Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân - Ảnh: DANH TRỌNG
Một số bạn đọc thắc mắc về việc hiện đang sử dụng chứng minh nhân dân loại 9 số, 12 số chưa hết hạn hoặc thẻ căn cước 12 số mã vạch (loại không gắn chip) thì có bắt buộc phải chuyển sang thẻ căn cước công dân gắn chip hay không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết hiện nay không có bất cứ văn bản pháp quy nào quy định chấm dứt giá trị sử dụng của thẻ chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mã vạch (không gắn chip).
Do đó các thẻ này vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Với chứng minh nhân dân loại cũ có giá trị sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp. Với các căn cước công dân 12 số mã vạch, thời hạn sử dụng được ghi ở mặt trước của thẻ căn cước.
Tuy nhiên theo đại diện C06, Bộ Công an đang khuyến cáo, vận động người dân nên sớm thực hiện các thủ tục chuyển sang thẻ căn cước công dân gắn chip để sử dụng được thuận tiện, hưởng các lợi ích.
Theo Bộ Công an, thẻ căn cước công dân gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm.
Việc sử dụng căn cước công dân này sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Khi thẻ tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng căn cước công dân gắn chip là có thể thực hiện được các giao dịch…
Thẻ căn cước công dân gắn chip có thể thay thế được cho khoảng 30 loại giấy tờ như giấy phép lái xe, thẻ ATM, thẻ bảo hiểm, sổ hộ khẩu, tạm trú...
Đại diện C06 cũng nêu rõ Bộ Công an đang chỉ đạo các địa phương phấn đấu đến hết tháng 9-2022 sẽ cơ bản cấp đủ căn cước công dân gắn chip cho người dân trong độ tuổi cấp căn cước công dân trên toàn quốc.
Do đó, người dân có thể liên hệ với cơ quan công an các địa phương để thực hiện các thủ tục làm mới hoặc đổi sang căn cước công dân gắn chip một cách dễ dàng.
Đối với các trường hợp bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, luật sư Nguyễn Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, tại điều 21 và 23 của Luật căn cước công dân năm 2014 đã quy định rõ 7 trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ. Cụ thể gồm:
- Khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
- Thẻ căn cước công dân bị hư hỏng không sử dụng được.
- Công dân có thay đổi họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng.
- Công dân xác định lại giới tính, quê quán.
- Thẻ căn cước công dân có sai sót về thông tin.
- Công dân bị mất thẻ căn cước công dân.
- Công dân được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Luật sư Long nói nếu các công dân thuộc 1 trong 7 trường hợp này cần liên hệ ngay với cơ quan công an địa phương để thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Các thẻ căn cước công dân hiện nay Bộ Công an tiến hành cấp là loại mẫu mới có gắn chip và người dân khi làm lại sẽ chuyển sang sử dụng loại này. Với các loại căn cước công dân có mã vạch thì số căn cước được giữ nguyên sau khi chuyển sang căn cước công dân gắn chip.
Mức thu lệ phí làm căn cước công dân gắn chip từ 1-7-2022 trở đi được quy định như sau:
- Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
- Đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
- Cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận