Toàn cảnh phiên tòa - Ảnh: NAM ANH
Chiều 23-8, phiên tòa xét xử đại án bán rẻ "đất vàng" cho tư nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng ngân sách nhà nước, xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) tiếp tục phần tranh luận.
'Tôi không tiếp nhận ý chí của cha'
Theo cáo trạng, Nguyễn Thục Anh (40 tuổi) là cựu chủ tịch Công ty Phát Triển, nắm 51% cổ phần của công ty. Công ty Phát Triển góp vốn vào Công ty Tân Thành. Bà Thục Anh là con gái ông Nguyễn Văn Minh (67 tuổi, cựu chủ tịch Tổng công ty 3-2).
Năm 2018, để có tiền xử lý dư nợ tại Tổng công ty 3-2, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo con gái và hai người khác dùng hơn 964 tỉ đồng của Tổng công ty 3-2 mua lại 19% vốn của Công ty Tân Thành.
Giá mua thay vì 16.000 đồng/cổ phần được nâng lên thành hơn 105.000 đồng/cổ phần. Qua đó, mỗi cổ phần bị bán khống sẽ có chênh lệch khoảng 90.000 đồng. Tổng thiệt hại với tài sản nhà nước hơn 815 tỉ đồng.
Đại diện viện kiểm sát cáo buộc bà Thục Anh trực tiếp chiếm hưởng 200 tỉ đồng nên đề nghị tòa tuyên bị cáo này từ 3 - 4 năm tù về tội tham ô tài sản.
Tự bào chữa trước tòa, Nguyễn Thục Anh nói "không khó để xác định bị cáo có thực hiện chuỗi hành vi như cáo trạng quy kết hay không? Xin hội đồng xét xử có một đánh giá xác đáng vai trò của bị cáo".
Bị cáo Nguyễn Văn Minh tại tòa - Ảnh: NAM ANH
Nguyễn Thục Anh khẳng định cáo trạng quy kết Thục Anh "tiếp nhận ý chí" của cha là "không đúng, chính cha bị cáo cũng khai vậy tại phần xét hỏi".
"Bị cáo cũng cho hay chỉ đứng tên hộ ông Minh 51% cổ phần tại Công ty Phát Triển. Thực tế ba bị cáo không có toàn quyền quyết định tại doanh nghiệp này, cũng không do bị cáo ủy quyền. Bị cáo cũng không chỉ đạo ban giám đốc của Công ty Phát Triển, nên nếu có tiếp nhận ý chí của ba bị cáo thì cũng không thể nào thực hiện vai trò đồng phạm", bị cáo Thục Anh nói.
"Tha thiết mong tòa, viện kiểm sát dựa trên chứng cứ xác đáng nhất từ giao dịch ngân hàng không ai chối bỏ được để xác minh lại vai trò của bị cáo trong vụ án này", Thục Anh nói.
Chấp nhận nộp bổ sung tiền đất chênh lệch để tiếp tục thực hiện dự án trên 'đất vàng'
Cũng tại phần tranh luận, các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được trình bày ý kiến đối với khu đất 43ha.
Đại diện Công ty Tân Phú đề nghị được nhận lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cơ quan điều tra thu giữ từ cuối năm 2019.
Trong trường hợp phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất chênh lệch, Công ty Tân Phú mong muốn được nộp đủ theo phán quyết của tòa, để tiếp tục được thực hiện các dự án.
Vị đại diện cho rằng đây sẽ là giải pháp đúng luật, hài hòa lợi ích Nhà nước với doanh nghiệp, tài sản nhà nước không bị thất thoát.
Luật sư của Công ty Tân Phú nêu quan điểm, giao dịch chuyển nhượng đất giữa Tân Phú và Tổng công ty 3-2 không vi phạm pháp luật.
Công ty Tân Phú nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 43ha đất và đã hoàn thành thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, với giá chuyển nhượng hơn 270 tỉ đồng và đã thanh toán đầy đủ. Ngoài ra, trong vụ án, Tân Phú không bị viện kiểm sát xác định là bên phạm tội...
Ngày 15-8 vừa qua, công ty này cũng đã gửi đơn đề nghị tòa xem xét để tiếp tục thực hiện dự án, cam kết nộp số tiền sử dụng đất chênh lệch theo phán quyết của tòa án.
"Kính đề nghị tòa xem xét, chấp nhận đề nghị để nhằm giảm bớt thiệt hại mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu do chậm triển khai dự án và khắc phục toàn bộ các thiệt hại cho Tỉnh ủy Bình Dương liên quan đến khu đất 43ha", luật sư cho hay.
Trình bày tại tòa, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cũng đề nghị cho Công ty Tân Phú được nộp số tiền sử dụng đất chênh lệch và tiếp tục thực hiện dự án khu dân cư - thương mại - dịch vụ Tân Phú trên diện tích đất 43ha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận