Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh (thứ 2 từ trái qua) xem các tác phẩm viết về cuộc đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: TỰ TRUNG
Xúc động sau nhiều bài tham luận sâu sắc tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”, bà Phan Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã nghẹn ngào gửi lời tri ân đến toàn thể ban tổ chức hội thảo.
Theo bà Dân, các bài tham luận đã giúp gia đình hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về người cha, người ông đã trọn đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Với gia đình bà, cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng mãi là niềm tự hào, hãnh diện và tấm gương sáng soi chiếu trong suốt cuộc đời của con cháu.
“Những ký ức khi chúng tôi được ở bên ông tuy rất ngắn ngủi nhưng vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào, rất ấm áp, gần gũi và đầy cảm xúc. Ông luôn lấy những câu chuyện rất đời từ cuộc sống để gửi gắm mong muốn một điều gì đó đến con cháu”, bà Dân chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trải qua nhiều chặng đường vẻ vang, kiên cường, bất khuất. Qua đó đã sản sinh bao anh hùng hào kiệt, có hàng triệu người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho đất nước.
Và Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, cách mạng Việt Nam, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi cùng những năm tháng hào hùng của Đảng của Nhà nước, nhân dân và nhất là TP.HCM.
“Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rời xa chúng ta 14 năm, để lại cho đời gia tài đồ sộ, khối di sản mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. Khi mọi người nhắc về chú Sáu Dân cũng đều có thầm mong muốn đất nước chúng ta làm sao có nhiều con người như chú Sáu.
Nhắc nhở rằng các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật làm thật, sống thật với nhân dân, với Đảng, biết vận dụng sáng tạo vào bối cảnh mới, yêu cầu mới, nhiệm vụ mới. Quyết tâm xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có chất lượng sống tốt để không phải hổ thẹn với sự hy sinh vô bờ bến của các bậc tiền nhân”, ông Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bìa phải) trò chuyện bên lề hội thảo cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng về cuộc đời, sự nghiệp Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: TỰ TRUNG
Phát biểu bế mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao, hội thảo đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra với các tham luận được nghiên cứu công phu, đề cập toàn diện, đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc ở từng nội dung theo chủ đề.
“Hội thảo khoa học cấp quốc gia được tổ chức hôm nay như một sự tri ân những công lao, cống hiến to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng thời là hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập tấm gương người cộng sản mẫu mực trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam”, ông Nghĩa chia sẻ.
Hiện tượng Võ Văn Kiệt
Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị, ông Trần Hữu Phước, thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn làm bí thư Thành ủy TP.HCM; phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng và cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hồi tưởng nhiều kỷ niệm khó quên.
Ông Phước cho biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người truyền ngọn lửa lớn nhất cho bản thân ông và người dân cả nước bởi sự lăn xả, khí phách, vượt mọi khó khăn. Trong kháng chiến thì bản lĩnh chống địch, trong hòa bình thì dũng cảm "phá rào".
“Giai đoạn sau giải phóng, đất nước còn nghèo, người dân còn đói khổ, người ta gọi ông là chủ tịch 'heo', chủ tịch 'gà' vì ông đi khắp địa phương mua lương thực cứu đói cho dân. Ông còn động viên cấp dưới, các xí nghiệp, công ty phá rào để tự cứu lấy mình và bảo nếu có ở tù thì tôi mang cơm cho các anh”, ông Phước chia sẻ.
Theo ông Phước, chính khí phách như thế của Thủ tướng đã khơi dậy cả phong trào đổi mới để tháo gỡ khó khăn, làm cách mạng xanh vì nước vì dân. Từ đó, nhân dân Nam Bộ gọi ông là hiện tượng Võ Văn Kiệt, “là ánh sao băng sáng rực trong công cuộc cách mạng đổi mới xây dựng đất nước”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận