03/12/2017 07:40 GMT+7

Chuyện gì đang xảy ra ở Nhà Trắng?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Khi tổng thống mất niềm tin ở ai đó, họ sẽ không còn hiện diện nữa” - người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói về câu hỏi xung quanh tương lai của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Chuyện gì đang xảy ra  ở Nhà Trắng? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Reuters

Chưa một chính quyền Mỹ nào hứng chịu ánh mắt hoài nghi lớn như nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Trong diễn biến mới nhất, Tillerson có thể là một trong những ngoại trưởng có thời gian làm việc ngắn nhất lịch sử nước Mỹ nếu tin đồn về việc ông bị sa thải là có thật.

Không thiếu lý do

Nhà Trắng đã phản ứng với thông tin về việc ông Tillerson mất chức. Thư ký báo chí Sanders ngày 30-11 khẳng định chưa hề có quyết định nhân sự nào đưa ra, và ông Tillerson sẽ tiếp tục đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ để "hoàn tất năm đầu tiên thành công tuyệt vời của chính quyền Tổng thống Trump".

Nhưng đối với những ai quan sát tình hình nước Mỹ từ đầu nhiệm kỳ ông Trump tới nay, sẽ không quá bất ngờ nếu ông Tillerson bị sa thải. Báo chí Mỹ đã phân tích mọi khả năng, nguyên nhân dẫn tới tin đồn xung quanh tương lai ông Tillerson và cảm thấy nó... hợp lý.

Thứ nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Tillerson thường xuyên xuất hiện những tuyên bố về đường hướng hoạt động khác xa với những gì ông Trump hay nói trên trang Twitter cá nhân. Báo Washington Post dẫn ra hàng loạt ví dụ.

Đơn cử hồi tháng 6, ông Tillerson kêu gọi các quốc gia khối Ả Rập nới lỏng vòng kim cô quanh Qatar, thì ông Trump tại Vườn Hồng - vài tiếng sau - chỉ trích Qatar bằng cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. Khi ông Trump nói rằng việc đối thoại với Triều Tiên là "phí thì giờ", thì tại thời điểm ấy ông Tillerson đang nỗ lực phối hợp với các bên để giải quyết vấn đề bằng ngoại giao. Khi ông Tillerson nói rằng Mỹ nên tôn trọng thỏa thuận biến đổi khí hậu ký ở Paris, ông Trump rút. Khi ông Tillerson muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump không công nhận nỗ lực của Tehran...

Đã có tiền lệ

Chiếu theo lời người phát ngôn Nhà Trắng Sanders, ông Tillerson "dính" ít nhất 3 lỗi để không thể là người phù hợp đi cùng ông Trump lúc này. Đầu tiên là mâu thuẫn trên mặt báo. Thứ hai là việc xuất hiện và... nói quá nhiều trên mặt báo (công việc của một nhà ngoại giao cấp cao nhất ở Mỹ), và thứ ba, là việc ông Tillerson chưa từng nói hoặc có biểu hiện "thề trung thành" với ông Trump.

Những tiêu chí trên được thể hiện qua các lần sa thải thuộc cấp của ông Trump trước đây, điển hình là cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey, người vừa "không trung thành", vừa xuất hiện quá nhiều trước báo giới trong khi lại là lãnh đạo cơ quan đặt yếu tố bí mật lên cao nhất.

Xét theo các tiêu chí trên thì thông tin về việc bổ nhiệm nhân sự thay thế Mike Pompeo, giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA), được xem khá hợp lý. Theo Hãng tin AP, ông Pompeo ngược lại có mối quan hệ rất khăng khít với ông Trump và giữ vai trò rộng lớn hơn rất nhiều sếp CIA khác trong quá khứ. Là một cựu doanh nhân và nghị sĩ Cộng hòa ở Kansas, ông Pompeo được cho "thường xuyên ở lại lâu hơn trong các cuộc họp khác của ông Trump", và cụ thể hơn chút, cũng là người chia sẻ lập trường cứng rắn cùng tổng thống trong vấn đề Iran.

Bản danh sách dài

Nhiệm kỳ chưa tròn một năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến những màn sa thải liên tục những nhân sự cấp cao. Ông Trump tính đến nay đã thay cố vấn và phó cố vấn an ninh quốc gia, chánh văn phòng, thư ký báo chí, giám đốc truyền thông và trưởng bộ phận phụ trách chiến lược, giám đốc FBI và quyền trưởng bộ tư pháp. Mới nhất hồi tuần trước, ông Trump đã cho bộ trưởng y tế và dịch vụ nhân đạo Tom Price thôi việc.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên