
Ngang nhiên san lấp đất nông nghiệp (ảnh chụp ngày 1-5 tại một khu đất ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội)
Đáng chú ý khu vực đất nông nghiệp mới bị đổ phế thải từng được Tuổi Trẻ Online phản ánh và lãnh đạo UBND xã An Thượng nói sẽ có các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng đến nay cho thấy bãi phế thải xây dựng này ngày một phình ra.
Ghi nhận của phóng viên tại khu đất ruộng đã bỏ hoang nhiều năm trước có tới ba điểm đổ thải nằm cạnh nhau. Phế thải đổ trộm đến đâu, mặt bằng nhanh chóng được san gạt đến đó.
Chiều 1-5, ghi nhận tại điểm đổ trộm phế thải xây dựng tại xã An Thượng cho thấy hai chiếc xe ba bánh tự chế thoăn thoắt chạy tới một nhà dân đang phá dỡ có máy múc chờ sẵn để "nhận hàng".
Ngôi nhà được phá dỡ nằm ở giữa thôn Ngự Câu (xã An Thượng), cạnh chợ dân sinh của xã An Thượng - nơi đông người qua lại nhưng hai chiếc xe ba bánh vẫn ngang nhiên chở đầy phế thải mang đi đổ trộm.
Chỉ trong khoảng một giờ, hai xe ba bánh đã vận chuyển nhiều mét khối phế thải đổ xuống khu đất nông nghiệp.
Theo người dân thôn Ngự Câu, tình trạng ngang nhiên san lấp, đổ trộm phế thải lên đất ruộng bỏ hoang ở khu vực này đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Ngang nhiên chở phế thải đi san lấp đất nông nghiệp - Clip: QUANG THẾ - DANH KHANG

Khu đất ở xã An Thượng bị đổ thải, san gạt nham nhở
Sáng 3-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Thịnh - phó chủ tịch UBND xã An Thượng - cho biết để ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải, đơn vị này đã rào chắn một số khu đất nông nghiệp trong xã. Còn khu vực vẫn diễn ra đổ trộm như phóng viên phản ánh, ông Thịnh cho hay: "Chúng tôi sẽ tiếp thu, tiếp tục rào chắn, ngăn chặn...".
Trước tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký công điện số 04 (ngày 22-4) nhằm tăng cường công tác quản lý.
Theo công điện, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn và không được để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm phát sinh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an TP Hà Nội chỉ đạo công an cấp xã xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng.
Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, chỉ đạo lực lượng thanh tra xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công, đất lấn chiếm.
Trước đó tháng 12-2024, Tuổi Trẻ Online đã có bài phản ánh đất nông nghiệp ở huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Quốc Oai (Hà Nội) bị đổ phế thải, san lấp tạo mặt bằng, quây tôn… gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để, trong khi đó một số nơi đang tái diễn vi phạm.
Hình ảnh san lấp đất nông nghiệp mới được ghi nhận:

Ngôi nhà đang phá dỡ trong xã An Thượng

Hai chiếc xe ba bánh thay nhau vận chuyển phế thải

Xe ba bánh tự chế thùng đầy ắp phế thải xây dựng

Nơi đổ trộm là khu ruộng đã bỏ hoang

Cạnh khu đất bị đổ trộm nói trên là bãi đổ phế thải tự phát, nhìn trên cao như một "công trường" xây dựng

Cũng ở xã An Thượng, một bãi phế thải mới được đổ trộm ra đất nông nghiệp

Đầu tháng 12-2024, trao đổi với phóng viên, ông Vương Duy Hùng, chủ tịch UBND xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cho biết đến giữa tháng 12-2024 khu đất đổ trộm phế thải tạo mặt bằng kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, sau nhiều tháng trôi qua (ngày 3-5) khu đất nông nghiệp quy hoạch trồng cây ăn quả này vẫn là bãi vật liệu xây dựng
Hà Nội nâng mức phạt vi phạm về môi trường, đất đai
Tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP Hà Nội (ngày 29-4) đã thông qua quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP (thực hiện khoản 1, điều 33, Luật Thủ đô) và quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 1, điều 33, Luật Thủ đô).
Theo đó, với đa số phiếu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua các nghị quyết quy định tăng mức phạt lên gấp hai lần đối với các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường và đất đai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận