31/03/2019 10:35 GMT+7

Chuyện người khiếm thị cầm đèn đi đường

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tôi cầm đèn không phải nhìn đường, mà để những người mắt sáng thấy mà tránh tôi. Cẩn thận, cẩn thận cho chính mình và cho mọi người. Cả tài xế lẫn người đi đường. Một sự cẩn thận đáng suy nghĩ.

Chuyện người khiếm thị cầm đèn đi đường - Ảnh 1.

Minh họa: Thành Phong

Ra đường lắm lúc rất sợ, mình đi đứng cẩn thận nhưng có kẻ ẩu, rồi mình cũng vạ lây - những lời ta thán đó ngày càng nhiều, trong khi gần đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông lẽ ra được xem là cực kỳ hi hữu.

Như vụ xe khách đâm đoàn người đưa tang làm 7 người thiệt mạng ở Vĩnh Phúc. Hay vụ xe ben lao vào tông sập nhà làm chết hai vợ chồng khi đang ngủ ở Bình Phước...

Điều gì đang xảy ra khiến những vụ tai nạn thảm khốc mang tính hi hữu lại diễn ra liên tục?

Lý giải điều này, có người cho rằng tai nạn giao thông tăng tỉ lệ thuận với số ôtô mà người dân sở hữu. Nhưng với gần 95 triệu người nhưng nước ta mới có hơn 3,8 triệu ôtô - quá ít so với nhiều nước trên thế giới, lý giải này có vẻ chưa ổn.

Có người nghiêng về lý do đào tạo lái xe không tốt, nghi vấn mua bằng, học cho có, học đối phó... diễn ra ở nhiều nơi.

Nhưng thực tế lại khác, ngoài một số trường hợp tài xế mới lấy bằng, phần lớn người gây tai nạn là tài xế chuyên nghiệp lái xe khách, xe chở container đã có thâm niên cầm lái mới được học nâng hạng bằng lái để được phép lái những loại xe này.

Thống kê của Tổng cục Đường bộ cho thấy trong 11 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào tháng 2-2019, thâm niên lái xe trung bình của các tài xế liên quan là 7 năm.

Cũng có luồng ý kiến cho rằng do áp lực của chủ doanh nghiệp, vì mưu sinh nên đành chấp nhận lái xe với cường độ cao, ít nghỉ ngơi.

Cũng có lý do tài xế lái xe chuyên nghiệp nhưng lại hành nghề không chuyên nghiệp, dễ dãi với bản thân khiến xảy ra những vụ tai nạn đầy thảm khốc, khiến ngay những người đang ngủ, đang đi bộ ở lề đường bỗng chốc qua đời đầy oan uổng.

Nhưng lý giải này cũng không thể đứng vững, bởi ngay từ lúc đi học lái xe, các học viên thường được thầy giáo dặn dò: làm chủ tốc độ, tập trung quan sát, lường trước tình huống thì sẽ không gây tai nạn...

Chưa hết, không ít tài xế còn dán lên xe lời răn "Nhớ về mẹ, con nhè nhẹ tay ga. Thương về cha, con giảm ga về số" như lời nhắc nhở phía trước vôlăng là sinh mạng người khác, phía sau vôlăng là sinh mạng của mình, của hành khách và người thân trong gia đình.

Nguyên nhân gây tai nạn giao thông, kể cả tai nạn hi hữu ngày càng nhiều, các biện pháp chấn chỉnh cũng đã có, nhưng mục tiêu kéo giảm số tai nạn vẫn là đường dài chưa có đích đến.

Trong khi chờ cơ quan quản lý siết lại việc cấp phép lái xe, quản lý của nhà xe, nâng cấp hạ tầng giao thông... có lẽ "tự cứu mình" vẫn là cách tốt nhất.

Tự cứu thế nào? Hãy cẩn thận, cẩn thận cho chính mình và cho mọi người. Cả tài xế lẫn người đi đường cùng phải cẩn thận như nhau, cẩn thận nhiều hơn nữa.

Như câu chuyện người khiếm thị đi trên đường trong đêm tối vẫn cầm đèn trên tay. Khi được hỏi lý do vì sao lại cầm đèn, người này trả lời: tôi cầm đèn không phải nhìn đường, mà để những người mắt sáng thấy mà tránh tôi. Một sự cẩn thận đáng suy nghĩ.

Đường về miền Tây xa lắm...! Đường về miền Tây xa lắm...!

TTO - Điểm nghẽn giao thông cũng là điểm nghẽn của nền kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long thật gần, như ở ngay cạnh TP.HCM đấy thôi, nhưng từ Cần Thơ đi TP.HCM chưa đầy 200km mà mất 3-4 giờ, làm sao nhà đầu tư đến được khi hạ tầng như vậy!?

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên