NhưTuổi Trẻ Online thông tin, TP.HCM hiện có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông. Trong đó 5 đội ở TP Thủ Đức, 2 đội quận 1, 1 đội quận 6, 10 đội quận 7, 2 đội quận 10, 11 đội quận 12, 12 đội quận Gò Vấp, 1 đội quận Bình Thạnh, 7 đội huyện Cần Giờ, 6 đội ở Củ Chi, 2 đội ở Hóc Môn.
Ba con chó thả rông rượt người chạy xe té ngã, chủ vẫn tỉnh bơ
Nhiều bạn đọc cho biết rất ủng hộ cách làm của TP.HCM và đề nghị nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác.
Bạn đọc STC chia sẻ: "Hiện tại, người dân đồng lòng với việc này vì chó thả rông cắn người gây bệnh dại rất nguy hiểm và phóng uế bừa bãi, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ngoài những đường lớn và quốc lộ, tôi mong các đội vào sâu những hẻm nhỏ, những nơi này chó thả rông phóng uế bừa bãi nhiều".
Cùng quan điểm, bạn đọc Gia Bảo cho rằng nên nhân rộng thêm đội bắt chó thả rông ở các địa phương khác: "Như thông tin nêu trên thì quận 4 và một số quận khác chưa có đội chuyên trách bắt chó thả rông. Thế nhưng hiện nay, quận huyện nào cũng có chó thả rông, vì thế cần thành lập nhiều hơn nữa các đội tương tự hoặc có sự phối hợp, hỗ trợ từ các quận huyện với nhau".
Bức xúc với chó thả rông, bạn đọc My kể: "Nhà tôi ở đường C4, Phạm Hùng, Bình Chánh. Ngay đoạn đường từ đầu hẻm vào đến cuối hẻm, cứ cách 3-4 căn là có nhà nuôi 6-7 con chó nhưng không xích lại. Có lần mẹ tôi chạy xe ngang qua bị 3 con chó rượt theo làm té ngã nhưng chủ nuôi chó vẫn tỉnh bơ. Tôi cần biết số đường dây nóng để phản ánh việc này".
Mở mục bắt chó thả rông để dân phản ánh
Ngoài việc phản ánh các địa chỉ cụ thể có chó thả rông, nhiều bạn đọc có chung thắc mắc: Làm thế nào để liên hệ với các đội bắt chó thả rông?
Tài khoản thuuhoa@... đề xuất: "Phải có đường dây nóng cụ thể để khi gặp chó thả rông, người dân báo tin ngay cho đội theo địa bàn quản lý".
Bạn đọc HĐ góp ý: "Trên trang web của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM có thể mở thêm mục bắt chó thả rông để người dân phản ảnh. Chỉ cần theo địa chỉ đã phản ảnh và bắt 20% chó vi phạm là các chủ chó khác sẽ sợ. Ngoài ra các đội bắt chó cũng cần thông báo rộng rãi hotline cho người dân biết".
"Mong sau khi triển khai các đợt bắt chó thả rông, phường thông báo rộng rãi trên các nhóm Zalo dân cư để chủ biết đi nộp phạt, nhận chó về" - bạn đọc Linh bình luận.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 2-4, ông Nguyễn Hữu Thiết - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM - cho biết theo các quy định hiện hành, việc thành lập và cơ chế hoạt động của các đội xử lý chó thả rông, bắt chó thả rông thuộc trách nhiệm của địa phương (cấp phường xã).
Chi cục Chăn nuôi và Thú y không có chức năng trực tiếp việc bắt chó thả rông, nhưng vẫn hỗ trợ việc này thông qua tập huấn, hướng dẫn cách bắt chó, lồng nhốt…
Tùy mỗi địa phương sẽ có cách liên hệ với đội bắt chó thả rông khác nhau. Các đội chuyên trách này thường có tổ trưởng, tổ phó hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với cán bộ thuộc phường. Đồng thời, các địa phương cũng cần tự tuyên truyền và thông tin rộng rãi đến người dân.
Đội bắt chó thả rông hoạt động ra sao?
Liên quan vấn đề này, đại diện một số UBND phường tại TP.HCM (có đội bắt chó thả rông) cho biết người dân có thể phản ánh qua các nhóm tin nhắn của từng khu vực, như qua nhóm trên Zalo, Facebook (đa số các địa phương đã có). Hoặc liên hệ trực tiếp tới cán bộ chuyên trách từng xã phường.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh - cho biết đội chuyên trách bắt chó thả rông của phường là các cán bộ, công chức của UBND phường đã được một trung tâm huấn luyện chó tại TP.HCM hỗ trợ và đào tạo nghiệp vụ.
Trước khi làm kế hoạch này, UBND phường đã thông báo, tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Như thông báo trên các trang mạng xã hội của phường hằng ngày trước khi bắt chó thả rông để người dân được biết và chấp hành, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Sau khi bắt chó thả rông, phường thông báo về địa điểm giữ chó để chủ vật nuôi đến nhận (thông báo bằng nhiều hình thức, đa số là qua các nhóm Zalo từng khu vực). Đồng thời, quay phim toàn bộ việc ra quân xử lý chó thả rông, chụp ảnh vật nuôi gửi thông báo để người dân được biết.
Ở phường Hiệp Bình Chánh, người dân cần liên hệ để phản ánh về tình trạng chó thả rông có thể liên hệ số điện thoại 0969479586 của ông Hoàng Thanh Bình (cán bộ kinh tế thuộc UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức).
"Ngoài ra, người dân có thể liên hệ trực tiếp qua số điện thoại của tôi hoặc một số cán bộ phụ trách đô thị, kinh tế, thành viên đội chuyên trách bắt chó thả rông đã được thông báo trước đó để phản ảnh", ông Tuấn nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết đến hiện tại, quận đã triển khai thành lập đội bắt chó thả rông 16/16 phường và đang được sự hỗ trợ, tập huấn từ đơn vị thú y.
Ngoài việc phản ảnh tình trạng chó thả rông qua cổng 1022, người dân có thể liên hệ qua cổng thông tin của UBND quận Gò Vấp (https://govap.hochiminhcity.gov.vn/) hoặc liên hệ trực tiếp với đơn vị phụ trách các phường.
Phạt hành chính 1-2 triệu đồng
Theo cơ quan chức năng, sau khi chó thả rông bị bắt, chủ nuôi muốn nhận lại chó phải nộp phạt vi phạm hành chính khoảng 1-2 triệu đồng. Sau 48 giờ, nếu chó không có người đến nhận sẽ giao cho Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp, đơn vị thú y tại TP.HCM để nghiên cứu khoa học và xử lý theo quy định (tiêu hủy).
Ngoài ra người dân cần phản ánh có thể liên hệ cổng 1022 (liên quan sự cố hạ tầng, về kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng...) để được hỗ trợ. Cổng 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chủ trì, cùng các đơn vị tham gia xử lý các sự cố do người dân, tổ chức và doanh nghiệp phản ánh
Người dân có thể dùng một trong 5 phương thức liên hệ:
- Gọi điện thoại đến đầu số 1022 và 0888.247.247
- Cổng thông tin (1022.tphcm.gov.vn)
- Thư điện tử: 1022@tphcm.gov.vn; duongdaynong@tphcm.gov.vn
- Phần mềm ứng dụng điện thoại di động: App 1022
- Trang fanpage 1022: https://www.facebook.com/1022tphcm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận