22/09/2018 11:49 GMT+7

Cô học trò H’Rỗn Adrơng của tôi

MAI THỊ THỦY (Đắk Lắk)
MAI THỊ THỦY (Đắk Lắk)

TTO - LTS: Câu chuyện là trăn trở của một cô giáo, ray rứt về số phận cô học trò nhỏ. Nhưng từ đó, cô biết mình phải mở những cánh cửa số phận tươi sáng hơn cho những em học trò khác.

Cô học trò H’Rỗn Adrơng của tôi - Ảnh 1.

Khi tiếng ve không còn râm ran trên các vòm lá, khi những cánh phượng còn sót lại trên những lùm cây ngả màu hồng thắm hiền hòa đung đưa trong làn gió nhẹ, khi mùa tựu trường đến cũng là khi tên em - H’Rỗn Adrơng - như một âm vang khắc khoải nhắc trong tôi.

Em là học trò cũ của tôi.

Giá như ngày đó tôi nghĩ thoáng hơn, quan tâm đến em thêm chút nữa thì có lẽ cuộc đời em sẽ sang trang mới

Sau niềm vui, đối diện đời thường

Năm 2005, khi cầm quyết định trên tay, tôi chính thức trở thành cô giáo.

Thật khó có thể diễn tả nổi niềm vui lớn sau bao tháng ngày khát khao và hi vọng. Tôi ôm chặt người thân mà nhảy thót lên trong niềm hân hoan khó tả.

Và việc đầu tiên của tôi kể từ giờ phút đó là lần theo địa chỉ tìm đến ngôi trường tôi được đi dạy.

Đó là Trường THCS Trần Quang Diệu ở xã Ea Bar, Buôn Đôn, cách nhà tôi 17km, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 10km.

Đoạn đường đó không quá dài, nhưng đó là con đường đất... đau khổ, đầy ổ voi ổ gà nham nhở, bụi bay mù mịt, chỉ một cơn mưa là nó trở nên lầy lội. Trước mắt tôi, niềm vui như dừng lại, bao nhiêu nỗi lo âu cho tháng ngày phía trước hiện về.

Thế rồi năm đầu tiên đến trường với biết bao lo toan của cuộc sống. Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, tôi còn lo đối phó với con đường đi đầy gian nan, vất vả.

Bất kể ngày mưa hay nắng, tôi đều khoác áo mưa đến trường. Bởi ngày nắng thì trời như đổ lửa, bụi bay mù mịt, ngày mưa thì bì bõm dưới bùn. Bao nhiêu nỗi lo khiến tôi quên đi thiên chức cao quý "trồng người".

Cứ thế, năm học đầu tiên trôi qua trong nhàm chán, trong những cái nhìn lạnh lùng, hờ hững của những con người mỗi ngày vẫn gặp nhau.

Em học trò Ê Đê cơ cực

Qua năm sau, tôi đã dùng uy quyền của giáo viên chủ nhiệm để la mắng một học sinh ngay từ những ngày đầu năm học, bởi lý do em bữa học bữa nghỉ khiến lớp tôi liên tục bị trừ điểm. Có điều tôi càng trách, em càng cúi đầu im lặng.

Em khóc. Hôm đó, giọt nước mắt của em đã làm lay động tim tôi. Hôm sau, hôm sau nữa, em lại nghỉ học.

Một buổi trưa mùa đông năm đó, sau khi kết thúc các tiết dạy, tôi tìm về nhà em. Men theo con đường nhỏ ở thôn 4, xã Ea Bar, rồi dừng lại gửi xe ở nhà người dân gần con suối, tôi vượt suối, đi bộ thêm một quãng mới đến được nhà em.

Căn nhà sàn đơn sơ được bao bọc giữa vườn cây cà phê xanh mướt. Đứng dưới sân, tôi cất tiếng gọi liên hồi:

- H’Rỗn ơi! H’Rỗn ơi! H’Rỗn!...

Tiếng nói yếu ớt của một phụ nữ vọng ra sau vài phút mời tôi vào nhà. Khó khăn lắm, tôi mới leo lên được nhà em. Tôi bàng hoàng, sửng sốt... Căn nhà trống huơ trống hoác, dường như chẳng có thứ gì đáng giá.

Ở sát lối ra vào, mẹ em đang nằm co người trên một cái giường ọp ẹp vì bệnh. Mẹ em bị bệnh đã lâu nhưng không có tiền thuốc thang, lâu ngày trở thành bệnh nan y và lúc đó sự sống chỉ còn được tính bằng ngày.

Qua cuộc nói chuyện, tôi mới hiểu những lần em nghỉ học là do áo quần không kịp khô, vì không có tiền mua dép quai hậu, vì công việc sau rẫy đang cần em.

Thì ra những ngày qua tôi thật vô tâm khi trách em đi học muộn, trách em nghỉ học không rõ lý do, trách em đến trường không mang dép quai hậu khiến lớp tôi liên tục bị trừ điểm. Càng nghĩ, tôi càng thấy ân hận khi vội vàng trách em mà chưa tìm hiểu về hoàn cảnh của em.

Một lúc sau, em từ vườn cà phê bước vào. Trông em xanh xao, đôi môi thâm tím vì lạnh. Tôi nhìn em không nói nên lời, rồi em lí nhí bên tai tôi: "Cô ơi, chắc em phải nghỉ học".

Nước mắt tôi rơi theo từng câu nói của em. Tôi lấy lại bình tĩnh, trấn an em, động viên em đến lớp:

- Ngày mai em đến lớp sẽ nhận được áo quần và dép mới. Xin em hãy đến lớp, vì cô và các bạn rất cần và rất nhớ em.

Một cô giáo tuổi đời còn non trẻ và kiêu ngạo như tôi hôm đó đã tha thiết cầu xin em một lời hứa.

Tạm biệt mẹ con em, tôi quay bước ra về mà lòng trĩu nặng một nỗi buồn. Đường xa hun hút, giữa ban trưa mà tôi thấy tê tái tận tâm can. Dường như có một bàn tay đang bóp chặt trái tim mình.

Hôm sau, tôi tặng em một bộ quần áo cùng một đôi dép, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của tình đoàn kết, sẻ chia trong lớp, phân chia một số bạn có điều kiện hơn thay nhau đến giúp em làm việc nhà và giúp đỡ em trong học tập.

Năm học đó tôi đã trọn vẹn có được em. Cuối năm, tôi đạt danh hiệu lao động tiên tiến bởi lẽ học sinh của tôi ngoan, lớp được cộng điểm.

Thế nhưng qua năm sau nữa, em chính thức nghỉ học, mẹ em đã mất, lớp cũ của tôi thiếu đi một người bạn, trường tôi vắng bóng thêm một học trò. Và câu chuyện về em cũng dần đi vào quá khứ.

Tôi buồn lắm, nhưng đành thầm nghĩ: "Đấy là số mệnh".

Em thức tỉnh trong tôi

Thời gian cứ trôi qua. Tôi tự hứa với lòng sẽ quan tâm đến các em nhiều hơn, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Tôi luôn làm tròn trách nhiệm của mình bằng tình yêu thương, sự cảm thông, thấu hiểu.

Nhưng hình bóng cô học trò người Ê Đê năm cũ vẫn luôn day dứt, trăn trở mãi trong tôi. Tin em lấy chồng, sinh con và cái nghèo mãi đeo bám khiến tôi cảm thấy mọi thứ như đổ xuống sông xuống bể.

Giá như ngày đó tôi nghĩ thoáng hơn, quan tâm đến em thêm chút nữa thì có lẽ cuộc đời em sẽ sang trang mới.

Tôi không phủ nhận tình cảm tôi đã dành cho em cũng như những việc tôi đã làm xuất phát từ tình thương và trách nhiệm. Nhưng kết quả vẫn là con số không, còn tôi đã vội thở phào nhẹ nhõm khi năm học kết thúc mà quên rằng: khi một cánh cửa đã khép lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra.

Và tôi chỉ mãi nhìn về phía cánh cửa đã khép kia mà quên đi cánh cửa tương lai của cuộc đời em mịt mờ phía trước.

Câu chuyện về em như một lời nhắc nhở tôi phải trải lòng mình nhiều hơn nữa trên con đường dạy học, như một nhà giáo từng nói: nghề dạy học không phải là một nghề kiếm cơm thông thường, mà là một thiên chức.

Phải loại bỏ thói ích kỷ. Phải bước qua những khó khăn. Phải đi trên con đường giàu tình yêu thương, sự cảm thông và thấu hiểu.

Để mỗi ngày qua đi là mỗi ngày được sống trong niềm vui và hạnh phúc, để tương lai được rực sáng trong đôi mắt trẻ thơ và để những đạo lý tốt đẹp mãi mãi được lưu truyền, lan tỏa.

Từ ngày 18 đến 21-9, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Trần Văn Tiến, Nguyên Hoàng Anh, Phạm Văn Đắc (TP.HCM); Phạm Đình Được, Mai Mộng Tưởng (Đà Nẵng); Mai Thị Thủy (Đắk Lắk); Phạm Thị Như Hoa (Hải Phòng); Trần Lương Công Khanh (Phan Thiết); Nguyễn Thanh Dũng (Long An).

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc.

Trân trọng.

hb-bank-1537152960892645835775

Đồng hành cùng cuộc thi này

Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi"

* Thể lệ:

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).

* Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.

* Giải thưởng:

Nhất: 30 triệu đồng.

Nhì: 20 triệu đồng.

Ba: 10 triệu đồng.

Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động.

Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, VN. Hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

MAI THỊ THỦY (Đắk Lắk)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên