23/03/2020 11:58 GMT+7

Cơ hội vàng học về thiên tai, dịch bệnh

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Theo các chuyên gia, thời gian nghỉ dịch COVID-19 là cơ hội để suy nghĩ về các đích đến của giáo dục, trong đó có việc quản trị bản thân, làm chủ cuộc sống, bao gồm khả năng ứng phó với tình huống xấu như thiên tai, dịch bệnh.

Cơ hội vàng học về thiên tai, dịch bệnh - Ảnh 1.

Giáo viên Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) hướng dẫn các bé cách rửa tay trước giờ ăn cũng như ngừa dịch bệnh - Ảnh: NHƯ HÙNG

Các chuyên gia cũng cho rằng đây là thời điểm vàng để nói với trẻ về chỉ số AQ (Adversity Quotient), thường được gọi chỉ số vượt khó, dùng để "đo" khả năng vững vàng, thậm chí bứt phá, vượt qua nghịch cảnh.

Trong mùa dịch COVID-19, học sinh được nghỉ, mọi người đều hạn chế ra ngoài, lại là cơ hội dạy con cách vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh trong hoàn cảnh thực. Cách dạy như thế hiệu quả hơn rất nhiều so với kiểu dạy từ chương trong nhà trường.

TS Giáp Văn Dương

"Chiến dịch" tập huấn

Chị Nguyễn Nguyệt Anh (Q.9, TP.HCM) chia sẻ, dịch COVID-19 khiến chị giật mình về đứa con trai đang học lớp 9 Trường THCS Hoa Lư (Q.9). Suốt 2 tuần đầu sau tết, dù báo đài liên tục đưa tin, con nhà chị vẫn ngơ ngác khi ba mẹ "chất vấn" quy tắc rửa tay 6 bước, đeo khẩu trang đúng cách, đến những chuyện lớn hơn như giữ an toàn thế nào khi trở lại trường, ai phải xét nghiệm, cách ly... 

"Nhà tôi ai cũng lo, chỉ có con trai dửng dưng. Nhưng rồi con "phản kháng" một câu làm tôi đơ người: Trước giờ có ai dạy đâu mà con biết!" - chị Anh nói.

Thế là chị lên kế hoạch tập huấn mùa dịch cho con. Mỗi sáng chị bắt con phải nghe bản tin thời sự cập nhật dịch bệnh rồi mới được làm việc riêng. Chị chịu khó giám sát con rửa tay trước bữa ăn để rèn thói quen. 

Chị còn nhắc nhở con dùng mạng xã hội mùa dịch cẩn trọng, không được đăng hoặc chia sẻ các tin khi không kiểm chứng từ những nguồn chính thống. "Tôi đã lo nếu không hướng dẫn, hết hai tháng mang tiếng nghỉ dịch, có khi con chẳng biết gì về COVID-19" - chị Anh trăn trở.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Giản Tư Trung - viện trưởng Viện giáo dục IRED - cho rằng thời gian học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19 không chỉ là cơ hội cho các phương pháp dạy học mới như dạy trực tuyến, mà còn là dịp để xem lại các mục tiêu giáo dục, trong đó có quản trị bản thân, làm chủ cuộc sống, bao gồm khả năng ứng phó với tình huống xấu như dịch bệnh.

Đồng nghĩa, các rủi ro, thiên tai cần được chú trọng hơn trong chương trình giáo dục, để học sinh - cũng sẽ là những phụ huynh sau này - có thể vững vàng và có kiến thức cơ bản khi biến động xảy ra. 

Ông Trung lấy ví dụ người Nhật trong các thảm họa như động đất, sóng thần, họ luôn giữ được bình tĩnh, một phần do được giáo dục các kỹ năng trong thời gian dài. "Tiếng Anh cũng có câu: Luôn hi vọng về điều tốt đẹp nhất và luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất" - ông Trung nói.

Thiếu nhân lực giảng dạy

Tiến sĩ Giáp Văn Dương cho rằng dạy học sinh ứng phó với hiểm họa là một trong những nội dung giáo dục quan trọng nhất, vì nếu không tự bảo vệ an toàn cho mình khi gặp nguy hiểm, mọi kiến thức hay kỹ năng khác đều vô nghĩa.

Theo ông Dương, vấn đề này dường như còn hạn chế trong nhà trường do đây là các nội dung khó. Các tình huống hiểm họa rất ít khi xảy ra nên hầu hết mọi người ít thực hành và trải nghiệm thực. Bên cạnh đó, đầu tư để mô phỏng thực hành quá tốn kém, còn người viết sách và người dạy khi gặp hiểm họa có thể cũng lúng túng không kém gì học sinh.

"Vì lẽ đó, các nội dung này thường được điểm qua rất sơ sài trong chương trình giáo dục, và gần như chỉ điểm danh cho có, không có tác dụng thực" - ông Dương nhận xét.

Ông Trịnh Duy Trọng - trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, đơn vị quản lý các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa - cho biết dù sở có chủ trương và các trường cũng ý thức vai trò của các kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân trước những hiểm họa nhưng hiện tại hoạt động này còn gặp phải một số trở ngại.

Trước hết là thiếu nhân lực khi đa số các trường không có giáo viên chuyên trách hoạt động giáo dục kỹ năng, số thầy cô có sở trường trong lĩnh vực này cũng hạn chế. Các trường chủ yếu mời các chuyên gia đến thực hiện các buổi sinh hoạt, tập huấn hoặc hợp tác với đơn vị bên ngoài chuyên dạy kỹ năng sống được sở cấp phép. Cách thức này lại vướng vấn đề tài chính. 

"Hoạt động kỹ năng sống vẫn do các trường tự nguyện. Những trường có nguồn lực hoặc vận động được nguồn xã hội hóa sẽ dễ thực hiện hơn" - ông Trọng nói thêm.

Ông Trọng cho biết tới đây sở sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên và cán bộ cốt cán các trường để hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở các trường được bài bản, hiệu quả hơn. Từ đầu mùa dịch COVID-19, sở đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các thầy cô kỹ năng phòng chống bệnh và yêu cầu cố gắng truyền tải đến học sinh bằng nhiều phương tiện. 

"Ngày đầu tiên học sinh đi học lại, sở cũng yêu cầu các trường trực tiếp trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống dịch COVID-19 cho học sinh rồi mới trở lại chương trình học" - ông Trọng nói.

Vượt khó để bứt phá

Chỉ số AQ (Adversity Quotient), thường gọi chỉ số vượt khó, biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, rủi ro, bất hạnh, qua đó đo lường độ hiệu quả của từng người khi đương đầu với khó khăn. Theo New York Times, những người có chỉ số AQ càng cao thì "chất anh hùng" càng lớn, có khả năng vững vàng, thậm chí bứt phá, trong nghịch cảnh.

Dù vậy, không phải chỉ anh hùng thật sự mới có "chất anh hùng", chỉ số AQ cao có ngay trong những người bình dị thường ngày. Tuy nhiên, tất cả đều có điểm chung không chịu bó tay trước hoàn cảnh, luôn nghĩ đến vươn lên ngay cả khi trắng tay, và luôn giữ ý chí cầu tiến ngay cả lúc sung sướng.

Theo tiến sĩ tâm lý học Paul G. Stoltz (Mỹ) - người đưa ra khái niệm AQ vào năm 1997, chỉ số này phần nhiều được hình thành trong quá trình trưởng thành của trẻ. "Qua những lần đối diện với nhiều khó khăn, nhiều rủi ro nhưng được giáo dục kỹ càng cách vượt qua, trẻ em sẽ tích lũy dần chỉ số AQ. Kỹ năng và tâm lý vững vàng đứng trước các tình huống xấu được đề cao trong nhiều triết lý giáo dục" - tiến sĩ Stoltz nói.

Vai trò quan trọng của giáo dục gia đình

Tiến sĩ Giáp Văn Dương cho biết gia đình giữ vai trò quan trọng, hơn cả nhà trường, trong việc giáo dục kỹ năng sinh tồn. Nhà trường được thiết kế và vận hành rất an toàn, mọi hoạt động trong nhà trường cũng chỉ xoay quanh dạy, học và chơi nên các tình huống có tính nguy hiểm cao ít khi xảy ra. Nhưng trong gia đình, do vật dụng phong phú nên có thể phát sinh nhiều tình huống nguy hiểm như sử dụng dao, dùng bếp, dùng đồ điện, cửa sổ bancông, phòng cháy chữa cháy, động vật nguy hiểm, bệnh tật, người lạ đến nhà... là các tình huống có rủi ro, phụ huynh có thể thực hành cùng con ngay.

untitled-1 copy

Những trò chơi mạo hiểm, hoạt động ngoài trời cũng là lựa chọn tốt để rèn cho con khả năng vượt khó - Ảnh: N.HUY

Theo ông Dương, thay vì cho các con làm "văn mẫu, toán dạng", hãy cùng con tìm hiểu về virus corona, khuyến khích con thuyết trình về COVID-19 và các hệ quả của nó. Cần cho con thấy mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nó đến chính con, đến gia đình, đến xã hội.

"Không chỉ là chuyện dịch bệnh và sức khỏe, y tế và khoa học, mà các vấn đề về địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị, truyền thông... đều xuất hiện trong chủ đề này - ông Dương nói - Học như thế mới thực sự là học, mới là giáo dục tích hợp liên môn, và mới thực sự hiệu quả".

Cơ hội tự học, trau dồi kỹ năng sống khi nghỉ học vì corona Cơ hội tự học, trau dồi kỹ năng sống khi nghỉ học vì corona

TTO - Không hẹn mà gặp, nhiều bạn đọc chia sẻ ý tưởng, giải pháp cùng cách nhìn tích cực nhân việc con nghỉ học vì dịch. Xin giới thiệu hai ý kiến từ hai miền đất nước.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên