29/12/2022 09:43 GMT+7

Nuôi cua... đua

QUỐC RIN
QUỐC RIN

Nghề mới: nuôi cua đua, người dân Cà Mau vừa trình làng một trường đua độc nhất vô nhị với các vận động viên cua...

Video: Đua cua tốc độ lần đầu diễn ra ở Cà Mau

Nuôi cua... đua - Ảnh 2.

Người dân nuôi cua khấp khởi mừng. Cua Cà Mau giờ không chỉ là đặc sản hấp bia mà còn là “ngựa chiến” trường đua - Ảnh: QUỐC RIN

Tôi đem cua cái đi thi vì mấy nàng cua vừa lanh vừa nhanh, đố mấy ông cua đực rượt kịp. Tôi dám cá môn thể thao đua cua này thì giống cái mới dễ thắng lớn.

"Bầu" Phạm Tý Nị

Nhắc tới cua Cà Mau, người ta nghĩ ngay đặc sản hảo hạng. Nhưng chỉ như thế thì chưa đủ, dân Cà Mau còn mới trình làng một trường đua độc nhất vô nhị với các vận động viên cua mà kịch tính đã khiến người xem cười bể bụng. Và rồi xuất hiện nghề mới: nuôi cua đua.

Còn nhớ năm 2019, ông Peerapol Triyakasem - chủ tịch Vietnam Center in Thailand, chủ tịch Công ty du lịch Virgo Solution, một chuyên gia du lịch - khi đến Cà Mau đã gợi ý tưởng độc đáo: "Tại sao Cà Mau không làm ngày lễ hội tôn vinh con cua Cà Mau, một sản vật thượng hạng".

Nhanh như... cua

Do dịch dã, ý tưởng ấy mãi đến năm 2022 Cà Mau mới thực hiện được. Nhưng nếu ngày hội cua chỉ có cua và món ăn từ cua thì bình thường quá. Phải làm gì đó cho có điểm nhấn, cho con cua Cà Mau được dịp bung xõa hết sức hấp dẫn. Rà tới lui, Cà Mau từng có trường đua thương hiệu độc quyền như đua vỏ lãi. Vậy thì đua cua, tại sao không? Thế là một môn thể thao hoàn toàn mới đã ra đời.

Con cua 8 cẳng 2 càng sống ở xứ rừng biển Cà Mau thì lanh, khỏe khỏi phải bàn. Nó chỉ thua con người khi đã nằm hang hoặc mê mồi mà dính rập, dính câu. Bằng không, con người có nhanh, có khéo mấy cũng không dễ bắt dính cua ở bãi sình, sông rạch. Vậy thì trường đua cua ở Cà Mau đã đảm bảo được yếu tố then chốt nhất, đó chính là tốc độ.

Ông Võ Trọng Nguyện (huyện Năm Căn), một "ông bầu" có vận động viên cua tham dự trường đua, tếu táo: "Thì đó, cá ở dưới nước mà cua còn bắt ăn được, tôi đố ông nào giỏi mà rượt kịp con cua khi nó chạy". Nhưng quan trọng hơn, theo lời ông Nguyện, cua Cà Mau sống ở điều kiện hoàn toàn tự nhiên, vừa khỏe, vừa dữ, vừa dạn người. Nếu tình cờ gặp cua ngoài đồng bưng, sông bãi, con cua cũng không ngần ngại giơ càng, thủ thế, thị uy sức mạnh với con người. Thế nên các vận động viên cua Cà Mau luôn có cái tự tin, sức vóc để trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Nhìn các vận động viên cua Cà Mau trước giờ G, ở từng hạng cân (300gr, 400gr và 500gr) đều trong tâm thế háo hức, phong thái đĩnh đạc trước khi thi chạy mà ham. Những ông, bà "bầu" có cua tham dự cuộc đua đều là nông dân chánh cống, am hiểu con cua tường tận. Bầu Võ Văn Ân (huyện Đầm Dơi) tiết lộ: "Cua đua hạng "lông" là gay cấn nhất. Nó nhỏ nhưng chạy xé gió luôn". Cuộc thi bố trí cho mỗi "bầu" một cái roi nhỏ, vận động viên cua nào nhát quá hoặc thờ ơ quá thì được "thọt" nhẹ để bắt nhịp trận đấu. Điều đáng nói là cua thi chỉ quan tâm tới hạng cân, còn cua đực hay cua cái đều được thỏa sức phô diễn tài năng. Chưa có môn thể thao nào mà tinh thần dân chủ, fairplay, cạnh tranh sòng phẳng lại được đề cao như đua cua ở Cà Mau. Bà "bầu" Phạm Tý Nị (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi) hào hứng: "Tôi đem cua cái đi thi vì mấy nàng cua vừa lanh vừa nhanh, đố mấy ông cua đực rượt kịp. Tôi dám cá môn thể thao đua cua này thì giống cái mới dễ thắng lớn".

Nuôi cua... đua - Ảnh 4.

"Vinh danh" vận động viên cua chiến thắng - Ảnh: Q.R

Đến luyện cua đua

Để đảm bảo an toàn và gia tăng tốc độ, các vận động viên cua đều được trói càng lại. Điều này không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thi, tương tự như các vận động viên khi thi đấu chuyên nghiệp phải có các dụng cụ chuyên dùng bảo hộ. Nhưng để có một vận động viên cua đua cũng không hề dễ dàng. Các ông, bà "bầu" đã mất hàng tháng trời để đào tạo, huấn luyện những con cua chiến của riêng mình.

"Bầu" Nguyễn Minh Hiển (huyện Năm Căn), có vận động viên cua vô địch nội dung 300gr, tiết lộ: "Cua thi đấu cũng phải được lựa chọn, rèn luyện dữ lắm. Ban đầu phải coi tướng tá cho được, phải là cua tự nhiên, rồi tiến hành các bước tập luyện". Quy trình tập luyện của các vận động viên cua đua cũng lắm gian truân. Cua có năng khiếu được nuôi ở ao, bể riêng. Khi cho ăn, người ta chỉ thả cá sống để cua tự bắt, chứ không thả mồi chết để rèn luyện phản xạ cho cua. Để tập cho cua dạn người, hằng ngày chủ cua phải đem cua lên tắm nắng, thả vào đường chạy mô hình và kiểm tra thành tích. Cũng theo ông Hiển, chọn hàng chục con, chỉ có một vài con là ưng ý.

Để đảm bảo hạng cân, các vận động viên cua cũng phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cua nào ham ăn, lớn quá thì bị loại; con nào không ăn được mồi, yếu sức thì cũng không được lựa chọn. 

Càng đến gần ngày thi, con cua phải càng được chú ý chăm sóc. "Bầu" Võ Văn Ân (huyện Đầm Dơi), có cua vô địch hạng cân 400gr, cho biết: "Phải chăm sóc để con cua có tinh thần ổn định trước khi thi. Chúng cũng có tánh nết riêng, con nào hung dữ quá cũng không được, mà hiền quá cũng không hay. Khi thử thi đấu, tôi lựa chọn cua có phong độ chạy ổn định, ít bị phân tán bởi các yếu tố bên ngoài".

Trong một trường đua mà con cua Cà Mau nào cũng muốn nhanh nhất, khỏe nhất, tài giỏi nhất, tỏa sáng nhất theo cách rất... Cà Mau. Những ông, bà "bầu" thắng lợi thì khoe chiến tích, vừa cười vừa ẵm giải với sự ngưỡng mộ của đông đảo khán giả. Những "bầu" chưa có kết quả tốt nung nấu quyết tâm sẽ trở lại ở mùa giải sau. 

Tất cả các vận động viên cua tham gia có những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với đồng loại của mình. Các ông, bà "bầu" đều thống nhất sẽ mang các con cua chiến của mình về để tiếp tục nuôi hoặc trả về môi trường tự nhiên, không ai nỡ… đem hấp bia.

Cũng từ đây, có lẽ một nghề mới ở Cà Mau sẽ được hình thành: nuôi cua đua. Mà trong lĩnh vực này, dám chắc rằng không ở đâu có thể sánh với dân Cà Mau về sự am hiểu, tình cảm dồi dào cùng sự tự hào sản vật thân thương. Theo nguồn tin bên lề, giải đua cua ở Cà Mau không chỉ được tiếp tục duy trì mà còn sẽ nâng cấp cả về quy mô thành giải đua cua mở rộng.

Cua Cà Mau sẽ tiếp tục trình làng những ông, bà "bầu" giàu kinh nghiệm cùng các thế hệ vận động viên 8 cẳng 2 càng mới, hứa hẹn những đỉnh cao thành tích tiếp tục được thiết lập.

Nuôi cua... đua - Ảnh 5.

Những cú chạy nước rút thần sầu của các vận động viên cua Cà Mau

Lò luyện cua đua

Quy trình tuyển chọn, tập luyện cua đua của nông dân Cà Mau hết sức kỳ công, tỉ mẩn. Những vận động viên cua được nuôi dưỡng, chăm sóc, rèn luyện phản xạ ở không gian riêng biệt dựa vào kinh nghiệm và sự am hiểu của người dân. Một số "bầu" nuôi cua đua ở khu vực ao, bể riêng từ nhỏ, tránh cho cua "đánh nhau". Tuy nuôi mà vẫn phải đảm bảo là con cua được sống trong môi trường tự nhiên, thỏa sức vận động để phát triển cả trọng lượng và kỹ năng thi đấu.

Những "bầu" có điều kiện hơn thì làm mô hình trường đua, hằng ngày ghi lại các thông số về trọng lượng và thành tích thi đấu thử của từng vận động viên cua, qua đó tuyển chọn những vận động viên có thông số tốt nhất. Một bí quyết cốt lõi của các "bầu" cua là cho cua ăn mồi sống theo giờ giấc cố định, để cua vận động và dạn người.

Với môn đua cua thì cua cái, cua yếm vuông có nhiều lợi thế vì phản xạ nhanh nhạy, tốc độ chạy cũng trội hơn so với cua đực.

Trao giải thưởng cho cua biển lớn nhất Cà Mau nặng gần 1,5kg Trao giải thưởng cho cua biển lớn nhất Cà Mau nặng gần 1,5kg

Con cua biển lớn nhất Cà Mau đã mang về cho chủ nhân 15 triệu đồng. Ngoài ra, 69 món ăn được chế biến từ cua biển Cà Mau cũng đã xác lập kỷ lục Việt Nam. Lẩu mắm U Minh cũng được nhận bằng kỷ lục châu Á.

QUỐC RIN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên