02/06/2021 08:07 GMT+7

'Cùng nhập vắc xin'

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Ngoài việc vận động tiếp nhận nguồn đóng góp tài chính từ mọi cá nhân, doanh nghiệp để mua vắc xin, cần sớm có hành lang pháp lý để mở ra cơ chế 'cùng nhập vắc xin' theo nguyên tắc công bằng và an toàn cho người được tiêm.

Cách nay hai ngày, doanh nhân của một tập đoàn lớn hỏi rằng, chúng tôi có nguồn, muốn nhập vắc xin COVID-19 cần làm gì? Nhiều doanh nghiệp chưa hề kinh doanh vắc xin đang ráo riết dùng quan hệ trên thương trường để mua vắc xin COVID-19 đã hỏi như thế. 

Nói thẳng ra, họ là tay ngang bước vào cuộc đua mua vắc xin, vì thế bỡ ngỡ đủ thứ. 

Họ không kinh doanh vắc xin mà mua tiêm cho người lao động để bảo vệ sản xuất kinh doanh, cũng là giúp tăng nguồn cung, cùng Chính phủ lo vắc xin cho toàn dân.

Doanh nghiệp không liên quan đến y tế nhưng lại sốt sắng mua vắc xin chỉ muốn làm hai việc: chi tiền và tìm nguồn mua vắc xin, còn lại họ tuân thủ các quy định, kể cả giao lại cho ngành y tế triển khai tiêm vắc xin.Nhưng vắc xin là hàng hóa đặc biệt, liên quan đến tính mạng con người nên có quy định khá chặt chẽ. 

Họ bỏ tiền ra mua, đem về chích, nếu có biến chứng, có được loại trừ trách nhiệm? Vắc xin COVID-19 là hàng "khó tính", phải bảo quản kho lạnh theo tiêu chuẩn, kho nào, chỉ ngành y tế biết rõ. 

Doanh nghiệp cũng tính đến liên kết với bệnh viện để tiêm, nhưng liệu bệnh viện vốn tuân thủ quy định ngặt nghèo của ngành y có nhận chích từ nguồn vắc xin "hàng nhà mua", dù vắc xin được Bộ Y tế cấp phép...? 

Quy định hiện nay có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin, khi doanh nghiệp mua được vắc xin, họ muốn tiêm cho người lao động nhưng không thuộc nhóm ưu tiên, xử lý ra sao? 

Đặc biệt, nhiều nước cùng tranh mua vắc xin, hạn sử dụng chỉ khoảng 6 tháng, xuống tiền đặt cọc mà vướng víu thủ tục, không chỉ nguy cơ mất tiền mà còn lỡ cơ hội có vắc xin... Còn nhiều câu hỏi mà doanh nghiệp muốn tham gia xã hội hóa vắc xin cần được Bộ Y tế giải đáp rõ ràng.

Thật ra, những giải đáp đó chính là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp cùng tham gia xã hội hóa vắc xin theo các tiêu chí: thêm nguồn cung, tiêm phòng an toàn. 

Phải nhìn nhận rằng khi đặt ra mục tiêu “công bằng vắc xin”, Nhà nước muốn điều tiết trong tiêm vắc xin COVID-19, đảm bảo an toàn khi tiêm và tránh bị lừa đảo khi mua vắc xin là cần thiết. Tuy nhiên thời gian qua, khi quy định chưa rõ ràng, ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần chung tay cùng tìm mua vắc xin của doanh nghiệp.

Vì vậy, ngoài việc vận động tiếp nhận nguồn đóng góp tài chính từ mọi cá nhân, doanh nghiệp để mua vắc xin, cần sớm có hành lang pháp lý để mở ra cơ chế “cùng nhập vắc xin” theo nguyên tắc công bằng và an toàn cho người được tiêm vắc xin. 

Khi doanh nghiệp mua được vắc xin, họ tiêm cho người lao động, nguồn vắc xin của Nhà nước được dành cho các đối tượng khác.

Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều cam kết tháo gỡ tất cả mọi vướng mắc để có sớm và đủ vắc xin tiêm cho người dân. Chủ trương đã rõ, quyết tâm rất lớn nhưng cần nhất vẫn là những hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, một thông tư hướng dẫn để doanh nghiệp yên tâm xuống tiền đặt cọc mua vắc xin khi có cơ hội. 

Phải thần tốc có hướng dẫn cụ thể để cửa nhập vắc xin thực sự rộng mở. Chính phủ đã mở ra mặt trận vắc xin, hãy đưa mọi doanh nghiệp có điều kiện trở thành chiến sĩ trên mặt trận này vì đó là chìa khóa quyết định đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp nào được nhập khẩu vắc xin ở Việt Nam? Doanh nghiệp nào được nhập khẩu vắc xin ở Việt Nam?

TTO - Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có danh sách cập nhật mới nhất 36 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu và bảo quản vắc xin, trong đó có vắc xin ngừa COVID-19.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên