23/05/2023 06:29 GMT+7

Chứng khoán tăng chậm, thị trường kỳ vọng điều gì ở kỳ họp Quốc hội?

Các chuyên gia nói gì về cổ phiếu chứng khoán, bất động sản tăng giá mạnh hơn mặt bằng chung thị trường? Nhiều kỳ vọng kỳ họp Quốc hội này sẽ có các chính sách, cơ chế thông thoáng hỗ trợ nền kinh tế bớt khó.

Chứng khoán tăng chậm, thị trường kỳ vọng điều gì ở kỳ họp Quốc hội? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán diễn biến thất thường cuối tháng 5-2023 - Ảnh: BÔNG MAI

Trái chiều nhận định về việc cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản tăng

Theo ông Vũ Hải Đăng - trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán (CTCK) VPS, hiện tại những cổ phiếu riêng lẻ đang tăng trưởng tốt hơn thị trường chung. Từ tháng 3 đến nay VN-Index chỉ tăng khoảng 50 điểm (5%), trong khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán hay bất động sản lại có đà tăng 30-40%. 

Ông Hải Đăng cho rằng điều này chứng tỏ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và chủ trương hạ lãi suất được Chính phủ đưa ra đã có tác động nhất định.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc CTCK Đông Á, đặt vấn đề đà tăng giá của các cổ phiếu bất động sản mang tính kỳ vọng hơi xa và không loại trừ yếu tố tạo cung cầu để kéo giá của một số cổ phiếu.

Lý do, những rủi ro cho thị trường chứng khoán hiện tại đến từ tình hình sụt giảm đơn hàng ở khối doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng âm và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn tháng 6-2023 khoảng 20.000 tỉ đồng.

Theo ông, nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn khá bế tắc, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang bị âm.

Kỳ vọng giải pháp từ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội

Theo ông Vũ Hải Đăng, đáng kỳ vọng nhất là kỳ họp tháng 10-2023, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là một cú hích đáng kể trước và sau khi các luật được thông qua, không chỉ cho thị trường bất động sản mà cho cả thị trường chứng khoán.

Hiện thông tin hạ lãi suất tuy chưa xác thực nhưng đã được lan truyền nhiều, rất được thị trường quan tâm. Nhà đầu tư đặc biệt kỳ vọng sẽ có sự thúc đẩy để hạ lãi suất, giúp nền kinh tế có đà đi lên.

Nhận định về kỳ họp này của Quốc hội, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng hiện nay ngành bất động sản và các ngành liên quan chiếm tỉ trọng cao về vốn hóa trên sàn chứng khoán. Kỳ vọng cơ chế chính sách kinh doanh bất động sản thông thoáng hơn, giúp nhóm này tăng trưởng bền vững và thị trường chứng khoán phát triển. 

Ông Nguyễn Anh Cường, nhà đầu tư chuyên nghiệp và đồng thời là trưởng phòng tư vấn tại CTCK SSI, nêu quan điểm rằng Chính phủ liên tục họp khẩn và đưa ra các chính sách gói hỗ trợ kinh tế, phục hồi tháo gỡ pháp lý kênh bất động sản hay thị trường trái phiếu cũng như việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ tác động trực tiếp lên kết quả kinh doanh và lợi nhuận các doanh nghiệp. Thế nên thị trường sẽ có tầm nhìn tích cực và cơ hội nhiều hơn là rủi ro trong dài hạn.

Một nhà đầu tư lớn ở Hà Nội cũng cho rằng nhiều chính sách đang chờ Quốc hội bàn để thúc đẩy mạnh mẽ hơn, như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế phí, nới chính sách visa, cơ chế đặc thù cho TP.HCM... Nếu cơ chế thông thoáng được thông qua thì đây là điều nhà đầu tư rất mong đợi. 

Cẩn thận 5 nhân tố tiêu cực 

Theo ông Vũ Hải Đăng, vẫn tồn tại những nhân tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn nhà đầu tư cần lưu tâm:

Thứ nhất, báo cáo tài chính quý 2 được dự đoán là không tốt, con số sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Thứ hai, quý 2 này là thời điểm đỉnh của đáo hạn trái phiếu. Trong bối cảnh kinh doanh chưa thuận lợi, nguồn vốn vay khó tiếp cận thì nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bán ra cổ phiếu, có thể ngầm hiểu là bán tài sản để trả nợ ngắn hạn.

Thứ ba là tin đồn. Thông tin Mỹ vỡ nợ công hoặc Fed có thể tăng lãi suất ở tháng 7 dù khó xảy ra nhưng vẫn gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư.

Thứ tư là dòng tiền và thanh khoản. Mặc dù thanh khoản trung bình có sự cải thiện, nhưng một số nhóm cổ phiếu đã tăng khá cao. Nếu không có thêm dòng tiền mới vào thì nhóm này khó tăng được nữa, gọi là "chưa ra đến chợ đã hết tiền".

Thứ năm là bức tranh kinh tế chưa quá sáng. Có 3 yếu tố giúp kinh tế phát triển là tiêu dùng, xuất nhập khẩu và FDI. Hiện tại FDI và xuất khẩu đang rất khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng chưa mạnh, nên nhu cầu phân bổ đồng vốn đi đầu tư các kênh có tính chất rủi ro như chứng khoán chưa cao là đương nhiên.

Đủ chiêu số hóa mảng chứng khoánĐủ chiêu số hóa mảng chứng khoán

Dù không sôi động nhưng số tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư trong nước nắm giữ vẫn liên tục tăng, hứa hẹn doanh thu lớn khi thị trường hồi phục.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên