22/11/2018 05:59 GMT+7

Đường về miền Tây bao giờ rộng mở?

MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM
MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM

TTO - Đường giao thông miền Tây hiện nay vừa thiếu vừa xuống cấp, khiến việc đi lại rất chậm chạp, ảnh hưởng đến phát triển của cả vùng.

Đường về miền Tây bao giờ rộng mở? - Ảnh 1.

Kẹt xe trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, hướng từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây - Ảnh: TL

Chiều 21-11, đậu xe gần trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa thuộc đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Tiền Giang), tài xế Võ Tấn Tài, 36 tuổi, cho biết xe tải 24 tấn chở dừa của anh chạy khoảng 60km từ tỉnh Trà Vinh đến đây mất một giờ rưỡi vì phải "bò" qua quốc lộ 60. 

"Cũng may hôm nay giữa tuần, xe cộ ít nên còn chạy được, chứ gặp cuối tuần thì giờ này còn nhích trên cầu Rạch Miễu" - anh Tài nói.

Đường quá hẹp

Khoảng 3 năm nay, kể từ khi cầu Cổ Chiên nối tỉnh Bến Tre - Trà Vinh đưa vào sử dụng, quốc lộ 60 đoạn qua tỉnh Bến Tre trở nên chật chội hơn khi lượng xe không ngừng tăng lên. 

Theo thống kê của Công ty BOT cầu Rạch Miễu, lượng ôtô qua lại trên tuyến đường này khoảng 13.000 - 15.000 lượt xe/ngày đêm.

Theo tài xế Tài, vừa đổ dốc cầu Cổ Chiên vào địa phận tỉnh Bến Tre được khoảng 1km, thường tài xế chỉ dám chạy dưới 40km/h bởi mỗi chiều chỉ có một làn ôtô nên các xe chạy cùng chiều rất khó để vượt nhau, kẹt xe liên tục khiến tài xế phải "bò". 

Chính những cung đường xấu, chật hẹp như thế này đã đẩy giá cước vận tải lên cao. 

Ông Lê Văn Hiền (57 tuổi, một chủ xe tại tỉnh Trà Vinh) cho biết trong cơ cấu giá cước có một phần lớn là khấu hao xe và phí đường bộ.

"Đường càng ngon, xe ít hư hỏng và lưu thông nhanh hơn thì phí vận chuyển sẽ giảm xuống. Đằng này, đường sá miền Tây như vậy, bảo sao giá cước không cao" - ông Hiền giải thích.

Đường ngang, trục dọc đều quá tải

Theo Bộ Giao thông vận tải, mạng lưới đường bộ khu vực miền Tây gồm Cần Thơ và 12 tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long đã cơ bản hình thành các trục dọc, trục ngang phù hợp với chiến lược, quy hoạch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Nhưng hiện nay, các trục dọc chính như đường N1, N2, quốc lộ 1, quốc lộ 60 hầu hết đều đã quá tải hoặc xuống cấp. 

Trong đó, đường N1 chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia được đầu tư chưa đồng bộ; đường N2 cũng tương tự; quốc lộ 1 và quốc lộ 60 hiện đang "gánh" một lượng phương tiện lớn và trở thành 2 tuyến đường huyết mạch theo chiều dọc của vùng ĐBSCL.

Quốc lộ 60 ngoài việc quá tải còn chưa được kết nối xuyên suốt khi cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng vẫn chưa được đầu tư. Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang có nhiều cầu hẹp cần được nâng cấp. 

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dù hiện đang đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành vào năm 2020 nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn khi dự án này vẫn gặp trắc trở trong việc huy động vốn.

Đường về miền Tây bao giờ rộng mở? - Ảnh 2.

Nguồn: MẬU TRƯỜNG - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Điểm nghẽn phát triển

Dù mọi tuyến đường đi miền Tây đều phải qua Long An nhưng hạ tầng giao thông nơi đây cũng không mấy khá hơn. 

Từ khi đường N2 được thông và nhập chung một đoạn với quốc lộ 62 ngang huyện Thạnh Hóa, đoạn đường này càng trở thành xương sống quan trọng kết nối cả vùng Đồng Tháp Mười, vùng tứ giác Long Xuyên với TP.HCM. 

Lượng giao thông tăng cao, quốc lộ 62 vốn đã được xây dựng gần 20 năm, nay đã xuống cấp nặng nề.

"Gần như khắp cả đoạn đường đều cuộn sóng nhấp nhô. Ban đêm chạy không cẩn thận bị lọt xuống ruộng như chơi" - ông Nguyễn Thành Trung, một chủ xe du lịch ở thị trấn Tân Thạnh, thường xuyên qua đoạn đường này, nhận xét. 

Tuy nhiên, nguồn vốn để sửa chữa quốc lộ 62 đến nay vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Trong khi đó, tuyến đường quan trọng cho việc kết nối đông - tây của vùng Đồng Tháp Mười đã được phê duyệt từ năm 2011 là đường N1 đến nay vẫn chưa có nguồn vốn để triển khai. 

Đây là tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giảm tải áp lực cho tuyến N2. Tình trạng đường nhỏ, thiếu đường đang trở thành điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế của cả vùng ĐBSCL.

Nâng cấp tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp

Theo Ban quản lý dự án 7, mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về phương án sử dụng 15.000 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trong đó có đầu tư cho dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

Việc nâng cấp đầu tư tuyến đường này giúp người dân đi lại thuận lợi qua các tỉnh thành từ Cần Thơ về Cà Mau vì rút ngắn 52km so với đi tuyến quốc lộ 1.

Hệ thống giao thông ĐBSCL: cần đầu tư đồng bộ

Cần đồng bộ hệ thống cao tốc

ong nguyen le ninh

Muốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có sự gắn kết giữa TP.HCM với các địa phương ở hai vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Do đó, Nhà nước cần cấp thiết xây dựng hệ thống giao thông kết nối, đường cao tốc đi các tỉnh miền Tây phải được đầu tư đồng bộ.

Bộ Giao thông vận tải cũng phải có quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không ở ĐBSCL sao cho phù hợp với thực tế, nhu cầu phát triển khu vực này trong nhiều năm tới.

Có như vậy, những hạn chế về giao thông ở khu vực miền Nam mới được giải quyết. Từ đây, một số tỉnh miền Tây sẽ trở thành đô thị vệ tinh chia bớt áp lực xã hội cho TP.HCM, Bình Dương...

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (ủy viên MTTQ TP.HCM)

Doanh nghiệp vận tải khó khăn

ông bùi văn quản (2)

Tôi biết nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn lớn khi vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại. Hầu hết xe tải, xe container đều đổ dồn đi qua quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương dẫn tới tình trạng kẹt xe cục bộ mỗi ngày. Hạ tầng đường sá cũng khá hạn chế, nhiều đoạn đường hư hỏng, nhỏ hẹp. Những vấn đề trên dẫn đến nhiều hệ lụy khác như khiến nhiên liệu tiêu hao, chi phí vận chuyển gia tăng...

Nếu Nhà nước nghiên cứu sớm đầu tư thêm một số tuyến cao tốc miền Tây, sự thông thương hàng hóa sẽ phát triển đáng kể.

Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM)

Cần thêm bài toán tư duy

cq_vo hung dung 2

Vì sao ĐBSCL giàu tiềm năng mà vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng đó? Tôi cho rằng vấn đề là bài toán về tư duy. Đúng là đường giao thông, hạ tầng ĐBSCL còn kém, nhưng ngồi một chỗ than hoài thì khó có thay đổi trong 5-7 năm tới. Hạ tầng rồi cũng sẽ được đầu tư, nhưng lạc hậu về tư duy, nhận thức lúc đó có hạ tầng tốt bao nhiêu cũng lãng phí.

Anh đầu tư bến cảng nhiều, khu logistics nhiều nhưng tổ chức không tốt thì hàng hóa ở đâu ra? Không thu hút được doanh nghiệp thì có đầu tư đường sá đi nữa cũng chỉ giải tỏa ách tắc tạm thời chứ không giải quyết được vấn đề căn cơ để phát triển.

TS Võ Hùng Dũng (nguyên giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ)

Hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL

Đó là chủ đề buổi hội thảo và gala tổng kết Mekong Xanh do báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra tại Cần Thơ chiều 22-11.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở trung ương và địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước sẽ thảo luận chính sách nhằm phát triển bền vững, tìm kiếm giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành là Công ty cổ phần tôn Đông Á cũng sẽ tổng kết các hoạt động của chuyên trang Mekong Xanh và chương trình "Cùng xây cuộc sống xanh" được khởi động từ tháng 1-2018.

THU DUNG - C.QUỐC


MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên