18/11/2019 20:34 GMT+7

Chuyến xe 0 đồng cho bệnh nhân nghèo: thà chở nhầm chứ không để sót

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Người nhà và bệnh nhân ở các bệnh viện Đà Nẵng, Quảng Nam… truyền tai nhau về chuyến xe nghĩa tình mà họ gọi là chuyến xe trong mơ, bởi vừa không mất phí, vừa được hỗ trợ nhiệt tình và có người còn được nhận tiền.

Chuyến xe 0 đồng cho bệnh nhân nghèo: thà chở nhầm chứ không để sót - Ảnh 1.

Chuyến xe nghĩa tình đưa bệnh nhân xuất viện - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Đó là "Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng" của một nhóm thiện nguyện ở miền Trung, mang hi vọng cho không ít người mẹ đơn thân, người già neo đơn, người dân tộc thiểu số khó khăn bệnh tật.

Tận tâm như người thân

Hơn 14h một ngày cuối tháng 10, trời mưa như trút nước. Ở sảnh Bệnh viện Đà Nẵng, chiếc xe bảy chỗ đợi sẵn. Chàng trai mặc áo vàng bế bệnh nhân gãy đốt sống cổ, liệt nửa người vào xe.

Dãy ghế được hạ xuống, lót sẵn chiếc nệm. Một chàng trai khác lanh lẹ nhảy lên từ cửa trước, rút chiếc gối kê dưới đầu người bệnh. "Bác thấy thoải mái chứ ạ? Ổn rồi thì mình về nhà thôi" - anh hỏi người bệnh và ra hiệu cho một thành viên khác ngồi trước vôlăng. Trên thân chiếc xe chầm chậm rời cổng bệnh viện có dòng chữ: "Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng hỗ trợ bà con nghèo không có tiền thuê xe chuyển viện - nhập viện - xuất viện".

Hình ảnh đó đã bắt đầu quen với nhiều người ở các bệnh viện tại Đà Nẵng, Quảng Nam từ tháng 9 đến nay. Đã có hàng chục chuyến xe tỏa đi và đổ về đến từng thôn xóm xa xôi tít Quảng Ngãi, lên những vùng núi hiểm trở Quảng Nam, ra Huế...

Người lập chuyến xe nghĩa tình này là anh Hồ Ngọc Thanh, chàng trai Đà Nẵng 34 tuổi có "thâm niên" hơn 8 năm làm thiện nguyện. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ Bếp cơm vạn tình với các quỹ góp gạo, dựng nhà, hỗ trợ chi phí mổ tim cho trẻ em nghèo..., anh Thanh luôn ấp ủ kết nối những chuyến xe thiện nguyện giúp vơi bớt gánh nặng cho những gia đình khó khăn có người đau ốm.

Khi anh chia sẻ ý định với những người cùng yêu mến công tác thiện nguyện, ngay lập tức được hưởng ứng. Thế là chuyến xe 0 đồng bắt đầu từ năm chiếc loại 4-7 chỗ tăng lên đến 10 chiếc, thường xuyên túc trực để hỗ trợ khi có bệnh nhân cần. 

Nhóm có hơn 20 thành viên hoạt động thường xuyên. Không chỉ ở Đà Nẵng, anh Thanh bắt đầu kết nối thêm nhiều thành viên ở các tỉnh thành từ Huế vào Quảng Ngãi, chủ động và nhanh chóng đưa bệnh nhân nhập và chuyển viện sớm nhất.

Để chuyến xe hỗ trợ đúng người khó khăn, trước mỗi ca cần chuyển bệnh miễn phí, ban chăm sóc của nhóm sẽ xác nhận hoàn cảnh bệnh nhân qua chính quyền địa phương và bệnh viện. Nhóm phải chắc chắn bệnh nhân được bác sĩ cho di chuyển bằng xe bình thường. 

Chi phí cho mỗi chuyến xe từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, đều lấy quỹ trích từ hoạt động kinh doanh của anh Thanh. Trong quá trình vận chuyển, chương trình còn chi quỹ hỗ trợ thêm một khoản tiền nhỏ động viên tinh thần với những trường hợp bệnh nhân quá khó khăn.

Chuyến xe 0 đồng cho bệnh nhân nghèo: thà chở nhầm chứ không để sót - Ảnh 2.

Anh Thanh (giữa) tìm gặp anh Nhật và chị Minh - đôi vợ chồng bán nhà mua xe chở bệnh nhân ở TP.HCM - để xin kinh nghiệm vận hành chuyến xe 0 đồng - Ảnh: NVCC

Lựa chọn "đeo ách giữa đàng"

Đã có nhiều năm làm thiện nguyện, anh Thanh vẫn thấy khó khăn khi vận hành chuyến xe 0 đồng. Anh tâm sự: "Khó khăn lớn nhất là việc phải xác nhận hoàn cảnh bệnh nhân sao cho thật chính xác và nhanh chóng nhất. Bởi nếu anh em bỏ thời gian công sức ra giúp mà vô tình lòng tốt bị lợi dụng thì buồn lắm. Nhiều người thực tế không quá khó khăn nhưng vẫn liên hệ, có thể làm mất đi cơ hội của những người thực sự cần chuyến xe này".

Nói là thế nhưng với các thành viên trong nhóm, lắm lúc họ đặt con tim vào ánh mắt người nhà và bệnh nhân, để quyết "thà chở nhầm chứ không để sót". Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (39 tuổi, thành viên chuyến xe) cùng anh Tuấn Lê đã đồng hành khoảng 20 chuyến chở bệnh nhân, có không ít lần bỏ qua sự canh đếm để nhận lại cảm xúc vỡ òa và xúc động trước ánh mắt bệnh nhân.

Có không ít cuộc gọi từ người nhà bệnh nhân mà sức khỏe người bệnh quá nặng hay những ca bệnh không qua khỏi, xe của nhóm không đảm bảo được, các thành viên chỉ biết động viên và bỏ tiền túi hỗ trợ chi phí để gia đình thuê xe. 

Canh cánh trước việc phải từ chối nhiều cuộc gọi như thế, anh Thanh dự tính: "Tôi đang xin giấy phép, thủ tục để mua thêm xe cứu thương, tính toán việc kết nối với y tá, bác sĩ tình nguyện theo xe, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân để chở những trường hợp bệnh nặng. Việc biến chiếc xe bán tải thành xe chở những người đã mất về quê cũng là một dự định tôi đang ấp ủ".

Sau vài chục chuyến xe 0 đồng, nhóm cũng nhận được không ít sự nghi ngờ khiến họ đôi khi cảm thấy chạnh lòng. Nhưng các thành viên vẫn tâm nguyện dù khó khăn cũng không nản chí, động viên nhau quyết duy trì chuyến xe lâu dài. 

Hỏi họ cớ gì chọn "đeo ách giữa đàng", những người trẻ ấy đều nở nụ cười. Họ bảo rằng chỉ mong sao giúp được người bệnh một phần lúc họ ngặt nhất để họ có động lực vượt qua quãng đường khó khăn.

Chị Trần Cao Thanh Bình (phó phòng công tác xã hội Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng) cho biết từ khi có chuyến xe nghĩa tình, bệnh viện đã kết nối giúp đỡ nhiều bệnh nhân khó khăn. 

"Nhiều bệnh nhân bệnh nặng, đặc biệt người dân tộc thiểu số không chịu tới bệnh viện điều trị chỉ vì không có tiền đi xe. Với những bệnh nhân đi bệnh viện một lần, chuyến xe có thể chỉ giúp họ lúc ngặt nhất, nhưng với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y, ung thư cần điều trị lâu dài, chuyến xe này góp phần lớn cứu sống họ. Không có chuyến xe, nhiều người khó khăn chọn bỏ cuộc vì không có chi phí đi lại. Chuyến xe không chỉ tạo điều kiện mà còn là động lực lớn cho những trường hợp này" - chị Bình nói.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Như Ngọc ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi chăm bệnh người dưng khiến các thành viên trong chuyến xe nghĩa tình ghi nhớ mãi. Vì thương gia cảnh cụ bà Phạm Thị Trung neo đơn, bệnh tật, chị Ngọc tình nguyện đưa bà ra Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc hơn nửa tháng trời.

"Bà bị liệt nửa người, cộng thêm viêm loét dạ dày và nhiều bệnh hiểm nghèo. Chuyến xuất viện trước tôi phải ẵm bà trên tay cùng với túi đồ từ phòng bệnh ra đường đợi bắt xe khách từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi. Bà không có tiền bạc gì cả, tôi cũng không mấy dư dả nên không thể thuê xe đưa bà về quê. May quá, nay có chuyến xe nghĩa tình" - chị Ngọc cho biết.

Những chuyến xe chở niềm vui sum họp Những chuyến xe chở niềm vui sum họp

TTO - Còn hơn chục ngày nữa mới tới ngày lên xe nhưng cầm phiếu nhận vé về quê trên tay với một túi quà có bánh mứt tết, nước ngọt và cả mắm muối thì niềm vui ngày tết dường như đã đong đầy trong nụ cười của công nhân và con em họ.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên