Tại buổi tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12-4 ở TP.HCM, ông Yuichiro Shiotani, giám đốc AEON Topvalue Việt Nam và Trung Quốc, cho biết sau chương trình Viet Nam International Sourcing 2023 được tổ chức năm ngoái, tập đoàn đã đưa thành công sản phẩm chuối tươi Việt Nam vào chuỗi cửa hàng gồm 91 điểm bán ở Hong Kong (Trung Quốc).
Hiện nay 100% chuối tươi đang được bày bán là nhập khẩu từ Việt Nam dù trước đây toàn bộ chuối tươi ở cửa hàng tại Hong Kong do các nhà cung cấp Philippines, Đài Loan hay Singapore đảm nhận.
"Lý do gì để chúng tôi chuyển đổi sang hàng Việt Nam? Đối tác nhập chuối tươi của chúng tôi đã áp dụng mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn. Trong quá trình trồng và chế biến, họ không có phát sinh chất thải bên ngoài, quy trình ấy đáp ứng được tiêu chí bền vững của tập đoàn", ông Yuichiro Shiotani nói.
Theo nhà bán lẻ Nhật Bản, trong xu thế tiêu dùng hiện nay, các nhà thu mua không chỉ chọn nguồn hàng dựa trên tiêu chí giá cả hay tốc độ giao hàng, mà đã thay đổi sang tiêu chí phát triển xanh, bền vững.
Thế hệ tiêu dùng của thị trường Trung Quốc cũng đang được thay thế bởi lớp gen Z và gen X dẫn dắt các xu hướng tiêu dùng mới này. Ông Yuichiro Shiotani tin tưởng một khi Việt Nam đáp ứng được, hàng hóa sẽ rộng đường ra nước ngoài.
Ông Mirash Basheer - giám đốc Công ty May Exports Vietnam, Tập đoàn Lulu, nhà mua hàng lớn của Ấn Độ - cũng cho biết nhu cầu thu mua các sản phẩm từ Việt Nam của tập đoàn ngày càng tăng, đặc biệt là những sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch thu mua nhiều hơn các sản phẩm hạt điều bóc vỏ và làm việc trực tiếp với các nhà máy. Ngoài ra, tập đoàn cũng tìm kiếm những sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như nước trái cây đóng lon, nước dừa, hạt điều nhân, cá ngừ đóng hộp... với mong muốn định vị sản phẩm Việt Nam ở phân khúc cao hơn.
Như với cà phê, chúng tôi muốn làm trực tiếp với các hộ nông dân trồng cà phê, hướng dẫn họ theo các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường chứ không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm", Mirash Basheer thông tin thêm.
Theo các nhà thu mua quốc tế, Việt Nam đang có những cơ hội lớn để trở thành nơi cung ứng hàng đầu của thế giới, đặc biệt sau chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Viet Nam International Sourcing 2023).
Ông Tạ Hoàng Linh - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết sự kiện năm nay cũng ghi nhận sự quan tâm tham dự của các tập đoàn lớn trên thế giới, dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 8-6 tại TP.HCM. Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong suốt ba ngày diễn ra Viet Nam International Sourcing 2024, các hội thảo chuyên đề và kết nối giao thương bổ ích sẽ được tổ chức xuyên suốt, với sự góp mặt của các tập đoàn lớn: điển hình như AEON, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển), LuLu (UAE)... cũng như các nhà thu mua chuyên nghiệp cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, Viet Nam International Sourcing 2024 còn có thêm các hoạt động bên lề hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực, phát triển bền vững khi bước ra thị trường toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận