Bị cáo Nguyễn Văn Minh tại phiên tòa - Ảnh: NAM ANH
Cuối buổi sáng 16-8, hội đồng xét xử phiên tòa vụ bán rẻ đất "vàng" tại Bình Dương bắt đầu thẩm vấn nhóm bị cáo phạm tội tham ô tài sản.
Có 6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội này, trong đó có 3 cha con ông Nguyễn Văn Minh - cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3-2; Nguyễn Thục Anh - cựu chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Phát Triển và Nguyễn Đại Dương.
Từng được biết đến là đại gia có tiếng ở Bình Dương, nay bị cáo Nguyễn Văn Minh ra tòa với cáo buộc chủ mưu đại án kinh tế tham nhũng, thâu tóm, bán rẻ "đất vàng" gây thiệt hại hơn 5.000 tỉ đồng.
Cơ quan truy tố xác định bị cáo Thục Anh đã bàn bạc với cha mình và các bị cáo khác để đưa Công ty Phát Triển vào liên doanh thực hiện dự án trên khu đất 145ha thay thế 2 doanh nghiệp Hàn Quốc. Bị cáo biết công ty không có năng lực nhưng vì mối quan hệ gia đình và thấy sẽ được hưởng lợi từ dự án nên đã đồng ý tham gia.
Ông Minh đã chỉ đạo con gái thực hiện hành vi chuyển nhượng lòng vòng cổ phần của các công ty "sân sau" với giá cao hơn thực tế. Việc chuyển nhượng này bị cáo buộc đã giúp sức cho ông Minh chiếm đoạt hơn 643 tỉ đồng, Thục Anh đã dùng hơn 200 tỉ đồng để chi tiêu cá nhân.
Trả lời xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thục Anh cho biết mình là chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển nắm giữ 51% vốn điều lệ. Tuy nhiên bị cáo chỉ đứng tên công ty thay cho cha, còn việc mua bán cổ phần do ông Minh quyết định.
"Chỉ có một lần duy nhất, bị cáo được ba mình thông báo sơ qua", Thục Anh nói.
"Vậy vai trò của bị cáo ở Công ty Phát Triển là gì?", chủ tọa đặt vấn đề.
Bị cáo Thục Anh tiếp tục nhắc lại việc mình "chỉ đứng tên thay cho ba". Ngay từ những ngày đầu công ty thành lập, bị cáo không tham gia điều hành. Mọi hoạt động của công ty như nhân sự, chi tiêu tài chính đều do cha bị cáo điều phối. Ngay cả việc vay tiền ngân hàng, bị cáo cũng chỉ là người đứng tên, người giao dịch chủ yếu là cha của bị cáo.
"Bị cáo có hưởng lợi gì sau các giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần không?", chủ tọa truy.
"Bị cáo không được hưởng lợi một đồng nào và thực tế trên các giao dịch, chứng từ cũng không thể hiện bị cáo được hưởng lợi. Thông tin trong cáo trạng mong được hội đồng xét xử xem xét lại. Bị cáo không được biết về số tiền 251 tỉ đồng", bà Thục Anh phân trần.
Bị cáo Thục Anh giải thích thêm đã đứng tên công ty thay cho cha từ khi mới 19 tuổi. Quá trình điều tra, bị cáo nhận thức được rằng việc đứng tên đã vô ý góp phần vào những sai phạm để hôm nay phải đứng ở tòa.
Cuối phần trình bày, bị cáo Thục Anh mong hội đồng xét xử xem xét vai trò của mình và cha.
"Nếu thật sự biết được bản chất vấn đề của việc chuyển nhượng cổ phần là sai phạm, chắc chắn bị cáo sẽ không bao giờ thực hiện. Và ba của bị cáo nếu biết việc này là sai cũng sẽ không bao giờ yêu cầu con gái của mình làm như vậy... Bị cáo tin rằng nếu biết việc ký tên đó cấu thành tội tham ô tài sản, ba của bị cáo không bao giờ yêu cầu bị cáo làm như thế. Không có người cha nào hại con như thế", bị cáo Thục Anh nói.
Bị cáo Trần Đình Như Ý, thành viên HĐTV Công ty Phát Triển, khai "không biết vấn đề gì ở công ty mà chồng đưa gì thì ký". Cụ thể, viện kiểm sát xác định bị cáo Võ Hồng Cường, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP Hưng Vượng, đã trao đổi với vợ là bị cáo Như Ý về việc đưa Công ty Phát Triển vào liên doanh để thực hiện dự án trên khu đất 145ha thay thế 2 doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bị cáo Như Ý phân trần do tin tưởng những giấy tờ chồng đưa cho nên không đọc.
"Bản thân bị cáo chỉ là một người phụ nữ ở nhà, công việc hằng ngày là đưa con đi học, không biết gì về các công việc ở công ty nên khi bị khởi tố, điều tra, bị cáo rất hốt hoảng. Mong hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo, bản thân không có trình độ để nhận định được bản cáo trạng đúng hay sai. Bị cáo chỉ là người phụ nữ ở nhà đưa con đi học, không biết gì về vấn đề ở công ty".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận