25/03/2019 10:07 GMT+7

Đường về miền Tây xa lắm...!

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Điểm nghẽn giao thông cũng là điểm nghẽn của nền kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long thật gần, như ở ngay cạnh TP.HCM đấy thôi, nhưng từ Cần Thơ đi TP.HCM chưa đầy 200km mà mất 3-4 giờ, làm sao nhà đầu tư đến được khi hạ tầng như vậy!?

Đường về miền Tây xa lắm...! - Ảnh 1.

"Không giải quyết hạ tầng giao thông, đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long không bao giờ phát triển được" là chia sẻ của Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung.

Còn tại TP.HCM, dự báo đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ không còn... cao tốc vào ngày cuối tuần. Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn "kẹt trên trời, dưới đất, cả trong lẫn ngoài"...

Đó là điển hình về điểm nghẽn giao thông được Tuổi Trẻ phản ánh.

Điểm nghẽn giao thông cũng là điểm nghẽn của nền kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long thật gần, như ở ngay cạnh TP.HCM đấy thôi, nhưng ông Trần Quốc Trung than thở "từ Cần Thơ đi TP.HCM chưa đầy 200km mà mất 3-4 giờ, sao nhà đầu tư đến được khi hạ tầng như vậy!?".

Đường sá cách trở đã góp phần khiến đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành nhưng thu ngân sách chỉ bằng... Bình Dương (khoảng 50.000 tỉ đồng), phần lớn phải nhận chi viện từ ngân sách trung ương.

Khu vực phía Nam là nơi đầu tiên có đường cao tốc (TP.HCM - Trung Lương), nhưng đường về miền Tây luôn trắc trở.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công từ năm 2009 đến nay vẫn ngổn ngang. Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn đang chọn nhà đầu tư. Ngay đường cao tốc Long Thành - Bến Lức nối miền Tây với miền Đông không phải đi qua TP.HCM cũng đang chậm tiến độ.

Còn với Tân Sơn Nhất, việc chậm triển khai kết nối giao thông vào sân bay, xây thêm nhà ga sẽ kìm hãm sự phát triển của TP.HCM và cả khu vực phía Nam. Tiến độ mở rộng sân bay không khẩn trương như kỳ vọng của bao người...

Hạ tầng giao thông phải đi trước cho kinh tế phát triển. Vì thế mới có những quy hoạch với tầm nhìn cho nhiều năm sau. Nhưng nhiều quy hoạch bị phá vỡ bởi tiến độ thực hiện khiến hạ tầng giao thông "lạch bạch" chạy theo sau, cản trở nền kinh tế phát triển.

Chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế xoay quanh 7%/năm, nhưng lại nhốt một cơ thể tràn trề sức phát triển trong hệ thống đường giao thông chật hẹp.

Việc mở rộng quốc lộ 1 trong giai đoạn 2011 - 2015 với hàng loạt trạm BOT tuy để lại nhiều tai tiếng nhưng tạm đáp ứng đà phát triển của nền kinh tế khi đó.

Nay chúng ta cần hệ thống giao thông quy mô hơn, cả đường cao tốc lẫn nhà ga, sân bay mới và không được phép chậm tiến độ.

Đã có thống kê đến năm 2020 nếu không có đường cao tốc, giao thông tuyến Bắc - Nam rơi vào quá tải cả vận tải hàng hóa lẫn hành khách. Thậm chí một số đoạn có đường cao tốc rồi, một ngày rất gần phải tính đến chuyện mở rộng để không phải "bò" trên đường cao tốc.

Yêu cầu là như thế nhưng với căn bệnh kinh niên chậm tiến độ của các dự án giao thông, rất lo cho dự án sân bay Long Thành và 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông (tổng chiều dài 654km, đi qua 13 tỉnh, thành phố).

Đủ thứ khó. Không chỉ xoay vốn, khó "nhằn" nhất vẫn là giải phóng mặt bằng. Trong tuần qua, Chính phủ đã ban hành chỉ thị về giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc - Nam, nhấn mạnh phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để dự án hoàn thành vào năm 2021.

Mọi việc mới chỉ bắt đầu nhưng nếu tiếp tục để căn bệnh chậm tiến độ hoành hành, giao thông ách tắc, không khéo sẽ có thêm nhiều địa phương phải than thở như ở đồng bằng sông Cửu Long, "Cần Thơ xa lắm...!".

Nhanh hơn với mạng lưới cao tốc TP.HCM kết nối các tỉnh Nhanh hơn với mạng lưới cao tốc TP.HCM kết nối các tỉnh

TTO - Với dự án xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM thành cao tốc vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng đầu tư, việc sớm phát triển các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh sẽ giúp giải quyết ùn tắc giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh thành trọng điểm phía Nam.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0