15/09/2018 11:25 GMT+7

Thằng chăn bò may mắn

KHANG MINH (Cần Thơ)
KHANG MINH (Cần Thơ)

TTO - Gia cảnh nghèo khó, cha nghiện rượu, chịu nhiều đòn roi... Những đứa trẻ ở quê chịu số phận đó không phải hiếm.

Thằng chăn bò may mắn - Ảnh 1.

Và nhiều đứa trẻ lớn lên lại là bản sao số phận của cha mẹ chúng. Nhưng không phải tất cả. Vẫn có những đứa trẻ khác biết vươn lên..

Đó là một ngày chuẩn bị bắt đầu năm học mới. Trong khi bạn bè tôi được cha mẹ dẫn đi mua cặp sách, mua xe đạp đến trường thì tôi vẫn lủi thủi đi cắt cỏ, dẫn bò đi ăn trên con đường lớn của ấp. 

Một người chị bà con chạy xe ngang qua nói nửa đùa nửa thật: "Minh à (tên ở nhà của tôi), tao nghĩ đời mày chỉ có thể đi chăn bò thôi. Chớ nhà mày như vầy thì sao đi học nổi...". 

Tôi giận run nhưng chỉ biết cười giả lả. Chị đi rồi, tôi tần ngần đứng nghĩ: "Lẽ nào mình mãi là thằng chăn bò thật sao?". 

Năm đó tôi 13 tuổi.

Tôi nghĩ cuộc đời mình có thể thay đổi bằng con đường học tập. Từ đó mới có thể thay đổi cuộc sống gia đình, làm chuyển biến tính tình cha tôi. Không có con đường nào khác ngoài đi học

Con bò đưa tôi vào đại học

Trước đây, gia đình tôi nuôi vịt và trồng lúa. Năm 1995-1996, đàn vịt chết sạch, lúa thì mất mùa. Cha tôi và các chú, các bác trong xóm chèo ghe từ Bến Tre qua tận Đồng Tháp mót lúa. Ở nhà, mẹ con tôi sống trong một căn chòi rộng chừng 9m2

Hằng ngày, chúng tôi theo mẹ kéo lưới cá dưới sông sống đắp đổi qua ngày. Ngày nào chủ nợ cũng đến chòi đòi tiền, lúa vừa thu hoạch xong người ta đã mang bao đến đong đem về. Mẹ tôi van xin, khóc lóc vẫn không làm mủi lòng chủ nợ. 

Cha tôi đi mấy tháng đem về được mấy chục bao lúa, trả được phần nào món nợ lúc còn nuôi vịt. Nhưng cuộc sống vẫn quá khó khăn, gia đình tôi phải bỏ xứ về quê ngoại tá túc.

Nhà bà ngoại nhỏ, chỉ có một cái giường. Mẹ mượn cậu tôi thêm một bộ ván, gia đình tôi năm người nằm trên bộ ván đó. 

Cha tôi đi làm đủ nghề: chặt cây, cất nhà, đào đất, phụ hồ... Mẹ thì ra bến ghe phụ người ta lựa tôm cá, sau đó các chủ ghe sẽ cho mẹ vài ký cá mang về. Cuộc sống gia đình đỡ hơn vì anh em tôi không còn thiếu ăn.

Năm tôi học lớp 5, cha quyết định mượn tiền mua một con bê cái. Lúc đó, ở trong ấp tôi không có người nuôi bò nên cỏ mọc mênh mông. Những khi bà con thu hoạch bắp, khoai, đậu... thì nguồn thức ăn cho gia súc rất nhiều. 

Cha tôi tính thế này: mua một con bê, sau vài năm nó đẻ sẽ có lời vì chỉ ăn cỏ. Hằng ngày, sau giờ học tôi đi cắt cỏ cho bê. Buổi chiều, tôi chăn bê đến khi nó ăn no bụng thì về. 

Tôi thường mang theo sách vở để học. Bà con trong xóm đi ngang có người khen ngợi, có người "chọc quê" tôi. Con bê nhà tôi lớn lên rồi đẻ con. Lúc bò có giá, bê con bán hơn chục triệu đồng.

Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, nhưng hai anh em tôi lần lượt vào đại học. Không đủ tiền nuôi hai đứa con nên mẹ đi vay mượn của bà con, rồi đợi đến lúc bán bò con thì trả lại. 

Con bò cái như "cỗ máy in tiền" nuôi anh em tôi học bốn năm đại học. Mỗi lần về quê, tôi lại nhớ về con bò đã già chết. Tôi nhớ những ngày đi chăn bò trước khi thành niên.

Những trận đòn của cha

Mấy năm đó gia đình tôi sa sút, cha tôi uống rượu rất nhiều. Ngày nào cha cũng say, mỗi lần cha say đều đánh mẹ và chúng tôi. 

Tôi không hiểu sao cha thường hay đánh tôi nhất. Mỗi khi nhậu về, cha gọi tôi ra đứng khoanh tay rồi cứ thế đấm đá túi bụi. Cha ngày thường rất hiền, nhưng khi nhậu say thì tính tình thay đổi. 

Những lúc đó, mẹ tôi không dám bỏ nhà đi vì sợ ông đập phá đồ đạc. Anh em tôi cũng ở nhà vì sợ cha mất kiểm soát sẽ đánh chết mẹ, chúng tôi ở nhà để can ngăn cha. 

Cha tôi nhậu quậy có tiếng khắp xã, công an mời ông lên mấy lần nhưng thấy nhà nghèo quá không nỡ phạt, chỉ nhắc nhở. Cha tôi đàng hoàng được vài hôm thì vẫn chứng nào tật nấy. 

Tôi nhớ nhiều lần mẹ tôi vừa khóc vừa nói: "Anh em tụi con ráng học để sau này có nghề nghiệp ổn định, làm nở mày nở mặt cha mấy đứa. Chớ ổng giờ mất uy tín lắm rồi. Ráng đừng theo vết xe đổ của cha...".

Khi bước vào tuổi mới lớn, tôi bắt đầu cảm nhận được sự mặc cảm vì có người cha nghiện rượu, bạo hành vì đi đâu người ta cũng hỏi: "Cha mày còn quậy không?". Người ta chê bai, dè bỉu, diễn tả điệu bộ khi cha tôi say. 

Tôi rất đau khổ! Trong đầu tôi lại quanh quẩn câu nói của người chị bà con: "Minh à, tao nghĩ đời mày chỉ có thể đi chăn bò thôi. Chớ nhà mày như vầy thì sao đi học nổi". Lời chị nói luôn nhắc nhở tôi phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn. 

Nếu không đi học, tôi chỉ có thể sống với nghề nuôi bò hoặc đi làm thuê. Tôi nghĩ cuộc đời mình có thể thay đổi bằng con đường học tập. Từ đó mới có thể thay đổi cuộc sống gia đình, làm chuyển biến tính tình cha tôi. Không có con đường nào khác ngoài đi học.

Tôi là người thành công

Tôi cố gắng học bài thật sớm trước khi cha đi làm về, vì tôi biết chắc chắn cha sẽ say. Tôi luôn thủ sẵn sách vở, quần áo trong cái túi để khi nào cha đánh đuổi mẹ con tôi thì mang theo. 

Tôi chuẩn bị mọi thứ để có thể học bài, để sáng hôm sau đến trường... Tôi không có xe đạp nên đi nhờ bạn, những người bạn tốt luôn đứng đợi tôi ở một đoạn đường nào đó.

Một bữa, đứa bạn cho quá giang xe hỏi tôi: "Sao mặt mày bơ phờ vậy?". Tôi nói dối: "Đêm qua tao thức canh bò đẻ". Thật ra đêm đó cha tôi quậy. Ông đi tìm đánh mẹ con tôi khắp xóm. Mẹ và anh em tôi trốn từ nhà người này sang nhà người khác suốt đêm. 

Tôi từng chạy trốn cha trong cơn mưa đêm, ẩn nấp dưới những luống khoai, vườn ổi... Tôi từng thét gào vì đòn roi vô cớ của cha. Nhưng dù khó khăn và đau đớn thế nào, tôi cũng không bao giờ bỏ học.

Tôi không oán hận cha vì tôi nghĩ mỗi người có những khuyết điểm, tính cách khác nhau. Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo, sống trong cảnh bạo hành suốt tuổi thơ. Nhưng bù lại tôi may mắn được cha mẹ tạo điều kiện ăn học đàng hoàng. 

Cha tôi chưa bao giờ phản đối việc tôi đến trường. Bây giờ anh em tôi là những người thành công trong xóm. Chúng tôi được học đại học, có việc làm với thu nhập khá tại thành phố. Cha tôi vẫn chưa bỏ được rượu, nhưng ông không còn đánh mẹ nữa. 

Có lẽ những lời khuyên của anh em tôi nhiều năm qua đã có tác dụng. Cũng có thể sự thành công của chúng tôi đã làm cha thay đổi bản thân. Nếu ngày đó tôi nản chí, nghỉ học giữa chừng thì có lẽ gia đình tôi đã không được như hôm nay.

Hướng tới tương lai, thay đổi nghịch cảnh

Khi viết những dòng này, tôi muốn gửi gắm đến các bạn đã và đang sống trong một tuổi thơ dữ dội rằng hãy sống với niềm tin hướng tới tương lai, nỗ lực thay đổi nghịch cảnh.

Những giá trị của các bạn tạo ra không những có ý nghĩa với bản thân, mà còn với người thân và mọi người xung quanh như chính cuộc đời tôi!

Từ ngày 7 đến 14-9, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Thị Đẳng, Lê Thị Duôn, Huỳnh Mai Lưu, Trần Thanh Cảng, Trang Ngọc, Nguyễn Phan Bảo Duy, Lê Nữ Kim Cương, Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Quản, Bạch Thị Huệ (TP.HCM); Đinh Thành Trung (Hà Nội); Trần Thị Mỹ Thiệp, Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng); Lê Thị Thu Thanh (Quảng Trị); Võ Thành Sánh (Long An); Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp); Phạm Thị Minh Hạnh (Bình Thuận); Phạm Văn Trung (Cần Thơ)...

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Trân trọng.

hb bank

Đồng hành cùng cuộc thi này

Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi"

* Thể lệ:

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối TuầnTuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).

* Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.

* Giải thưởng:

Nhất: 30 triệu đồng.

Nhì: 20 triệu đồng.

Ba: 10 triệu đồng.

Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động.

Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, VN. Hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Nối dây cho những cánh diều Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Nối dây cho những cánh diều

TTO - Bài báo đầu tiên của thầy giáo Phạm Được không chỉ thay đổi đời ông, đưa ông đến với công việc viết báo nghiệp dư để giúp các học trò nghèo, mà chính những bài báo chân thật, giàu yêu thương của ông đã giúp thay đổi bao nhiêu số phận học trò.

KHANG MINH (Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên