Doanh nghiệp Việt nỗ lực nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm ôtô trong bối cảnh xe nhập khẩu hưởng thuế 0% đang tràn vào VN. Trong ảnh: lắp ráp ôtô tại Thaco - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo các doanh nghiệp (DN), nếu có được các chính sách khuyến khích như vốn vay ưu đãi, thủ tục đầu tư, đất đai... và đặc biệt là các chính sách thuế liên quan đến hoạt động nhập khẩu các nguyên liệu, phụ tùng phục vụ sản xuất trong nước, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều DN hơn, không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang các thị trường khác.
Nhiều rủi ro vì thâm dụng vốn lớn
Hơn 3 giờ di chuyển bằng xe điện, chúng tôi mới có thể tham quan hết 6 nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô và 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô và tổ hợp cơ khí đang hoạt động của Thaco Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).
Tại khu vực giao hàng xuất khẩu của DN này, công nhân đang hối hả ghi chép tỉ mỉ từng đơn hàng, số lượng hàng loạt sản phẩm linh kiện phụ tùng ôtô được đóng gói "made in Vietnam", chuẩn bị cho việc xuất khẩu. Trong năm 2019, Thaco đặt mục tiêu đạt doanh thu xuất khẩu linh kiện phụ tùng hơn 15 triệu USD, tăng 140% so với năm 2018.
Anh Trương Trường Thịnh - phó giám đốc nhà máy sản xuất linh kiện nhựa - cho biết nhà máy gồm 2 xưởng chính với công suất xưởng ép phun nhựa 2.000.000 chi tiết/năm và xưởng sơn và lắp ráp 160.000 bộ/năm, được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại với máy ép nhựa 3.200 tấn và hệ thống robot hỗ trợ.
"Cứ 85 giây một sản phẩm cản sau của ôtô được sản xuất" - anh Thịnh nói, đồng thời cho biết các sản phẩm của nhà máy đã đáp ứng nhu cầu cung ứng các chi tiết linh kiện nhựa, linh kiện nội - ngoại thất cho các dòng xe tải, xe buýt và xe du lịch của Thaco cũng như xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Hàn Quốc và Nga.
Chúng tôi đến nhà máy sản xuất nhíp - bộ phận giảm xóc cho xe gồm các tấm thép được ghép lại, đây là một linh kiện quan trọng mà Thaco Trường Hải đã mạnh dạn đầu tư, phát triển dù gặp nhiều khó khăn trong nhập khẩu phôi nhíp về sản xuất.
Nhà máy khuôn cũng đã sản xuất nhiều loại khuôn khác nhau với công suất 400 bộ/năm. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng cho ngành công nghiệp ôtô mà còn phục vụ các ngành công nghiệp xe máy, ngành tàu biển và nhiều ngành dân dụng khác.
Ông Đỗ Minh Tâm - giám đốc Công ty TNHH một thành viên cơ khí Chu Lai Trường Hải - cho biết mỗi khuôn phải đầu tư hơn 10 tỉ đồng, chỉ sản xuất riêng biệt một sản phẩm trong khi mỗi mẫu xe phải theo vòng đời, các sản phẩm khác phải đầu tư thiết kế lại khuôn. "Do vậy, nếu không có tiềm lực sẽ không có DN nào dám mạo hiểm đầu tư bởi ngành này thâm dụng vốn cao" - ông Tâm nói.
Ưu tiên cho mục tiêu nội địa hóa
Các DN ngành ôtô thừa nhận chỉ khi gia tăng tỉ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho DN làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, nội địa hóa là một bài toán khó đối với DN ôtô, bởi cần nguồn tài chính lớn và sản lượng lớn, trong khi dung lượng thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ.
Ông Phạm Văn Tài - tổng giám đốc Thaco - cho biết đã đặt mục tiêu nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu từ rất sớm. Bên cạnh các nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô, DN cũng đã đầu tư xây dựng cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ với nhiệm vụ chính là sản xuất linh kiện - phụ tùng phục vụ sản xuất ôtô, cung cấp cho các đối tác, đồng thời xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Các nhà máy này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu gia tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm của Thaco lên trên 40%. Nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt với quy mô lớn, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu riêng lẻ của từng khách hàng cụ thể, Thaco đã tập trung xây dựng Trung tâm R&D nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm ôtô, linh kiện phụ tùng.
Ngoài ra, DN này cũng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các thiết bị cơ giới nông nghiệp, thiết bị cơ khí xây dựng và thiết bị công nghiệp khác. Theo ông Tài, chiến lược nội địa hóa được thực hiện theo lộ trình ưu tiên các sản phẩm có sản lượng lớn, cồng kềnh (chi phí vận chuyển cao), có sẵn nguồn nguyên vật liệu trong nước, các nhóm sản phẩm cùng công nghệ và được Chính phủ ưu tiên phát triển.
"Đối với các dòng xe tải hay xe buýt, Thaco đẩy mạnh nội địa hóa các linh kiện có giá trị và yêu cầu công nghệ cao như khung chassis, mâm xe, thùng nhiên liệu, hệ thống khí nén, két nước làm mát, cửa, capo..." - ông Tài cho biết.
Cũng theo ông Tài, Thaco hiện đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các linh kiện như kính, ghế, nhíp, dây điện, linh kiện cơ khí (thùng xe, ống xả, ty ben, khung xương xe buýt, các linh kiện đột dập...), linh kiện nhựa (cản nhựa, linh kiện nhựa nội thất...), hệ thống máy lạnh, linh kiện composite...
"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư mới và nâng cấp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ và sản xuất linh kiện phụ tùng hướng đến áp dụng mô hình nhà máy thông minh" - ông Tài khẳng định.
Thúc đẩy xuất khẩu xe buýt sang Nga, Singapore...
Thông tin từ Thaco cho biết DN này cũng đang tham gia chuỗi cung ứng linh kiện cho các nhà sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam và các đối tác Kia, Foton.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu linh kiện phụ tùng sang Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN, từ năm 2018, Thaco đã xuất khẩu sản phẩm xe buýt sang thị trường Thái Lan, Philippines. Ngoài ra, DN này cũng đang tập trung hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm xe tải và xe buýt theo nhu cầu nhập khẩu các thị trường như: Hàn Quốc, Nga, Singapore, Campuchia...
Chính sách thuế chưa khuyến khích sản xuất trong nước
Nhiều DN trong ngành ôtô cho biết với một số sản phẩm, nếu nhập khẩu thành phẩm sẽ được hưởng mức thuế 0% nhưng nhập nguyên liệu để sản xuất lại đánh thuế từ 10-20%.
Chẳng hạn, các loại nguyên liệu, phụ tùng nhập về để sản xuất, tăng nội địa hóa đang phải chịu mức thuế cao như: bulông đai ốc chịu thuế 12%, đèn các loại 20%, dây điện 20%. Đặc biệt, phôi để sản xuất kính ôtô nhập khẩu chịu thuế 40%, trong khi đó thành phẩm kính nhập khẩu thuế chỉ 20%.
Thaco cũng từng gặp không ít khó khăn khi thành phẩm nhíp giảm xóc có thuế nhập khẩu chỉ 5%, nhưng nếu DN nhập khẩu phôi nhíp về sản xuất phải chịu thuế 10%. Sau nhiều lần "gõ cửa" cơ quan chức năng, đến cuối năm 2017, phôi nhíp (để sản xuất nhíp giảm xóc) nhập khẩu mới được hưởng thuế suất 0%. Ngay sau khi được hưởng thuế suất ưu đãi, giảm được giá thành, nhà máy này đã nâng cao năng lực sản xuất từ 6.000 tấn lên 10.000 tấn/năm.
N.An
Ông Koo By Kyung (trưởng phòng vật liệu linh kiện của Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc - Kotra):
Công ty sản xuất bulông cho ôtô ở Hàn Quốc - Ảnh: NGỌC AN
Có nhiều cách giúp doanh nghiệp
Để giúp các DN phụ trợ tìm được thị trường và có đơn hàng, chúng tôi tìm hiểu nhu cầu của DN ở nước ngoài hoặc các tập đoàn đa quốc gia thông qua nhiều kênh như chuyên gia nghỉ hưu đang ở nước ngoài, văn phòng Kotra ở nước ngoài... Người mua được ưu tiên lựa chọn là DN có thể giúp nâng cao công nghệ phụ tùng, hỗ trợ R&D, nguyên vật liệu cho DN trong nước.
Ví dụ như ngành ôtô có 3.000 chi tiết linh kiện. Dựa trên dữ liệu của DN, chúng tôi kết nối theo nhiều hình thức 1-1 (DN trong nước và nước ngoài trực tiếp gặp trao đổi hợp tác), hoặc tổ chức các buổi trao đổi với nhiều DN tham gia. Chúng tôi cũng cử chuyên gia kỹ thuật, nhân viên văn phòng để hỗ trợ, hoặc cung cấp chi phí đi lại, phiên dịch...
Tuy nhiên, kết nối thành công không có nghĩa là ký được hợp đồng. Do đó, Kotra cũng hỗ trợ vốn cho các hoạt động R&D với các DN tiềm năng, như đào tạo DN chưa đạt được chứng chỉ chất lượng về ôtô hay điện tử... để đáp ứng tiêu chuẩn mà nhà đặt hàng đưa ra. Mức tối đa hỗ trợ R&D là 500 triệu won trong 2 năm, tức là cấp tiền để phát triển sản phẩm mới...
Trong lĩnh vực ôtô, chúng tôi đưa các DN Hàn Quốc sang giao lưu, tìm cơ hội hợp tác với DN ôtô VN như Thaco, VinFast... Ngược lại, nhiều DN Hàn Quốc cũng muốn tìm nhà cung ứng ở nước sở tại, với điều kiện phải đạt yêu cầu chất lượng. Tại Hàn Quốc, chúng tôi xây dựng mạng lưới nhà cung cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Và để có thể vào chuỗi giá trị DN lớn, các nhà cung cấp này cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, giá cả.
NGỌC AN (từ Hàn Quốc)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận