có vỏ sơn mài đen khảm vàng và xà cừ, 4 cây cung làm bằng gỗ dâu nuôi tằm, 120 mũi tên đầu mạ vàng đuôi gắn lông chim ưng, 100 súc vải bông gồm các màu khác nhau và 2.000 cân sắt chưa luyện.

Tất cả những vật trên là để dâng tặng đức vua vạn tuế của vương quốc An Nam. Ngoài ra không có văn thư nào đặc biệt cho thành viên phái đoàn này vì thật tình chúng tôi sợ phái đoàn có thể bị quan chức địa phương khám xét và gây trở ngại bất tiện.

Vì vậy, triều đình chúng tôi đã cấp chấp chiếu này có đóng ấn nửa chữ Huyền (Hsuan) và nửa số hiệu 176 cho chánh sứ đại nghị đại phu Trịnh Cửu cùng những người khác mang theo trước khi lên đường. Trong trường hợp nếu quan viên ở cửa quan nơi thuyền cập bến hay quan quân ở vùng duyên hải dọc đường khám xét, xin vui lòng để cho phái đoàn được đi ngay không chậm trễ và xin hãy trả lại chấp chiếu này cho phái đoàn của chúng tôi.

Sau đây là danh sách những người trong phái đoàn: một chánh sứ, chánh nghị đại phu Trịnh Cửu (Tei Kyù). Phó sứ, hai người: Mã Sa Giai (Masakai), Lương Quỳ (Ryò Ki). Thông dịch viên chính, một người: Trịnh Hạo (Tei Kò). Thông dịch viên phụ, một người: Lương Tuấn (Ryò Shun). Thuyền trưởng, một người: Ô Thị (Ushì). Hoa tiêu, một người: Cao Nghĩa (Kò Gi). Tổng số người trên tàu, kể cả thủy thủ là 130 người.

Ngày 9-10 năm Chính Đức thứ tư (20-11-1509)”.

Không chỉ các nhà khảo cổ Nhật mà giới nghiên cứu lịch sử VN cũng thú vị khi “giải mã” quốc thư này. Cổ ngữ ngoại giao đã khẳng định cách đây sáu thế kỷ, nước Việt và Nhật đã có liên hệ thâm giao. Phải có sự trao đổi hàng hóa, giao lưu con người từ trước đó, quốc vương Ryukyu mới phái hải thuyền đến trao thư cảm tạ và tặng phẩm.

Một lá thư triều Nguyễn gửi cho Nhật Bản để kết nối giao thương - Ảnh tư liệu
Một lá thư triều Nguyễn gửi cho Nhật Bản để kết nối giao thương - Ảnh tư liệu

Nỗ lực giao thương của nhà Nguyễn

Trải dài suốt các thế kỷ 16-17, con đường hải thương giữa VN và Nhật Bản ngày càng mở rộng, nhộn nhịp hơn. Các thuyền công vụ và hải thương Nhật Bản không chỉ cập bến Đàng Ngoài của triều đình nhà Lê, mà còn xuôi dòng gió Bắc tiến xuống phía Nam thắt chặt quan hệ với chúa Nguyễn. Xứ Đàng Trong này không chỉ có nhiều tài nguyên để mua bán mà còn có rất nhiều chính sách cởi mở thuận lợi cho giao thương quốc tế.

Năm 1601, Chúa Nguyễn (hiện có hai luồng nghiên cứu cho rằng thư này là của Chúa Nguyễn Hoàng hoặc con trai là Chúa Nguyễn Phúc Nguyên làm tổng trấn Quảng Nam lúc ấy) đã gửi thư cho tướng quân Tokugawa Leyasu, Nhật để giải thích sự hiểu lầm và mong muốn tiếp tục thông thương:

“... Trước đây ngài đã sai Bạch Tân Hiển Quý (Shirahama Akitaka) đưa thuyền đến buôn bán, thông thương giao hảo, lại ban cho thư từ. Viên đô đường trấn nhậm trước đây đã có thư hồi đáp. Nay ta mới nhậm chức đô thống nguyên soái, muốn hai nước vẫn giao thương như trước đây. Nhưng chẳng may vào tháng 4 năm ngoái (năm Ất Dậu, 1600), quý thuyền ở cửa biển Thuận Hóa bị sóng gió hư hại chẳng biết cậy nhờ ai. Quan đại đô đường ở Thuận Hóa lại không biết được giao thương tốt đẹp của quý thuyền, mà gây tranh chấp. Chẳng may quan đô đường lỡ việc mà chết. Các tướng súy đem quân báo thù, luôn muốn giết chết Hiển Quý. Ta nghe tin này hối tiếc quá chừng. Năm ngoái ta vâng lệnh thiên triều đến vùng này, thấy Hiển Quý vẫn còn ở lại bản quốc. Ta muốn cho thuyền đưa trở về nước, ngại vì thời tiết không thuận kéo dài mãi đến hôm nay. May thấy thương thuyền của quý quốc lại đến...”.

Trong thư, Chúa Nguyễn còn đề tặng phẩm kỳ nam nặng 3 cân 10 lượng, 3 tấm lụa trắng, 10 bình sữa ong chúa, 100 cây gỗ lôi, 5 con chim khổng tước. Giúp Hiển Quý về nước, ông cũng ghi cần Nhật trợ giúp khí giới.

Trong thư đáp lễ, tướng quân Leyasu đã tự trách thương nhân mình hung hãn và cảm tạ lòng nhân từ của Chúa Nguyễn.

Gửi kiếm quý làm quà, ông cũng không quên dặn dò Chúa Nguyễn các hải thuyền Nhật sau đến đều phải có ấn thư làm tin để giao thương...

__________

Các châu ấn thuyền Nhật Bản băng qua Biển Đông đầy bão tố đã chở đến nước Việt những hàng hóa gì và tìm mua được sản vật nào để đem về?

Kỳ tới: Bên trong những chiếc châu ấn thuyền

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên