17/06/2024 20:10 GMT+7

Chưa thể thành lập đội bắt chó thả rông với quy mô toàn TP.HCM

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết theo quy định hiện nay, các đội bắt chó thả rông vẫn thành lập tại các phường, xã và không thành lập đội bắt chó có quy mô toàn thành phố.

Chó thả rông sau khi bị bắt sẽ được nhốt tạm thời (khoảng 48 tiếng) và thông báo cho chủ chó qua các nhóm tin nhắn khu vực - Ảnh: CHÂU TUẤN

Chó thả rông sau khi bị bắt sẽ được nhốt tạm thời (khoảng 48 tiếng) và thông báo cho chủ chó qua các nhóm tin nhắn khu vực - Ảnh: CHÂU TUẤN

Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh gặp khó khăn khi tìm cách liên hệ, phản ánh tình trạng chó thả rông đến cơ quan chức năng (kể cả các đội chuyên trách bắt chó thả rông và tổng đài 1022) và mong muốn cơ quan chức năng tổ chức đội bắt chó thả rông với quy mô toàn thành phố.

Liên quan vấn đề này, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết theo quy định (thông tư số 7/2016/TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quyết định số 1464/QĐ của UBND TP.HCM), việc bắt chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thành lập các đội xử lý chó thả rông.

Do đó, hiện nay các đội bắt và xử lý chó thả rông được thành lập tại các phường, xã theo quy định, không thành lập đội bắt chó có quy mô toàn thành phố.

Theo số liệu mới, tại TP.HCM có 12 quận, huyện thành lập các đội chuyên trách bắt chó thả rông ở phường, xã. Nhìn chung các đội bắt chó thả rông có hiệu quả, góp phần phòng chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh dại.

Tuy nhiên vẫn còn một số phường, xã chưa thành lập đội bắt chó thả rông hoặc đã thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, tập huấn bắt chó thả rông cho người của địa phương theo quy định.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y ghi nhận phần lớn các địa phương có khó khăn về nhân sự và vướng mắc về định mức chi tiền cho các hoạt động bắt chó thả rông.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính chưa có quy định cụ thể về nội dung, mức chi cho hoạt động này. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các sở ngành xin ý kiến bộ ngành về mức chi cho hoạt động bắt chó thả rông.

Liên hệ đội bắt chó thả rông: Thống nhất qua tổng đài 1022?

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Minh Thành - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - cho biết theo quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên cổng thông tin 1022, nội dung tiếp nhận phản ánh về "chó thả rông" không tách mục truy cập riêng và thuộc nhóm trật tự.

Trường hợp sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về "chó thả rông" thông qua cổng 1022, trong thời gian 5 phút, tổng đài viên sẽ có trách nhiệm phân loại phản ánh theo lĩnh vực và chuyển đến đơn vị xử lý, cụ thể vấn đề này thuộc trách nhiệm của UBND quận huyện.

Như vậy, hiện tại cổng 1022 dù không có mục riêng về nội dung chó thả rông nhưng người dân có thể phản ánh qua nhóm trật tự. Đây được xem là một đầu mối chung để phản ánh, liên hệ với các đội bắt chó thả rông để cơ quan địa phương liên hệ xử lý.

Thấy đội bắt chó thả rông, chủ ôm chó ‘tháo chạy’Thấy đội bắt chó thả rông, chủ ôm chó ‘tháo chạy’

Sáng 11-2, đội bắt chó thả rông của phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã tuần tra trên nhiều tuyến đường và các khu vực đông dân cư sinh sống.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên