Đó là những ý kiến được nhấn mạnh tại hội thảo bàn về thúc đẩy Chuyển đổi số y tế giữa Anh và Việt Nam tại TP.HCM mới đây.
Chuyển đổi số y tế ở Anh
Làm sao để biết các bệnh mãn tính (béo phì, tim mạch, đái tháo đường type 2...) sẽ xảy ra trong tương lai 12 tháng sau của một người? "Hệ thống y tế ở Anh làm được điều này. Việt Nam cũng có thể làm được" - bác sĩ, giáo sư Harald Braun cho biết tại hội thảo.
Theo ông Braun, cần một yếu tố đầu vào quan trọng, đó là dữ liệu. Ở Anh, cổng trí tuệ nhân tạo (AI) i5 được thiết lập trên cơ sở dữ liệu y tế rộng lớn của Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS). Từ cơ sở dữ liệu này, i5 có thể cung cấp dự đoán sơ bộ về 16 nguy cơ sức khỏe dài hạn.
Thay vì chờ đến lúc bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trong một tình huống cấp cứu, AI giúp dự báo chính xác nhờ dữ liệu lớn, nhờ đó bệnh nhân được chăm sóc phòng ngừa sớm, vừa tiết kiệm vừa ít đau đớn cho họ.
Theo ông Richard Bell, quản lý cấp cao về số hóa y tế của Dịch vụ y tế Anh, chuyển đổi số ở Vương quốc Anh bắt đầu từ những năm 1980-1990 với bệnh án điện tử. Đến nay Anh đã đi rất xa trong quá trình chuyển đổi số trong y tế sau hơn 40 năm.
Anh cũng đã có gần 10 năm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực y tế mà một số kết quả tiêu biểu là dự đoán được thời gian bệnh nhân cần chờ trước khi được điều trị, thời gian nằm viện của bệnh nhân, khả năng xảy ra biến chứng hoặc tái khám hoặc tái nhập viện.
Các lợi ích từ chăm sóc phòng ngừa như giảm số ca nhập viện cấp cứu, giảm số chuyến xe cấp cứu, giảm chi phí bác sĩ đến nhà chăm sóc và đi theo xe cấp cứu... đều có thể quy thành tiền. Tùy mức độ áp dụng, số tiền lên đến gần 2 triệu bảng/năm riêng ở một quận ở Liverpool hoặc 700 triệu bảng mỗi năm ở London.
Công nghệ cũng giúp kết nối các phòng xét nghiệm trên toàn quốc để vừa giới thiệu bệnh nhân tìm phòng xét nghiệm thích hợp vừa cho phép bệnh nhân theo dõi tiến độ của việc xử lý mẫu và trả kết quả. Giúp bảo mật dữ liệu nhưng cho phép dữ liệu y tế nhạy cảm đã được thu thập được khai thác phục vụ khoa học đúng quy định pháp lý.
Thay vì để dữ liệu quý không được khai thác, dữ liệu trở thành tài sản, là đầu vào của nhiều nghiên cứu khoa học hữu ích và quay lại phục vụ bệnh nhân.
Cơ hội cho chuyển đổi số của Việt Nam
Tiến sĩ Phạm Xuân Viết, phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế, cho biết so với hơn 40 năm chuyển đổi số của Anh quốc, chuyển đổi số ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Số hóa đã được thực hiện với các lĩnh vực như kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, bệnh án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh...
Chuyển đổi số được lãnh đạo Bộ Y tế rất quan tâm. Việt Nam muốn triển khai và có thể hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng trung tâm dữ liệu y tế, kho dữ liệu số ngành y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn - khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng AI và công nghệ mới.
Ông Trần Quý Tường - nguyên cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế, chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam - cho biết khó khăn đối với chuyển đổi số của Việt Nam là vấn đề kinh phí. Vấn đề tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế là rất lớn.
Chuyển đổi số dĩ nhiên ai cũng muốn làm nhưng vướng ở kinh phí. Khúc mắc này phải có giải pháp, chẳng hạn như có chính sách cho phép trích một tỉ lệ nhỏ trong tiền khám chữa bệnh để các bệnh viện đầu tư cho chuyển đổi số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận