02/01/2023 12:37 GMT+7

Chuyện về những hàng thông cổ thụ đẹp mê ly ở Gia Lai

Nhiều du khách đến phố núi Gia Lai đều tìm về hàng thông trăm năm tuổi. Những tán xanh đại thụ như một cánh cổng lớn rợp bóng giữa đồi trà xanh đẹp đến nao lòng.

Chuyện về những hàng thông cổ thụ đẹp mê ly ở Gia Lai - Ảnh 1.

Sắc màu tình yêu dưới hàng thông đẹp lãng mạn

Hàng thông trăm tuổi này tọa lạc trên con đường nhỏ qua thôn 1, xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, Gia Lai). Vừa đến đầu làng, nhìn xa xa về phía chùa Bửu Minh, dưới ánh nắng lá thông ngả màu vàng óng ánh. Những "cụ" thông khổng lồ với "làn da" xù xì, khiến du khách mê mẩn với vẻ đẹp mộc mạc đơn sơ.

Trồng từ thời Pháp mở đồn điền

Men theo tuyến đường liên thôn dưới bóng thông đại thụ, những tia nắng vàng nhấp nhoáng xuyên kẽ lá rọi xuống mặt đường. Chúng tôi tìm đến nhà bà Hồ Thị Mận (83 tuổi), một người già nhất nhì trong thôn. Dù đã tuổi xế chiều, bà Mận còn khá minh mẫn, buông nắm cỏ dại vừa nhổ từ chậu hoa trước sân chào khách. Bà cho hay hàng thông đại thụ trong thôn được trồng từ thời Pháp thuộc, lớn hơn tuổi mình...

"Sau năm 1975, tôi rời Thanh Hóa vào làm công nhân ở nông trường trà Biển Hồ. Thời điểm đó, hàng thông này đã to lớn chừng hơn một người ôm, nhiều người lúc đó nói chúng đã phải hơn nửa thế kỷ rồi, và đến nay phải hơn ba người nối tay có khi còn không hết. Người dân thấy to lớn nên gọi là hàng thông trăm tuổi", bà Mận nhớ lại.

Theo bà Mận, bấy giờ người dân trong vùng mãi tất bật mưu sinh trong guồng quay cuộc sống ở Xí nghiệp trà Biển Hồ, chỉ xem hàng thông này là chốn để trẻ con vui chơi, chạy nhảy hay nghỉ mát những trưa hè chứ không biết có giá trị du lịch. Theo dòng chảy thời gian, nơi này như khoác lên mình "dải lụa", thơ mộng và bình yên chốn thôn quê. Cũng chẳng biết tự bao giờ cái vẻ đơn sơ mộc mạc của những buổi chiều tà hay sương sớm đã níu được chân du khách đổ về nườm nượp.

Chuyện về những hàng thông cổ thụ đẹp mê ly ở Gia Lai - Ảnh 2.

Góc nên thơ của đường thông cổ thụ - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Men theo vườn trà xanh mơn mởn, chúng tôi gặp ông Phan Văn Đồng, người từng làm đội phó nông trường ngày ấy. Nói về hàng thông có niên đại hơn một thế kỷ này, ông Đồng vẫn nhớ rõ sau năm 1975 đồn điền chè do quân đội Việt Nam tiếp quản. Lúc đó, lãnh đạo hỏi những cai đồn điền chè của Pháp thời bấy giờ để làm tư liệu truyền thống cho nông trường về sau.

"Họ có nói đến hàng thông được trồng từ năm 1921, khi Pháp đặt chân đến mở đường, khai phá trồng lô trà đầu tiên. Thông tin này được đưa vào diễn văn, tài liệu tổ chức kỷ niệm ngày thành lập nông trường hằng năm. Những người Việt làm công nhân trồng trà cho Pháp đến năm 1975 vẫn còn khỏe, tiếp tục làm công nhân cho nông trường...", ông Đồng bộc bạch.

Hàng thông già rêu phong, xù xì với đường kính thân gốc từ 0,8 - 1,5m, cao vút tỏa tán rộng khắp con đường. Trên mỗi "cụ" thông được gắn biển đánh số 1 - 90 và biển cấm chặt phá hay cạo vỏ khô trồng lan.

Chuyện về những hàng thông cổ thụ đẹp mê ly ở Gia Lai - Ảnh 3.

Những gốc thông 100 năm tuổi

"Con đường Hàn Quốc" giữa Tây Nguyên

Cung đường thông trăm tuổi gần đây được nhiều bạn trẻ yêu mến ưu ái đặt tên "con đường Hàn Quốc", bởi khung cảnh nên thơ không kém cạnh những thước phim lãng mạn. Những ngày cuối năm có hàng trăm lượt khách đến tham quan chụp ảnh dưới tán thông. Con đường dẫn từ đầu thôn 1 đến hàng thông đại thụ, xe cộ tấp nập đến kẹt cứng đường.

"Những ngày cuối tuần ở đây thường đông như vậy" - anh Lê Trung Nhật, thợ chụp ảnh, nói vọng lại. Theo anh Nhật, tháng 3 là thời điểm lý tưởng để cho ra nhiều bức hình đẹp nhất. Khí hậu mát mẻ, không nắng gắt. Anh đã thực hiện nhiều bộ ảnh cưới tại đây.

"Hàng thông này là địa điểm không còn xa lạ với các studio. Lựa chọn ưu tiên của những người làm nghề nhiếp ảnh chúng tôi. Đến nay vẫn hot, được đông đảo du khách, bạn trẻ và những đôi vợ chồng đến ghi lại hình ảnh đẹp làm kỷ niệm. Trung bình một năm tôi chụp hàng trăm bộ ảnh cho khách tại hàng thông trăm tuổi này, riêng hình cưới có đến hơn 100 bộ", anh Nhật vui vẻ nói và cho biết thêm hàng thông này được gọi là "con đường Hàn Quốc" bởi cảnh vật giống đường phố "xứ sở kim chi". Hơn nữa màu lá thông già dễ dàng hậu kỳ hình ảnh có tông màu... "như phim Hàn".

Giới nhiếp ảnh cho biết hàng thông đẹp nhất vào buổi sáng sớm, khi bình minh vừa ló dạng, thoáng thấy lớp sương mờ. Hay chiều tà khiến tán thông đổi màu cũng ấn tượng không kém. Cùng với đó, hàng thông đại thụ nằm gần với những địa điểm như bãi dê, đập Tân Sơn, đồi trà xanh thẳng cánh cò bay...

Ông Huỳnh Trọng Quang, chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, cho biết nhiều năm qua hàng thông cổ thụ đã trở thành điểm thu hút khách du lịch đổ về tham quan. Từ đó, một số hộ dân xung quanh đã mở quán cà phê đáp ứng nhu cầu của khách. Hiện nay tỉnh và huyện đã có phương án kêu gọi đầu tư chuỗi du lịch kết nối chùa Bảo Minh, núi lửa Chư Đăng Ya... Những địa điểm này có tiềm năng phát triển, tạo cơ hội cho người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

"Người dân đang mong muốn đầu tư du lịch vào địa phương để kéo theo phát triển kinh tế. Hy vọng có nguồn vốn đầu tư nâng tầm du lịch, thu hút du khách hơn, từ đó đời sống người dân cũng phát triển hơn", ông Quang bày tỏ.

Chuyện về những hàng thông cổ thụ đẹp mê ly ở Gia Lai - Ảnh 4.

Nhiều bạn trẻ, du khách rất thích chụp ảnh kỷ niệm dưới tán thông cổ thụ này - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Nơi lưu giữ tuổi thơ

Ông Huỳnh Trọng Quang, chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, cho biết nhằm gìn giữ cảnh quan níu chân du khách trở lại địa phương, đơn vị đã gắn các biển đánh số thứ tự trên 90 cây thông đại thụ, tránh kẻ gian phá hoại. Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân phối hợp với Công ty cổ phần trà Biển Hồ quan tâm bảo vệ hàng thông.

"Trước đây, hàng thông cổ thụ do Công ty trà Biển Hồ quản lý, đó là tài sản của đơn vị qua các thời kỳ. Người dân cùng bảo vệ vì bóng mát che chở họ suốt hàng chục năm làm công nhân nông trường. Tán xanh cổ thụ này cũng là nơi lưu giữ tuổi thơ của nhiều thế hệ con em trong xã", ông Quang nói.

Chuyện về những hàng thông cổ thụ đẹp mê ly ở Gia Lai - Ảnh 5.

Hàng thông già vẫn xanh tươi giữ đồng trà Gia Lai - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Suýt bị cưa bán

Theo ông Phan Văn Đồng, thời kỳ đổi mới năm 1991 - 1992, Công ty trà Biển Hồ gặp nhiều khó khăn. Dân nghèo khổ, công ty không đủ tiền trả lương cho công nhân. Ban lãnh đạo công ty tính bán hàng thông này. Tuy nhiên khi cưa hạ được vài cây, công đoàn công ty kịp thời ngăn lại, cùng nhau gìn giữ bảo vệ đến hôm nay.

"Thời đó có cái gì bán được là bán hết để có tiền trả cho công nhân, bao gồm cả hàng thông cổ thụ. Khi cưa hạ khoảng 7 - 8 cây, ông Đào Phú Ân lúc đó là chủ tịch công đoàn biết sự việc lập tức ngăn cản. Nếu ngày đó không có người ngăn cản thì không có hàng thông đại thụ như hôm nay", ông Đồng kể.

Kawa Wandi của Hội AnKawa Wandi của Hội An

Một cặp vợ chồng trong hành trình du lịch khắp nơi, khi đến và chứng kiến cuộc sống quá dễ thương ở Hội An, họ đã quyết định dừng cuộc rong chơi để sống lâu dài tại phố cổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên